(kiemtoannn.gov.vn) - Câu chuyện giải cứu bất động sản (BĐS) với 2 luồng ý kiến tranh luận đã trở thành đề tài khá nóng trong thời gian vừa qua. Một bên cho rằng thị trường cần được điều chỉnh bằng cách “rơi tự do” theo thuyết “bàn tay vô hình”. Một bên cho rằng cần can thiệp, nâng đỡ thị trường, tránh một sự đổ vỡ hệ thống cho nền kinh tế bằng “bàn tay hữu hình” của Nhà nước. Tại buổi tọa đàm "Cơ hội hồi phục của thị trường BĐS" tổ chức ngày 9/5, vấn đề này một lần nữa được các chuyên gia đưa ra thảo luận.
Tình trạng hàng chục ngàn căn hộ, hàng vạn biệt thự bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của đất nước
Thả nổi hay điều tiết?
PGS.TS Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, cho rằng đã là kinh tế thị trường thì phải tự vận động theo những quy luật nội tại của nó, chỉ khi xuất hiện những lệch lạc mới cần đến bàn tay điều tiết của Nhà nước. Thị trường BĐS cũng vậy, thực tế thế giới cho thấy một khi thị trường BĐS nảy sinh “bong bóng” thì không có cách gì có thể duy trì “bong bóng” đó, nó phải tự vỡ. Sự can thiệp của Nhà nước có chăng cũng chỉ hạn chế được phần nào những tác hại của việc này. Công cụ để Nhà nước tham gia điều tiết thị trường BĐS hữu hiệu đó là cơ chế chính sách, chứ không phải là tiền. Theo ông Lược, việc cần làm trong bối cảnh hiện tại là xóa bỏ tính phi thị trường của thị trường BĐS Việt Nam; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; mở các hướng kinh doanh có hiệu quả để thu hút các dòng vốn đầu tư vào đây; không cứu thị trường BĐS bằng tiền mà nên để nó tự vận động. Ngoài ra, nên mở cửa thị trường BĐS cho các nhà đầu tư nước ngoài và người nước ngoài được phép mua nhà.
Trong khi đó, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng luận điểm Nhà nước không nên bơm tiền để cứu các doanh BĐS vì họ đã “ăn đủ” là rất phiến diện. Cần phải thấy rằng thị trường BĐS vừa là kinh tế, vừa mang yếu tố xã hội, vì thế không thể để mặc thị trường tự điều tiết theo “bàn tay vô hình”. Việc để quá lâu tình trạng hàng chục ngàn căn hộ, hàng vạn biệt thự bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng nguồn lực của đất nước do chôn vốn hàng chục ngàn tỷ đồng không sinh lợi, trong khi cần phải giải quyết nhanh hơn và có hiệu quả hơn. Về xã hội, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, chính sách nhà ở là một trong những chính sách quan trọng của Nhà nước. Ông Mại cũng cho rằng cần có các giải pháp cơ bản đề không lặp lại trong tương lai trạng thái tương tự và giải pháp đặc thù để nhanh chóng thoát khỏi trạng thái đầy mâu thuẫn khi hàng triệu người dân sống chật chội, thiếu nhà ở nhưng hàng chục nghìn căn hộ và hàng vạn biệt thự không được sử dụng.
Tháo gỡ thay vì giải cứu
Về vấn đề trên, GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định trong tình trạng của thị trường BĐS nước ta hiện nay, không nên dùng từ "giải cứu" mà nên dùng từ "tháo gỡ khó khăn cho thị trường". Về nguyên tắc, một số nước như Mỹ, Thái Lan, Singapore trước đây cũng đã từng giải cứu thị trường BĐS, nhưng các quốc gia này chỉ ra tay khi thị trường BĐS tác động xấu gây nên khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế trên tầm quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu. Họ đặt ra vấn đề giải cứu vì hệ lụy phát sinh chứ không phải vì bản thân thị trường BĐS.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay thị trường BĐS mới chỉ chịu khó khăn về vốn, một số doanh nghiệp BĐS khó khăn khi Nhà nước kiềm chế lạm phát, chưa tới mức gây ra khủng hoảng tài chính quốc gia. Vấn đề giải cứu chỉ được đặt ra khi sự suy biến của thị trường BĐS làm nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Thị trường là một "cuộc chơi" kinh tế, vào thị trường phải chấp nhận "luật chơi", thắng có tiền bỏ túi, thua phải mất tiền. Hơn nữa, bao nhiêu tiền có thể cứu được thị trường BĐS và liệu có thể giải cứu được không? Nhìn vào thị trường chứng khoán, Chính phủ cũng từng tung 5.000 tỷ nhưng không cứu nổi, thị trường chứng khoán hiện nay đang đi theo quy luật thị trường. Thị trường BĐS có thể cũng sẽ như thế. Nhiều người nói rằng Nghị quyết 02 là văn bản giải cứu thị trường BĐS, nhà đầu tư BĐS, nói như vậy là không đúng. Chúng ta phải xem đây là sự can thiệp cần thiết của Nhà nước vào thị trường, trong đó một dung lượng khá lớn của chính sách tập trung vào giải quyết nhà ở cho người lao động. Hướng của Nghị quyết cũng không tập trung chỉ cho các doanh nghiệp, đó là hướng nhằm bảo đảm tìm lối ra cho mọi khó khăn của nền kinh tế đất nước hiện nay. “Để thực hiện tốt Nghị quyết 02, các cơ quan quản lý Nhà nước ở T.Ư cũng như địa phương cần tôn trọng nguyên tắc minh bạch và công bằng. Mọi tư duy về tư lợi đều làm hại chung cho thị trường BĐS đang yếu ớt hiện nay”- Ông Võ nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng: các giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 02 về thị trường BĐS là đúng hướng. Vấn đề là cần có sự vào cuộc một cách mạnh mẽ của tất các cơ quan chức năng. “Đặc biệt, các ngân hàng thương mại cần xây dựng được những sản phẩm tín dụng hợp lý để người có nhu cầu thực sự có thể mua được nhà. Như vậy mới mong thị trường BĐS có khả năng phục hồi đôi chút vào năm 2014. Ngược lại, cuộc khủng hoảng có thể kéo dài 3 năm, 5 năm, và đó là điều mà chúng ta không muốn” - Ông Hiếu nhấn mạnh./.
Theo Báo Kiểm toán số 21/2013