Hoạt động kiểm toán của KTNN: Thước đo đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

25/06/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi, bổ sung đang được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi có nhiều điểm mới, đặc biệt đã quy định cụ thể, chi tiết về trách nhiệm của cơ quan KTNN trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. PV Báo Kiểm toán đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Như Tiến (Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Lê Như Tiến (Ảnh: N.H)

Thưa ông, xin ông có thể đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này?
- Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được Quốc hội thông qua từ 7 năm trước. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào đời sống, Luật đã bộc lộ những điểm bất cập cần bổ sung,chỉnh sửa. Cá nhân tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này có nhiều điểm tiến bộ. Luật đã quy định cụ thể thế nào là lãng phí, thế nào là thực hành tiết kiệm. Lãng phí chính là việc sử dụng các nguồn lực như vốn, tài nguyên, sức lao động, đất đai… không hợp lý. Từ khái nệm đó ta thấy, nếu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tốt trong cả nước sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, tiết kiệm được nguồn lực, tiết kiệm được chi phí mà vẫn đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng có nhiều điểm mới, rất cụ thể. Nó quy định rõ những lĩnh vực nào thì dễ xảy ra lãng phí, thất thoát nhất để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Đó là những lĩnh vực như đất đai tài nguyên, sử dụng vốn và NSNN, lĩnh vực đầu tư, sử dụng lao động và thời gian lao động…Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra lãng phí tại đơn vị mình cũng như trách nhiệm của các công chức nhà nước trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng đã có quy định những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn. Theo đó, Luật quy định các cơ quan quản lý nhà nước như tòa án, viện kiểm sát, KTNN trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải phối hợp với nhau để kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Với chức năng, nhiệm vụ của KTNN, theo ông KTNN  đóng góp như thế nào vào việc giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?
- Tôi đánh giá rất cao vai trò của KTNN. Trong thực tiễn thời gian vừa qua, KTNN đã cung cấp những số liệu rất nghiêm túc cho đại biểu Quốc hội, làm căn cứ để đại biểu Quốc hội có thể đưa ra những quyết sách tại nghị trường.

Trong việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tôi cho rằng KTNN có vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì, trên cơ sở các định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định của pháp luật, hoạt động kiểm toán của KTNN sẽ là thước đo để kiểm tra, kiểm chứng bằng thực tiễn xem các cơ quan đơn vị ấy thu chi như thế nào? Có đúng định mức, tiêu chuẩn hay không? Nghĩa là sẽ đánh giá được các cơ quan, đơn vị thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như thế nào, có tham nhũng, có thất thoát không? Từ kết quả kiểm toán, KTNN sẽ tìm ra được những “lỗ hổng” trong công tác sử dụng vốn, ngân sách, tài sản Nhà nước của các cơ quan, đơn vị; đồng thời đưa ra ánh sáng những cá nhân, đơn vị vi phạm và kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Qua kiểm toán, KTNN cũng đề xuất, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật cho phù hợp hơn với thực tế.

Thực tế thời gian qua, việc thực hiện các kiến nghị của KTNN ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm hoặc chưa kịp thời. Theo ông, thực trạng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của việc thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?
-Rất nhiều kiến nghị của KTNN như xử lý tài chính thu hồi nộp NSNN, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức vi phạm phạm hoặc cao hơn là đề nghị truy tố trước pháp luật. Khi KTNN đã kiến nghị cũng có nghĩa là KTNN đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và trách nhiệm lúc này thuộc về các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên trong thực tế, không ít các cơ quan hữu quan có thẩm quyền mà KTNN kiến nghị lại xử lý theo hướng “đóng cửa bảo nhau”, nghĩa là xử lý nội bộ cho êm đẹp, xử lý nhẹ hơn rất nhiều so với mức độ vi phạm hoặc thậm chí là không xử lý.  Tôi cho rằng, khi các kiến nghị không được thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến tính nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
 
Điều 67 (Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi)
Trách nhiệm của KTNN
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KTNN có trách nhiệm thực hiện kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. Thực hiện công khai các kết quả kiểm toán liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
 3. Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cơ quan KTNN có trách nhiệm kiến nghị kịp thời và chuyển hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự phải chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan điều tra, cơ quan kiểm toán nhà nước có quyền thông báo với Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan điều tra cấp trên.
 

Theo Báo Kiểm toán số 25/2013

Xem thêm »