Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam

16/01/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 15/01/2013, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng - Hà Nội, Vụ Quan hệ Quốc tế (QHQT) đã làm việc với Nhóm đánh giá dự án "Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của cơ quan dân cử Việt Nam" do ông Glen Wright - Chuyên gia về tài chính công, Trưởng Nhóm Đánh giá Dự án làm trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn: bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - giảng viên Học viện Hành chính Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; bà Đào Ngọc Nga, Cán bộ Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội.

Mục đích buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả thực hiện dự án giai đoạn 2009-2012, rút kinh nghiệm và đề xuất kế hoạch hoạt động hợp tác giai đoạn tiếp theo. Hai bên đã cùng đánh giá kết quả đạt được, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong phối hợp hoạt động; đề xuất, kiến nghị nhằm tăng cường năng lực giám sát ngân sách của cơ quan dân cử trong thời gian tới.

Trong 8 năm thực hiện Dự án quốc gia về “Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam” của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, KTNN tham gia Dự án với vai trò là công cụ hỗ trợ Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong việc giám sát NSNN nhằm hướng tới mục tiêu “Tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai minh bạch trong thu và chi ngân sách nhà nước bằng cách thiết lập và vận hành thông suốt hệ thống và chỉ tiêu theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động ngân sách của chính phủ và các đối tượng sử dụng NSNN; một chế độ báo cáo, cung cấp thông tin liên quan đến ngân sách kịp thời và đạt chất lượng yêu cầu cho các cơ quan dân cử”. Trong số hơn 30 đơn vị hưởng lợi Dự án từ trung ương đến địa phương, KTNN là một nhánh nhỏ trong cơ cấu đơn vị hưởng lợi của Dự án, song hiệu quả các hoạt động của Dự án mang lại là khá lớn và thiết thực do tính gắn kết về mặt nội dung xuyên suốt các giai đoạn của Dự án. Quan trọng hơn là các hoạt động của Dự án luôn bám sát nhu cầu thực tế của KTNN qua từng thời kỳ phát triển.

Theo đánh giá của KTNN, hiệu quả của dự án đối với mục tiêu tăng cường năng lực cho KTNN thể hiện rõ nét qua 03 nhóm nội dung: Xây dựng và nâng cao địa vị pháp lý cho KTNN; Nâng cao hiểu biết của đại biểu dân cử và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động kiểm toán; Đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của KTNN qua từng thời kỳ thông qua các hội thảo và nghiên cứu chuyên đề mang tính thời sự.

Để thực hiện thành công "Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020" được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt tháng 4/2010, nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định nền kinh tế vĩ mô, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong quản lý tài chính công - đưa KTNN trở thành một cơ quan kiểm toán tối cao ngang tầm khu vực, trong khuôn khổ của Dự án, trên cơ sở định hướng phát triển KTNN đến năm 2015, KTNN đề xuất giai đoạn III Dự án hỗ trợ KTNN với nội dung: "Tăng cường năng lực cho KTNN trong lĩnh vực kiểm toán nợ công, nợ chính phủ".

Để Dự án thành công, ngoài nguồn lực nội tại, KTNN đánh giá cao kinh nghiệm quốc tế của KTNN các nước phát triển thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật từ các chương trình, dự án quốc tế. Nhân dịp này, KTNN bày tỏ sự ghi nhận và gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ quốc tế và Ban quản lý dự án đã nỗ lực phối hợp với KTNN thực hiện thành công nhiều hoạt động thiết thực, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển KTNN. KTNN hy vọng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với Dự án hơn nữa, đặc biệt trong việc cùng nhau tăng cường vai trò hỗ trợ các cơ quan dân cử Việt Nam trong công tác quyết định và giám sát NSNN./.

Xem thêm »