(sav.gov.vn) - Vừa qua, Kiểm toán nhà nước Australia (ANAO) công bố một Báo cáo kiểm toán sau khi đánh giá hiệu quả công tác quản lý các khoản thanh toán phúc lợi của Bộ Dịch vụ xã hội (DSS) và Cơ quan Dịch vụ Australia (SA), trực thuộc DSS.
Người dân xếp hàng chờ được chi trả các khoản phúc lợi. Ảnh: ST
Kiểm toán việc chi trả phúc lợi đóng vai trò quan trọng
DSS chịu trách nhiệm về công tác an sinh xã hội, các vấn đề về người khuyết tật, nhà ở, gia đình và cộng đồng nói chung. DSS phối hợp với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ thực hiện nhiều chính sách, chương trình và dịch vụ, tập trung vào việc cải thiện phúc lợi cho người dân. Dự toán chi ngân sách của DSS cho năm 2023-2024 là hơn 171,8 tỷ USD.
Lãnh đạo DSS đã giao cho Giám đốc SA thực hiện trách nhiệm cung cấp và quản lý các khoản thanh toán phúc lợi xã hội. Trong năm 2021-2022, SA đã thay mặt DSS thực hiện các khoản thanh toán phúc lợi với tổng trị giá 124,7 tỷ USD (chiếm khoảng 20% tổng chi tiêu của Chính phủ).
Từ năm 1997, DSS và SA đã ký kết một thỏa thuận song phương với trọng tâm là quản lý hiệu quả quá trình xử lý các khoản thanh toán phúc lợi để đảm bảo người nhận là đúng đối tượng, được hưởng các khoản hỗ trợ phù hợp, vào đúng thời điểm.
ANAO cho biết, các khoản thanh toán do SA xử lý trên các hệ thống công nghệ thông tin rất phức tạp và có khối lượng lớn. Việc công bố thông tin của một số lượng lớn người thụ hưởng thuộc nhiều đối tượng khác nhau gây ra nhiều rủi ro và tranh cãi. ANAO cũng bày tỏ lo ngại khi có dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện của lợi ích cá nhân trong quá trình thực hiện các khoản thanh toán phúc lợi.
Do đó, ANAO đã thực hiện cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của DSS để đánh giá tính chính xác của các giao dịch, đồng thời xác định các hành vi gian lận và rủi ro. Cuộc kiểm toán cũng được thực hiện để đảm bảo trước Nghị viện về tính đúng đắn của các quy trình giám sát, báo cáo và liên tục cải thiện tính chính xác, kịp thời trong chi trả phúc lợi tại DSS và SA.
Qua cuộc kiểm toán, ANAO chỉ ra rằng, công tác quản lý của DSS và SA về tính chính xác và kịp thời của các khoản thanh toán phúc lợi cơ bản có hiệu quả. Bên cạnh đó, ANAO cũng chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động của DSS và SA cũng như trong việc phối hợp giữa 2 cơ quan.
Cần nâng cao kiểm soát các khoản phúc lợi
Cuộc kiểm toán của ANAO chỉ ra rằng, các thỏa thuận song phương giữa 2 cơ quan hiện tại không đầy đủ để hỗ trợ việc giám sát hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, đến nay, các thỏa thuận liên quan vẫn chưa được cập nhật thành công.
DSS chưa chủ động và không thực hiện giám sát tính chính xác, kịp thời của việc thanh toán. Các cơ chế đảm bảo tính chính xác và kịp thời của thanh toán chưa đủ khách quan và độc lập, đồng thời các rủi ro chung liên quan đến tính chính xác và kịp thời của thanh toán không được quản lý sát sao.
Theo báo cáo, phương pháp và quy trình giám sát được xây dựng để theo dõi độ chính xác của thanh toán phần lớn đạt hiệu quả; các đơn vị đã bắt đầu sử dụng dữ liệu nhằm cải thiện độ chính xác của các khoản thanh toán. Tuy nhiên, các quy trình giám sát, báo cáo và liên tục cải thiện độ chính xác trong thanh toán của DSS và SA chỉ đạt hiệu quả một phần.
ANAO cũng chỉ ra các điểm yếu trong việc 2 cơ quan đề ra các mục tiêu chung để cải thiện hiệu quả hoạt động, chỉ ra sự thiếu chính xác trong thanh toán, sự lỏng lẻo trong lưu trữ dữ liệu và chất lượng các kết quả được báo cáo chưa cao.
ANAO nhấn mạnh, các quy trình giám sát, báo cáo và liên tục cải thiện tính kịp thời của việc thanh toán chỉ đạt hiệu quả một phần; phương pháp đo lường tính kịp thời của việc xử lý yêu cầu phúc lợi không hiệu quả; những thay đổi về các biện pháp đo lường tính hiệu quả chưa hợp lý.
Trong năm 2021-2022, ANAO ước tính:
- Các khoản thanh toán phúc lợi vượt mức quy định là 8 tỷ USD (chiếm 6,71% tổng số thanh toán)
- Tỷ lệ số người nhận phúc lợi đúng quy định đạt 81,4%
- Tỷ lệ đơn yêu cầu chi trả phúc lợi được giải quyết theo thỏa thuận giữa DSS và SA là 76,9%
|
ANAO đã đưa ra 14 khuyến nghị kiểm toán cho DSS và SA. Trong đó, ANAO nhấn mạnh, 2 đơn vị cần hoàn thành quy trình tái thỏa thuận song phương, đảm bảo các thỏa thuận sửa đổi bao gồm các cơ chế hiệu quả để hỗ trợ công tác giám sát tính chính xác và kịp thời của việc thanh toán phúc lợi.
Hai cơ quan cần xây dựng quy trình trao đổi báo cáo kiểm toán nội bộ và đảm bảo công tác quản lý đối với hoạt động kiểm toán liên quan. Song song với đó, cần xây dựng một khuôn khổ thỏa thuận song phương chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá độc lập và khách quan về hiệu quả kiểm soát thanh toán các khoản phúc lợi./.
(Theo anao.gov.au và tổng hợp)