Những vấn đề cơ bản của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã được các Đại biểu Quốc hội bàn thảo chiều ngày 21/5/2013.
Theo tờ trình của Chính, nếu tại kỳ họp thứ 5 này Quốc hội nhất trí thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT thì Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Theo tờ trình của Chính phủ, qua rà soát 25 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT như dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ cấp tín dụng, dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư, sản phẩm in, hoạt động cho thuê lại, hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT của cá nhân kinh doanh… Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Theo đó sẽ có thêm một số dịch vụ trong đó phải chịu thuế GTGT hoặc quy định mức doanh thu phải chịu thuế.
Bàn về Luật Thuế GTGT, Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) thẳng thắn, tôi tán thành quy định về đối tượng không chịu thuế, nhưng về việc khấu trừ thuế, nếu áp dụng cách tính trực tiếp thì thuế sau sẽ đè lên thuế trước dẫn đến sự bất bình đẳng. Theo tôi, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp được hoàn thuế càng sớm càng tốt. Bà Hường nhấn mạnh, về việc giảm thuế giá trị gia tăng nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà ở và thị trường bất động sản, tôi đề nghị xem lại về mặt thời gian bởi nếu áp dụng trong thời gian ngắn thì đối tượng được hưởng nhưng trên thực tế lại không được hưởng.”
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng phạm vi của dự án luật còn hẹp, chưa mang tính bao quát cao. Ông Quang thẳng thắn: “Về thuế suất, tôi thấy chưa rõ ràng, cần có sự thống nhất, đặc biệt là trong việc phân loại thuế 5% hay 10% bởi có sự chồng chéo trong thực tế. Riêng về việc khấu trừ thuế, thời gian áp dụng quá ngắn nên sẽ không đi vào cuộc sống…”. Trên góc độ chuyên môn, Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng có nhiều bất cập do văn hóa pháp lý của người Việt Nam còn hạn chế, hiện nay quy định hoàn thuế không chặt nên Nhà nước có thể bị thất thu. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) chỉ rõ, hiện nay tình trạng tồn kho về nhà ở là rất lớn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, nếu tính việc căn hộ 70m2 có giá là 15 triệu đồng/m2 thì trên thực tế là không thể có, do đó cần đánh giá rõ sự tác động của chính sách thuế.
Theo Ban soạn thảo, theo Điều 8 Luật thuế GTGT hiện hành quy định thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu (trừ một số trường hợp cụ thể); thuế suất 5% đối với hàng hoá, dịch vụ thiết yếu hoặc là đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và thuế suất 10% đối với hàng hoá, dịch vụ còn lại. Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 thì nội dung cải cách thuế GTGT là “Sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng; giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%; bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường; nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu)”. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị giảm mức thuế suất thuế GTGT 10% xuống mức thấp hơn. Ngân hàng Thế giới (năm 2012) đã thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Ngoài ra các nước xung quanh như Lào, Indonexia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%, Trung Quốc có mức thuế suất phổ thông là 17% và mức ưu đãi là 13%, Philippin có mức thuế suất 12%...
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, liên quan đến hoàn thuế chỉ bắt buộc khi nào doanh thu từ 200 triệu hoặc 500 triệu trở lên, trong điều kiện doanh nghiệp còn nhiều khó khăn hiện nay không nên nâng mức từ này. Bản chất doanh nghiệp chỉ thu hộ, còn đối tượng thực chất là người tiêu dùng. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) còn cho rằng vốn đưa ra để giải cứu bất động sản cần xem lại. Cần thống kê xem ngành nào là cần giải cứu nhất, riêng tôi không cho là ngành này có số lượng doanh nghiệp lớn nhất do đó cần xem lại. Còn về doanh nghiệp bất động sản giai đoạn bây giờ chỉ là chuyển đổi, đầu tư thêm nên tôi không cho rằng đối tượng doanh nghiệp này gặp khó khăn như các báo cáo. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội thì lượng doanh nghiệp ngừng trệ hiện nay rơi vào các doanh nghiệp sản xuất chứ không phải bất động sản. Chính phủ cần có ý kiến, thống kê rõ ràng để biết chúng ta đang cần cứu ai?
Về Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế hiện hành chỉ quy định ưu đãi thuế cho doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư, không có quy định ưu đãi cho doanh nghiệp đang hoạt động có đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh mà không thành lập pháp nhân mới. Theo chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 thì cần giảm mức thuế suất thuế TNDN giảm xuống mức hợp lý.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng thuế suất nằm trong khoảng 20% là phù hợp và nên quy định ột chỉ tiêu với các doanh nghiệp có doanh thu không quá 20 tỷ đồng. Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng năm 2016 thuế TNDN xuống 20% là hợp lý vì hiện nay nhiều doanh nghiệp lỗ không có tiền đóng thuế nên thuế suất bao nhiêu không quan trọng và không ảnh hưởng ngân sách. Hiện 30% doanh nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh có tới 70% doanh nghiệp lỗ nên không đóng thuế. Đại biểu Trần Thanh Hải (Tp. Hồ Chí Minh) còn cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp nghiên cứu để mở rộng để khuyến khích doanh nghiệp tham gia công tác xã hội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là tốt nhưng không thể biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ của thế giới.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng dự thảo luật khống chế 15% là đúng vì nhiều doanh nghiệp đẩy doanh số quảng cáo lên mà rất khó quản lý. Đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài liên doanh, liên kết đã diễn bài này nhiều năm qua, đẩy quảng cáo lên rất lớn và năm nào cũng báo lỗ mà thương hiệu họ được hưởng lợi. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp. Hồ Chí Minh) lại cho rằng việc khống chế 15% cũng không thể khống chế được doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp đa quốc gia mà chỉ khống chế được doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Nghĩa các tập đoàn đa quốc gia họ rất có cách để lách.
Trong buổi thảo luận tại tổ chiều ngày 21/5 phần nhiều các đại biểu quốc hội cho rằng thuế hiện hành doanh nghiệp đang trả là 25%. Dự thảo thuế suất theo dự thảo là 22% vào năm 2014 và 20% vào 2016 là hợp lý…. Hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều khó, dự thảo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm phần đông doanh nghiệp Việt Nam nên việc giảm thuế là cần thiết cho các doanh nghiệp hiện nay.
Công Lê