Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường

03/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày nay, vấn đề phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường không còn là vấn đề riêng của một quốc gia nào mà nó đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, là yếu tố sống còn của nhân loại. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của bảo vệ môi trường đối với sự phát triển bền vững của Quốc gia, kiểm toán môi trường ngày càng được các cơ quan kiểm toán tối cao chú trọng như một xu thế tất yếu. Tại Việt Nam, việc triển khai kiểm toán môi trường dù còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã có những chuyển biến đáng khích lệ.

Phát triển kiểm toán môi trường phù hợp với xu thế quốc tế

Với tầm quan trọng của môi trường cũng như sự phát triển bền vững của đất nước và sự cần thiết phải hội nhập với xu thế phát triển chung của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, KTNN Việt Nam đã sớm có những nghiên cứu, tìm hiểu, định hướng phát triển bộ máy tổ chức để thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường - nội dung kiểm toán phổ biến được thực hiện bởi các cơ quan KTNN tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới nhưng còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Tháng 10/2015, KTNN thành lập bộ phận chuyên môn cấp phòng về kiểm toán môi trường tại Vụ Hợp tác quốc tế nhằm mục đích nghiên cứu, áp dụng những kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán môi trường và từng bước triển khai áp dụng tại KTNN Việt Nam.

Tháng 10/2018, Phòng Kiểm toán môi trường và chức năng kiểm toán môi trường được chuyển về KTNN chuyên ngành III nhằm chuyên môn hóa công tác tổ chức thực hiện kiểm toán môi trường. Đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu thực tiễn Việt Nam.

Trong những năm gần đây, KTNN đã tuyển dụng bổ sung lực lượng nhân sự được đào tạo chuyên môn trong lĩnh vực môi trường cho các đơn vị trong toàn ngành nhằm đẩy mạnh hoạt động kiểm toán môi trường theo mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển KTNN Việt Nam đến năm 2030.
 
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN hướng đến mục tiêu góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước, hòa nhịp với xu thế của kiểm toán quốc tế, qua đó khẳng định, nâng cao vị thế cũng như tầm ảnh hưởng của KTNN không chỉ trong nước mà còn đối với khu vực và trên thế giới. Việc triển khai thực hiện kiểm toán môi trường trong thời gian đầu đã gặp không ít những khó khăn, thách thức như: thiếu cơ sở dữ liệu, quy trình, hướng dẫn về kiểm toán môi trường phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam; hạn chế về nhân sự có chuyên môn, được đào tạo bài bản về môi trường; công tác phối  hợp với các đơn vị được kiểm toán còn vướng mắc do kiểm toán môi trường là lĩnh vực rất mới, chưa được phổ biến và hiểu biết một cách rộng rãi… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Cán sự Đảng KTNN, Tổng KTNN, công tác kiểm toán môi trường đã từng bước được hoàn thiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

KTNN đã nghiên cứu xây dựng, ban hành và định kỳ rà soát, sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn Kiểm toán môi trường, Tài liệu đào tạo Kiểm toán môi trường phù hợp với thực tiễn của hoạt động kiểm toán và các quy định hiện hành; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế thông qua việc thành lập các Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường cũng như các hoạt động hợp tác song phương, đa phương. Đặc biệt, năm 2018, KTNN đã chủ trì và tổ chức thành công Đại hội lần thứ 14 của Tổ chức các Cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, KTNN đã nỗ lực hết sức và dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện thắng lợi Tuyên bố Hà Nội và các Chương trình hành động, chú trọng vào việc phát triển, chia sẻ kiến thức, hợp tác nâng cao năng lực thực hiện kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững như các cam kết đã đưa ra.

Địa vị pháp lý của KTNN trong lĩnh vực kiểm toán môi trường ngày càng được hoàn thiện, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong việc thực hiện kiểm toán lĩnh vực môi trường. 
 
Kiểm toán môi trường là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nội dung chính của kiểm toán môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bao gồm:Việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.” – Điều 74, Luật Bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 theo Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xác định kiểm toán môi trường là một trong những những nội dung chủ đạo được tập trung phát triển, tăng cường cả về chất lượng lẫn số lượng cuộc kiểm toán. Điều này một lần nữa khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng như người dân đối với những nỗ lực và kết quả đạt được của KTNN trong lĩnh vực kiểm toán môi trường.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, KTNN Việt Nam đã triển khai trên 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, như: kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; nhà máy nhiệt điện; làng nghề; công tác quản lý chất thải y tế; phế liệu nhập khẩu; việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni lông;.... Trên cơ sở đó, KTNN đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản quy phạm pháp luật, từ Nghị định, Thông tư cho đến các văn bản quản lý, hướng dẫn đặc thù cho từng lĩnh vực; đưa ra các cảnh báo về nguy cơ, rủi ro ô nhiễm môi trường cùng với hàng loạt các giải pháp hữu ích, có tính khả thi cao giúp khắc phục các tồn tại, hạn chế cũng như bịt những lỗ hổng trong hệ thống các quy định về bảo vệ môi trường, tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý môi trường.

