Thủ tướng phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020

18/01/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Quyết định số 92/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020".

Đề án này do Bộ Y tế xây dựng, nhằm từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép trong bệnh viện. 

Trước mắt sẽ tập trung giải quyết giảm quá tải ở các chuyên khoa như: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Đề án, hiện công suất sử dụng giường bệnh thuộc tuyến TW và các bệnh viện tuyến cuối tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh ở mức trên 120%; phấn đấu giảm công suất sử dụng giường bệnh xuống còn 100%, cơ bản khắc phục được tình trạng nằm ghép vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện.

Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh sẽ được nâng lên 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao; bảo đảm mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 50 người bệnh/1 ngày làm việc vào năm 2015 và 35 người bệnh/1 ngày làm việc vào năm 2020; tăng số giường bệnh công lập trên phạm vi cả nước phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh, trong đó ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng bệnh viện 

Được biết, từ nay đến năm 2015 sẽ có thêm 7.150 giường bệnh cho các bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện được nâng cấp, mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án. Các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở tuyến TW và tuyến cuối của TP Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ được cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh. Bộ Y tế sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới bệnh viện của cả nước và của từng địa phương nhằm đảm bảo cơ cấu và tỷ lệ giường bệnh phù hợp giữa các tuyến kỹ thuật và các chuyên khoa vào năm 2020. Thành lập 15 bệnh viện vệ tinh, khoa vệ tinh của 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi tại một số bệnh viện tuyến TW, tuyến cuối ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (làm bệnh viện hạt nhân) và một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện (làm bệnh viện vệ tinh). Từng bước nâng năng lực khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh bằng cách đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; tư vấn khám chữa bệnh từ xa thông qua hệ thống công nghệ thông tin.

Cũng theo Đề án này, mô hình, mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình tại TP Hà Nội và Hồ Chí Minh sẽ được thí điểm xây dựng; Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới trạm y tế xã; đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng; tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách: hỗ trợ bệnh viện vệ tinh, phân tuyến kỹ thuật, chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tư vấn khám chữa bệnh từ xa...

Được biết, kinh phí để thực hiện Đề án này được ưu tiên từ các nguồn: vốn đầu tư phát triển tập trung; vốn sự nghiệp y tế; vốn ODA; nguồn trái phiếu Chính phủ; vốn trái phiếu chính quyền địa phương; nguồn kết dư Quỹ khám bệnh bảo hiểm y tế; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các nguồn vốn hợp pháp khác./.

Hải Vân
 
 

Xem thêm »