(sav.gov.vn) - Tại buổi làm việc với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về công tác phối hợp trong công tác kiện toàn bộ máy tổ chức của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chiều 8/5, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục đồng hành, phối hợp của KTNN trong hoàn thiện quy định pháp luật về KTNN.
Quang cảnh buổi làm việc
Tham dự Hội nghị, về phía Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban và các cá nhân có liên quan.
Về phía KTNN có Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, các bộ phận, cá nhân có liên quan.
Theo đó, trong những năm vừa qua, KTNN đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện bộ máy, tổ chức của KTNN ngày càng hoàn thiện.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Cục Công nghệ thông tin (CNTT) trực thuộc KTNN trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Tin học.
Kết quả đạt được đó có sự hỗ trợ, đóng góp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Cụ thể, trong quá trình thẩm tra Tờ trình của KTNN, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành sự cần thiết kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về CNTT của KTNN.
Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục CNTT là phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và không thuộc trường hợp phải báo cáo Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục theo đề xuất của KTNN là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt hiệu lực, hiệu quả.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá, việc chuyển đổi mô hình từ Trung tâm Tin học thành Cục CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của KTNN trong giai đoạn phát triển mới cũng phù hợp với mục tiêu đã được xác định tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, việc KTNN chú trọng đến CNTT là xu thế tất yếu và đúng đắn. Trong đó, việc thành lập Cục CNTT chính là bước kiện toàn tổ chức quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của KTNN.
Tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong tình hình mới, các đơn vị được kiểm toán ngày càng ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động, đòi hỏi KTNN phải thích ứng, đi trước để ngày càng đẩy mạnh ứng dụng CNTT đối với các hoạt động của Ngành, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán với nhiều hình thức kiểm toán mới gắn với công nghệ.
Do đó, cần thiết phải có điều chỉnh kịp thời về tổ chức, bộ máy để cơ quan chuyên trách về CNTT của KTNN được thực hiện chức năng phù hợp với quy định của pháp luật; có đủ thẩm quyền trong việc thống nhất quản lý và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ kiểm toán; có điều kiện thu hút cán bộ có chuyên môn tốt, am hiểu về CNTT trong triển khai hoạt động kiểm toán.
"Việc tổ chức lại Trung tâm Tin học thành Cục CNTT là yêu cầu cấp bách, phù hợp với chủ trương và định hướng của Đảng, của Trung ương, của Bộ Chính trị, phù hợp với thực tiễn phát triển của Ngành trong tình hình mới." - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đánh giá sự phối hợp, ủng hộ của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong việc cho ý kiến đánh giá khách quan, phù hợp đối với việc thành lập Cục CNTT nói riêng, hoạt động của KTNN nói chung trong suốt thời gian qua.
Đồng thời, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục quan tâm, đồng hành với KTNN trong việc hoàn thiện pháp luật về KTNN, đặc biệt là việc sửa Luật KTNN trong thời gian tới.
Nhân dịp này, KTNN đã trao tặng Bằng khen của Tổng Kiểm toán nhà nước cho 7 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp, kiện toàn tổ chức, bộ máy của KTNN./.