Phiên đối thoại đặc biệt “KTNN trong vai trò công cụ hoàn thiện quản lý nhà nước”

17/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Việt Nam đang tập trung các nguồn lực cần thiết để thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (PTBV). Với vai trò là cơ quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã bám sát, đồng hành cùng Chính phủ và đóng góp một phần không nhỏ vào các thành tựu Việt Nam đã đạt được.

Đoàn đại biểu KTNN Việt Nam tham dự Phiên đặc biệt của Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg

Công cụ quan trọng nhằm đạt được các ưu tiên phát triển quốc gia

Tham dự Phiên đối thoại đặc biệt “KTNN trong vai trò công cụ hoàn thiện quản lý nhà nước” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) 2024 vừa qua, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ và các đại biểu đến từ các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI): Liên bang Nga, Belarus, Kazakhstan, Ả rập Xê út, Senegal đã cùng thảo luận về vai trò của kiểm toán trong hệ thống hành chính công, cũng như tác động của nó đối với người dân và sự phát triển của đất nước.

Phó Chủ tịch KTNN Liên bang Nga Galina Izotova cho rằng, trong bức tranh toàn cảnh kinh tế - xã hội của một quốc gia, kiểm toán là một chức năng quản lý với nhiệm vụ xác minh tính hợp pháp và chính xác của các quyết định được đưa ra, từ đó, chỉ ra các sai sót và đề ra các giải pháp để khắc phục những sai sót đó.

"Chính vì vậy, hoạt động kiểm toán của các SAI đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính công" - bà Galina Izotova nói.

Nhấn mạnh tới yếu tố độc lập, minh bạch, cũng như các vai trò khác của các SAI trong việc cải thiện quản lý, hành chính công, Chủ tịch Tòa Tổng Kiểm toán Ả rập Xê út Hussam bin Abdulmohsen Alangari đặc biệt lưu ý tới việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, số hóa để mở rộng phạm vi hoạt động của các SAI. Từ đó, nâng cao hiệu quả kiểm toán, tối đa hóa tiến trình đưa ra quyết định, mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước.

Tại Phiên đối thoại, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đã nêu rõ tầm quan trọng của KTNN trong thực hiệc các ưu tiên phát triển quốc gia. Trong 30 năm hình thành và phát triển, KTNN Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là một cơ quan uy tín, độc lập, khách quan thực hiện đánh giá, giám sát để kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế và đưa ra những kiến nghị nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, minh bạch hóa trong việc sử dụng tài chính công, tài sản công, nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục đích thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Chính phủ.

KTNN Việt Nam áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động trong việc đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với các chương trình, hoạt động. "Đây là một trong những nội dung kiểm toán đặc biệt quan trọng, do việc các chương trình, hoạt động hướng tới các mục tiêu PTBV có đạt được hiệu quả như mong đợi và có thực sự đem lại tác động tích cực cho xã hội hay không, là những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và người dân quan tâm" - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.

KTNN Việt Nam cũng góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nói chung và cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV nói riêng thông qua việc cung cấp thông tin, số liệu tin cậy, kịp thời cho Quốc hội, làm căn cứ để Chính phủ đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp…
 

Quang cảnh Phiên đặc biệt của SPIEF 2024


Nỗ lực kiểm toán bám sát vào các mục tiêu phát triển bền vững

Từ thực tiễn trong triển khai kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá việc thực hiện các ưu tiên phát triển quốc gia, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho rằng, cần chú trọng việc phân tích nguyên nhân - tác động đối với từng phát hiện kiểm toán, để từ đó có kiến nghị kiểm toán nhằm khắc phục đúng nguyên nhân cốt lõi của các sai sót được chỉ ra. Đồng thời, tích cực trao đổi thường xuyên và kịp thời với các đơn vị được kiểm toán về kết quả kiểm toán, đảm bảo sự đồng thuận của đơn vị và tính khả thi của việc thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Chung quan điểm về vấn đề này, bà Galine Izotova cũng khuyến nghị cần có một không gian hợp tác giữa các SAI và đối tượng kiểm toán để tạo sự tương tác chặt chẽ hơn với các đơn vị được kiểm toán.

"Chúng tôi mong muốn tương tác chặt chẽ hơn với các đơn vị được kiểm toán thông qua các khuyến nghị, từ đó nâng cao hiệu quả của việc ra quyết định quản lý" - bà Galina Izotova nhấn mạnh.

Trao đổi về kiểm toán môi trường (KTMT) tại Phiên thảo luận, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho rằng, đây là một lĩnh vực kiểm toán mới, nhưng có tác động lan tỏa tích cực đến nhiều mục tiêu trong PTBV. Đồng thời, là một trong những nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Trên cương vị Chủ tịch ASOSAI, từ năm 2018-2021, KTNN Việt Nam đã đưa vào kế hoạch và triển khai thực hiện 29/32 cuộc kiểm toán chuyên sâu về vấn đề môi trường, cũng như các cuộc kiểm toán có sự lồng ghép yếu tố môi trường. Nổi bật là cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với thực hiện các mục tiêu PTBV”. Thành công của cuộc kiểm toán là minh chứng cho những nỗ lực của KTNN Việt Nam trong việc phát triển, chia sẻ kiến thức, hợp tác nâng cao năng lực thực hiện KTMT vì sự PTBV.

Thực hiện Tuyên bố Hà Nội tại Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14, với cương vị là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và thành viên Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024, KTNN Việt Nam luôn đi đầu trong định hướng phát triển KTMT lên tầm cao mới.

"KTNN Việt Nam luôn đổi mới cách thức tổ chức KTMT, ưu tiên tổ chức các cuộc kiểm toán với phạm vi toàn Ngành, hạn chế các cuộc kiểm toán đơn lẻ, phạm vi hẹp, chỉ giới hạn ở một đơn vị thực hiện nhằm đánh giá chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể" - ông Doãn Anh Thơ cho biết.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2015-2023, KTNN đã tổ chức thực hiện 12 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, như: Kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, làng nghề; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu; việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với các mục tiêu PTBV…

Ngoài ra, còn có hơn 30 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ có lồng ghép các nội dung về môi trường. Các chủ đề kiểm toán đều là các vấn đề môi trường “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực tới môi trường, được Chính phủ, Quốc hội, người dân quan tâm; đồng thời đã được KTNN rà soát, thu thập thông tin, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện.

Qua kiểm toán, nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực môi trường đã được KTNN nhận diện, qua đó kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản quy phạm pháp luật; góp phần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện chất lượng sống của người dân./.

Minh Thúy

Xem thêm »