(sav.gov.vn) - Theo kết quả một cuộc kiểm toán của Tòa Thẩm kế châu Âu (ECA), một số cơ quan thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã không quản lý tài chính hiệu quả trong năm 2023 cũng như nhiều năm trước đó.
Cơ quan Biên phòng và Cảnh sát biển châu Âu được cấp những khoản ngân sách lớn. Ảnh: ST
Nhiều sai phạm trong hoạt động mua sắm công
Trong báo cáo thường niên đánh giá về hoạt động của 43 cơ quan EU, ECA chỉ ra rằng, các điểm yếu, sai phạm trong hoạt động mua sắm công tại các cơ quan của EU đã tăng mạnh trong năm 2023. Một số cơ quan thuộc EU đã không quản lý tài chính hiệu quả trong nhiều năm trước đó. ECA đã xem xét các báo cáo cũng như doanh thu của các cơ quan này và không đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần cho 4 cơ quan, do cách thức chi tiêu ngân sách chưa phù hợp.
Trong đó, 3 cơ quan bị chỉ trích vì chưa thể giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trong công tác mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo các quy định hiện hành. Qua nhiều cuộc kiểm toán, ECA cho biết, những tồn tại này cũng khá phổ biến trong các cơ quan khác của EU và cần sớm được khắc phục.
Theo báo cáo của ECA, 39 trong số 43 cơ quan đã nhận được ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần về các khoản thanh toán. Đối với 4 cơ quan không đạt yêu cầu, số tiền chi tiêu sai quá cao, tổng cộng ước tính lên tới 28,2 triệu euro. Trong đó, ECA xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này tại 3 cơ quan (Đào tạo thực thi pháp luật, Quản lý vận hành các hệ thống công nghệ thông tin quy mô lớn, Trung tâm Dịch thuật cho các cơ quan của EU) là do việc trao và thực hiện hợp đồng sai quy định. Đối với Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, nguyên nhân là do hệ thống quản lý và kiểm soát còn yếu kém.
ECA cho rằng, những điểm yếu trong hoạt động quản lý mua sắm đang gia tăng vẫn là nguyên nhân chính khiến nhiều cơ quan không tuân thủ các quy định khi thanh toán. ECA đã phát hiện ra nhiều điểm yếu trong hoạt động mua sắm của 24 cơ quan không đảm bảo hiệu quả chi tiêu cao nhất có thể. Điển hình, Cơ quan Biên phòng và Cảnh sát biển châu Âu đã tăng giá trị hợp đồng cho nhiều nhân viên lên tới hơn 10 lần so với quy định; Văn phòng Sở hữu trí tuệ EU trao hợp đồng trị giá 5 triệu euro cho một công ty du lịch mà không thông báo trước về việc đấu thầu, trao hợp đồng…
Trong năm 2023, ECA đã thực hiện hàng loạt cuộc kiểm toán, đánh giá về hoạt động mua sắm của các cơ quan và liên tục chỉ trích một số cơ quan vì để xảy ra những sai sót khác. Trong cuộc kiểm toán gần đây, các kiểm toán viên đã chỉ ra những thiếu sót và yêu cầu 36 cơ quan cải thiện; đặc biệt trong hoạt động mua sắm, xây dựng kế hoạch quản lý, chi tiêu ngân sách, tuyển dụng, kiểm soát…
"EU hiện có 43 cơ quan ở 23 quốc gia thành viên. Các cơ quan này có ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống của người dân châu Âu, như: Môi trường, y tế, an ninh, tư pháp... Năm 2022, các cơ quan này quản lý khoảng 35 tỷ euro, tuyển dụng 15.775 nhân viên. Trong đó, Cơ quan Biên phòng và Cảnh sát biển châu Âu đứng đầu danh sách với hơn 2.000 nhân viên và ngân sách gần 700 triệu euro."
Cần tăng cường quản lý tài chính công
Hầu hết các cơ quan đều được cấp tài chính hoàn toàn bằng ngân sách của EU, ngoại trừ một số cơ quan đặc biệt. Ngân sách riêng của họ, không bao gồm các cơ quan ngoại trừ, đạt tổng cộng 4,5 tỷ euro, tương đương 3% toàn bộ ngân sách EU. Riêng trong năm 2022, 6 cơ quan điều hành của Ủy ban châu Âu đã quản lý 19,3 tỷ euro từ ngân sách EU để điều hành các dự án cho Ủy ban. Do đó, công tác quản lý tài chính được đánh giá là rất quan trọng và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông François-Roger Cazala - Trưởng Đoàn kiểm toán của ECA - cho biết: “Công tác quản lý tài chính của các cơ quan EU nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát; tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy một số kết quả kém tích cực hơn. Một số cơ quan EU có hệ thống kế toán tốt, nếu cố gắng họ vẫn có thể thực hiện việc chi tiêu ngân sách tốt hơn nữa. Đối với một số cơ quan, những sai sót trong hoạt động mua sắm công vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay”.
Hằng năm, các kiểm toán viên của ECA thường tiến hành đánh giá báo cáo tài chính của các cơ quan trực thuộc EU; đặc biệt đánh giá độ tin cậy của dữ liệu, thông tin, xem xét các giao dịch về thu nhập và chi tiêu có tuân thủ các quy định liên quan hay không.
Trong cuộc kiểm toán mới được thực hiện, ngoài những mục tiêu trên, ECA tập trung xem xét cách các cơ quan thực hiện những biện pháp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm lượng khí thải carbon bằng cách đóng góp cho kế hoạch hành động về khí hậu của EU; đánh giá những nỗ lực để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra. Theo tỷ lệ, khoảng 2/3 cơ quan của EU đã xây dựng và thực hiện các kế hoạch để hoạt động tiết kiệm năng lượng hơn và góp phần cải thiện khí hậu. ECA nhấn mạnh, đây là những mục tiêu đặc biệt quan trọng, các cơ quan EU cần tập trung hơn trong tương lai./.
(Theo ECA và EU Today)