Hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán, nâng cao chất lượng hoạt động KTNN

31/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước trả lời phỏng vấn xung quanh dự án Hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN).

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên

Thưa ông, được biết KTNN đang triển khai Dự án Hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới. Ông có thể cho biết về mục đích cũng như tầm quan trọng của việc hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán đối với KTNN trong bối cảnh hiện nay?
Trong bối cảnh hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với tất cả các quốc gia nói chung và các ngành, các lĩnh vực nói riêng, trong đó có hoạt động kiểm toán nhà nước. KTNN đã là thành viên của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) từ tháng 7 năm 1996 và Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) từ tháng 01 năm 1997; có mối quan hệ hợp tác rộng rãi và đã ký kết văn kiện hợp tác với hàng chục cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) và các tổ chức quốc tế có uy tín khắp các châu lục. Do đó, để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của hội nhập và phù hợp với xu hướng phát triển chung của các SAI, KTNN cần hiện đại hóa phương pháp và thông lệ kiểm toán trên cơ sở xây dựng, hoàn thiện và đổi mới hệ thống chuẩn mực, các văn bản hướng dẫn chuyên môn và phương pháp kiểm toán phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Hơn nữa, trong thời đại công nghệ thông tin (CNTT) phát triển như vũ bão, ngày càng nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị được kiểm toán áp dụng CNTT vào hoạt động của mình. Vì vậy, để đảm bảo yêu cầu kiểm toán trong môi trường CNTT, KTNN phải hiện đại hóa phương pháp và thông lệ kiểm toán theo hướng ứng dụng ngày càng hiệu quả CNTT vào hoạt động kiểm toán.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, việc đánh giá chất lượng và hiệu quả kiểm toán của các cơ quan KTNN dựa chủ yếu vào việc các cơ quan này xây dựng và áp dụng hệ thống chuẩn mực, các văn bản hướng dẫn chuyên môn và phương pháp kiểm toán như thế nào. Nói cách khác, hệ thống chuẩn mực, các văn bản hướng dẫn chuyên môn và phương pháp kiểm toán chính là thước đo trình độ, chất lượng, hiệu quả và hiệu lực thực hiện hoạt động của từng kiểm toán viên nói riêng và KTNN nói chung. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, điều quan trọng nhất là trách nhiệm của kiểm toán viên đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả kiểm toán. Người sử dụng kết quả kiểm toán phải được đảm bảo rằng: ý kiến nhận xét của kiểm toán viên về thông tin được kiểm toán là trung thực, hợp lý, khách quan, đáng tin cậy. Sự đảm bảo này chỉ có thể thực hiện được khi hoạt động kiểm toán được thực hiện trên cơ sở tuân thủ những qui định của quy trình, CMKT, các phương pháp chuyên môn và hồ sơ biểu mẫu kiểm toán. Vì vậy, phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN càng hiện đại, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế bao nhiêu thì chất lượng hoạt động của KTNN càng dễ so sánh, đánh giá bấy nhiêu; tính minh bạch của kết quả kiểm toán được công khai và trách nhiệm giải trình của KTNN cũng được nâng cao hơn.

Chính vì những lý do trên, việc hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Hiện nay, thực tiễn áp dụng các thông lệ và phương pháp kiểm toán của KTNN Việt Nam so với thế giới đang còn những bất cập gì thưa ông?
Hệ thống chuẩn mực KTNN và các văn bản hướng dẫn chuyên môn cũng như các phương pháp kiểm toán bước đầu đã phát huy hiệu quả, định hướng tác nghiệp cho các kiểm toán viên, đồng thời hỗ trợ hoạt động kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống chuẩn mực KTNN, các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp kiểm toán vẫn còn có khoảng cách nhất định so với hệ thống chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI (ISSAIs), phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ và các thông lệ quốc tế. Cụ thể:

Thứ nhất, Hệ thống CMKT của KTNN còn mang tính nguyên tắc chung, kết cấu chuẩn mực còn có sự khác biệt với hệ thống chuẩn mực của INTOSAI và các SAI phát triển trên thế giới. Nội dung chuẩn mực chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và logic. Thực tế áp dụng chuẩn mực còn nhiều hạn chế về cả chuyên môn cũng như hiểu biết và nhận thức của các cấp trong KTNN.

Thứ hai, KTNN còn thiếu những văn bản hướng dẫn phương pháp chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là những phương pháp kiểm toán cơ bản như: xác định và đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán, chọn mẫu và thu thập bằng chứng kiểm toán và các thủ tục kiểm soát khác.

Thứ ba, Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán còn thiếu tính hệ thống, thiếu đồng bộ và chưa bao quát đầy đủ các loại hình kiểm toán, đặc biệt là các loại hình kiểm toán mới như kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động; hồ sơ kiểm toán chưa đáp ứng đầy đủ các chức năng của hồ sơ kiểm toán nói chung. Việc thực hiện các chuẩn mực, các văn bản quy định cũng ít được phản ánh đầy đủ vào hồ sơ kiểm toán cũng như giấy tờ làm việc của kiểm toán viên làm căn cứ để chỉ dẫn, kiểm tra, kiểm soát cũng như là căn cứ để làm công tác đào tạo, tập huấn kiểm toán viên.

