TS. Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước: Tiếp tục xây dựng ngành KTNN vững mạnh, đáp ứng yêu cầu mới trên tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo

05/07/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhân dịp được Quốc hội bầu giữ trọng trách Tổng Kiểm toán Nhà nước, TS. Nguyễn Hữu Vạn đã có những chia sẻ về những công việc trong cương vị mới. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

* Trước hết xin chúc mừng Tổng KTNN, xin Ông vui lòng cho biết cảm nghĩ đầu tiên của mình, sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Tổng KTNN?

 - Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, diễn ra từ ngày 20/5 đến ngày 21/6/2013, được sự tín nhiệm của Quốc hội đã bầu tôi giữ chức Tổng KTNN. Với bản thân tôi, đây là niềm vinh dự rất lớn, là niềm tự hào của cá nhân, đồng thời tôi cũng xác định đây là một trách nhiệm nặng nề trước sự tin tưởng của Đảng, Quốc hội và nhân dân. Và để tôi thực hiện trọng trách của mình, rất mong các đồng chí trong Ban cán sự, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN và toàn thể công chức, viên chức, kiểm toán viên Nhà nước, đoàn kết thống nhất giúp đỡ tôi hoàn thành trách nhiệm được giao với kết quả cao nhất.

 * Ông đã bắt đầu công việc mới tại KTNN và những nhiệm vụ được ưu tiên triển khai trong thời gian này? 

 - Tôi đã bắt đầu công việc của mình ngay sau khi có kết quả bầu Tổng KTNN của Quốc hội. Tôi cũng có lễ bàn giao trách nhiệm Tổng KTNN với đồng chí Đinh Tiến Dũng, nguyên là Tổng KTNN, người vừa được Đảng, Nhà nước, Quốc hội phân công nhiệm vụ mới là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Về phần mình, tôi cũng sẽ bắt tay vào tìm hiểu, tiếp cận và triển khai công tác chuyên môn, cũng như những lĩnh vực hoạt động khác của ngành KTNN. Tôi sẽ cùng với các đồng chí trong Ban cán sự Đảng và lãnh đạo KTNN rà soát lại nhiệm vụ công tác năm 2013, tổng kết, đánh giá những mặt đã làm được và những mặt còn hạn chế trong 6 tháng đầu năm, qua đó rút kinh nghiệm, cùng toàn ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách tích cực, có hiệu quả và đúng kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2013. Đồng thời, tôi cũng sẽ làm việc với các đơn vị để nắm bắt rõ hơn tình hình của từng đơn vị để triển khai công việc được hiệu quả hơn. Qua biên bản bàn giao với đồng chí Đinh Tiến Dũng, cho thấy trong thời gian qua, ngành KTNN đã có nhiều đổi mới. Những kết quả hiện tại của ngành KTNN sẽ là cơ sở, nền tảng thuận lợi để tôi cũng như tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành KTNN tiếp tục xây dựng ngành ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu mới đề ra trên tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo. Những công việc hiện nay KTNN đang thực hiện có hiệu quả sẽ được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới để hướng đến mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phó, ngày càng khẳng định được vị thế của ngành KTNN trong xã hội. Và để thực hiện được điều  này, phụ thuộc rất nhiều vào các hành động cụ thể của toàn ngành. Đó là sự đoàn kết, là sự quyết tâm cao độ, sự đổi mới, sáng tạo của tập thể lãnh đạo KTNN cũng như đội ngũ cán bộ, công chức và kiểm toán viên trong toàn ngành.

 * Người ta nói kiểm toán là ngành nhạy cảm, vì sẵn sàng đưa ra sai phạm về tài chính của các tập đoàn lớn hoặc các địa phương, người làm kiểm toán cần bản lĩnh như thế nào thưa ông?

 - Ngành kiểm toán hoạt động theo nguyên tắc trung thực, khách quan và chỉ tuân thủ pháp luật. Trong điều kiện hiện nay, các cơ chế chính sách có những điểm đã chuẩn, song cũng có những điểm mà quá trình vận hành thực tế còn cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, ngành kiểm toán trong quá trình thực thi nhiệm vụ cần xem xét thực tế để đưa ra kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

 * Dường như chức danh Tổng KTNN rất có duyên với chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính khi mà  hai đồng chí nguyên Tổng KTNN Vương Đình Huệ và giờ là đồng chí Đinh Tiến Dũng đều được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tín nhiệm giao trọng trách là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông nghĩ thế nào về việc phối hợp giữa 2 cơ quan trong thời gian tới?

 - Tôi và anh Đinh Tiến Dũng cũng như anh Vương Đình Huệ trước đây đã quen biết nhau và cũng đã có nhiều lần trao đổi, vì công việc cần có sự phối hợp với nhau. Nay, tôi và anh Dũng đều ở cương vị mới, tôi mong rằng anh Dũng, trên cương vị mới sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan KTNN, bởi bản thân đồng chí đã thực sự thấu hiểu công tác kiểm toán qua gần 2 năm gắn bó. Tôi cho rằng đây vừa là thuận lợi cho đồng chí trong cương vị mới, đồng thời là sự thuận lợi cho sự phối hợp giữa 2 cơ quan. Tôi cho rằng nếu công tác kiểm toán tốt sẽ giúp cho việc quản lý điều hành công tác tài chính tốt và ngược lại nếu công tác tài chính tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động kiểm toán. Mong rằng, hai cơ quan sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước giao.

 * Thưa Tổng KTNN, về công tác tại KTNN trước thềm KTNN kỷ niệm 19 năm ngày thành lập ngành. Mong ông chia sẻ một vài suy nghĩ của mình?

 - Đầu tiên cho tôi gửi lời chào và lời chúc sức khỏe tới toàn thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức ngành KTNN. Năm nay được coi là năm bản lề để chúng ta hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập ngành. Đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại những thành tựu cũng như rút ra bài học kinh nghiệm trên nhiều mặt công tác. Với việc địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN đang được quy định trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992 và được lấy ý kiến toàn dân với rất nhiều ý kiến đồng thuận đang mở ra cho chúng ta nhiều thời cơ mới. Và để khẳng định được vị thế của mình, chúng ta phải chứng minh bằng những kết quả công tác kiểm toán trong hai thập kỷ qua, đồng thời cũng là lúc để chúng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của kiểm toán trong giai đoạn mới với những chương trình, nội dung của hoạt động kiểm toán với quyết tâm và sáng tạo cao hơn.

Ngoài việc tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực trong công tác chuyên môn, tôi cũng đề nghị Văn phòng KTNN xây dựng kế hoạch tổ chức kỷ niệm sâu sắc, có ý nghĩa đồng thời phát động phong trào thi đua trong toàn ngành hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, qua đó tạo ra khí thế mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quốc hội giao phó.

 Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo Tạp chí Nghiên cứu khoa học kiểm toán số 68) 

Xem thêm »