Trong giai đoạn 2015-2023, KTNN Việt Nam đã tổ chức thực hiện 12 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường như: kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, làng nghề; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, giải pháp giảm sử dụng túi ni lông… Ngoài ra, còn có trên 30 cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ có lồng ghép các nội dung về môi trường như kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các dự án liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững …; việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, quỹ bảo vệ môi trường, quỹ bảo vệ và phát triển rừng… Các chủ đề kiểm toán nói trên đều là các vấn đề môi trường “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực môi trường được Chính phủ, Quốc hội, người dân quan tâm, đồng thời đã được KTNN Việt Nam rà soát, thu thập thông tin, đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo tối đa hóa các tác động và giá trị gia tăng mà cuộc kiểm toán có thể đem lại.

Thông qua hoạt động kiểm toán môi trường, KTNN Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản quy phạm pháp luật, từ Nghị định, Thông tư cho đến các văn bản hướng dẫn đặc thù cho từng lĩnh vực khác nhau; đưa ra những đánh giá khách quan, cung cấp thông tin một cách toàn diện cũng như đề xuất các kiến nghị phù hợp giúp cho các cơ quan quản lý kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, thiếu sót nhằm nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả đối với các chương trình, hoạt động kế tiếp. Từ đó, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các mục tiêu mục tiêu phát triển bền vững.

Thách thức đặt ra và định hướng phát triển kiểm toán môi trường

Nhận thức rõ quan điểm “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; đồng thời là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương”, KTNN Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, đổi mới trong công tác kiểm toán nói chung và kiểm toán môi trường nói riêng. Tuy nhiên, môi trường là lĩnh vực rộng, đa dạng, phức tạp và kiểm toán môi trường là lĩnh vực kiểm toán mới đối với KTNN Việt Nam. Trong quá trình triển khai thực hiện kiểm toán môi trường, KTNN Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc: xây dựng kế hoạch kiểm toán chiến lược; thực hiện một cuộc kiểm toán môi trường theo loại hình kiểm toán hoạt động với mục tiêu đánh giá đầy đủ tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả (hiện KTNN Việt Nam chủ yếu thực hiện kiểm toán môi trường theo loại hình kiểm toán tuân thủ và kiểm toán tài chính); xây dựng cơ sở dữ liệu và ngân hàng chủ đề kiểm toán; kinh nghiệm, phương pháp và quy trình hướng dẫn thực hiện kiểm toán trong một số chủ đề môi trường cụ thể, như: biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thực hiện cam kết quốc tế…; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán môi trường;…

Để đảm bảo phát triển kiểm toán môi trường phù hợp với xu thế của hoạt động kiểm toán quốc tế cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai và bối cảnh Việt Nam, KTNN Việt Nam đang triển khai xây dựng lộ trình phát triển kiểm toán môi trường đến năm 2030 (giai đoạn 2024 – 2030) bám sát các quan điểm, mục tiêu và trụ cột phát triển đã được phê duyệt theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong đó dự kiến tập trung vào các nội dung gồm: (i) Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động kiểm toán môi trường; (ii) Phát triển tổ chức bộ máy; (iii) Phát triển nguồn nhân sự; (iv) Xây dựng cơ sở dữ liệu; (v) Nâng cao chất lượng kiểm toán; (vi) Hợp tác quốc tế về kiểm toán môi trường; (vii) Nghiên cứu khoa học và thông tin tuyên truyền.
 
 Năm 2008, KTNN Việt Nam chính thức trở thành thành viên Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của ASOSAI (ASOSAI WGEA) và năm 2021 là thành viên của INTOSAI WGEA. KTNN Việt Nam đã cử nhiều lượt cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị về kiểm toán môi trường trên thế giới do INTOSAI, ASOSAI và các SAI tổ chức; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho phát triển kiểm toán môi trường thông qua việc thu thập và biên dịch các tài liệu đào tạo, hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực môi trường; tham gia các cuộc kiểm toán hợp tác quốc tế, nhóm đề án nghiên cứu về chủ đề “Ứng dụng dữ liệu lớn trong kiểm toán môi trường”, “Kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững”... để tiếp thu các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế vào hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam; tăng cường hoạt động hợp tác song phương với KTNN In-đô-nê-xi-a, KTNN Ấn Độ, Quỹ Kiểm toán và Trách nhiệm giải trình Canada (CAAF)... trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ KTNN Việt Nam trong quá trình thực hiện kiểm toán môi trường. Đáng chú ý, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, KTNN Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 vào năm 2018 và được bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đây là sự kiện đối ngoại nổi bật, góp phần nâng cao vị thế của KTNN Việt Nam trong nước và trên trường quốc tế.


Hà Linh

Xem thêm »