Thứ tư, do chưa có các hướng dẫn chi tiết chuẩn mực về phương pháp kiểm toán để thống nhất về nhận thức, cách thức triển khai và áp dụng nên hầu hết việc áp dụng các phương pháp chuyên môn nghiệp vụ phần lớn dựa vào kinh nghiệm và xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên… Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán cũng như tính chuyên nghiệp trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thứ năm, một trong những yêu cầu, điều kiện để thực hiện việc hiện đại hóa phương pháp và thông lệ kiểm toán là KTNN phải ứng dụng CNTT vào phục vụ công tác kiểm toán. Thực tế, hiện nay, KTNN còn thiếu các phần mềm chuyên ngành để hỗ trợ kiểm toán viên, trình độ áp dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán của các kiểm toán viên cũng còn hạn chế.

Chính những khác biệt nói trên đòi hỏi KTNN phải thực hiện một khối lượng công việc lớn trong thời gian tới nhằm giảm thiểu khoảng cách khác biệt và tạo nên sự hài hòa giữa chuẩn mực, phương pháp chuyên môn và thông lệ kiểm toán của KTNN với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Như ông nói ở trên, KTNN Việt Nam có khá nhiều việc phải làm để đạt tới hệ thống chuẩn mực và thông lệ quốc tế. KTNN Việt Nam sẽ có những giải pháp nào nhằm xây dựng và hoàn thiện các phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới và phù hợp với xu thế phát triển của KTNN Việt Nam?
Để triển khai KHHĐ thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và thực hiện Bản cam kết đã ký với IDI-ASOSAI tháng 3 năm 2013 về việc thực hiện Chương trình Sáng kiến thực hiện các CMKT quốc tế của các Cơ quan Kiểm toán tối cao, KTNN cũng đang trong quá trình đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về việc tuân thủ ISSAIs của KTNN Việt Nam trên các khía cạnh: (i) Thể chế, chính sách, quy định của KTNN (Luật, Chuẩn mực, các văn bản quy  phạm pháp luật và các quy trình kiểm toán); (ii) Các văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của KTNN (các quy chế, đề cương, hồ sơ mẫu biểu, các văn bản hướng dẫn khác…); (iii) Việc thực hiện các thể chế và quy định của KTNN trong thực tiễn hoạt động của kiểm toán viên và (iv) Thể hiện việc thực hiện các quy định trên trong hồ sơ, tài liệu làm việc của kiểm toán viên.

Trên cơ sở các kết quả đánh giá của các Hội thảo và thực tiễn hoạt động kiểm toán, KTNN đã đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện các phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, phù hợp với xu thế phát triển của KTNN Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận với mô hình CMKT của INTOSAI, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành về KTNN Việt Nam, trong đó vận dụng kinh nghiệm của các SAI có điều kiện và hoàn cảnh tương đồng với KTNN Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng các văn bản hướng dẫn CMKT, phương pháp và mẫu biểu hồ sơ kiểm toán theo hướng thống nhất và chuẩn hóa một cách đồng bộ với chuẩn mực, các văn bản quy định của ngành và xác định một lộ trình khả thi, đảm bảo tiến độ thực hiện các hoạt động trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 cũng như tiến độ của dự án WB và tình hình thực tiễn của KTNN.

Thứ ba, xây dựng phù hợp với xu hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức và phương pháp quản lý Đoàn kiểm toán, đa dạng hóa các loại hình kiểm toán, trong đó hướng tới đẩy mạnh chất lượng kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và phát triển mở rộng hơn đối với kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện trong mối liên hệ với phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thứ năm, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ xây dựng và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực KTNN.
Thứ sáu, tăng cường công tác truyền thông trong toàn ngành về tầm quan trọng  của việc hiện đại hóa các phương pháp và thông lệ kiểm toán của KTNN nhằm nâng cao nhận thức và sự ủng hộ của lãnh đạo KTNN các cấp, các đơn vị trực thuộc KTNN và các kiểm toán viên trong việc áp dụng các phương pháp và thông lệ kiểm toán vào thực tiễn kiểm toán của KTNN.

Theo lộ trình, năm 2014, Ban Soạn thảo sẽ hoàn thiện 21 chuẩn mực ban hành trong năm 2010 trên cơ sở bổ sung các nội dung cho phù hợp với ISSAIs và xây dựng mới các hướng dẫn của 21 chuẩn mực (cấp độ 4); đồng thời xây dựng mới các chuẩn mực bao gồm cấp độ 3 và cấp độ 4 đối với các chuẩn mực còn thiếu so với ISSAIs (dự kiến 15-20 chuẩn mực).

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Phương Vân thực hiện (Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số tháng 7/2013)

 

Xem thêm »