Điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên từ 17.325,2 tỷ đồng lên 47.325,2 tỷ đồng.

08/11/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có công văn số 315/BC-CP ngày 6/11/2012 báo cáo Quốc hội về dự án "Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 1, Bến Thành - Suối Tiên".

Dự án có mức tổng đầu tư sau khi điều chỉnh là 47.325,2 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt theo QĐ số 1453/QĐ-UBND ngày 6/4/2007 của UBND TP Hồ Chí Minh là 17.387,6 tỷ đồng. Vốn đầu tư Dự án được vay bằng nguồn ODA của Chính phủ Nhật Bản, bằng 83% tổng mức đầu tư dự án, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP bằng 17% tổng mức đầu tư. 

Theo Khoản 3, Điều 10 Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội, Dự án thuộc diện đang triển khai, có phát sinh vấn đề về tiêu chí tổng mức đầu tư, lớn hơn 35.000 tỷ đồng của dự án, công trình quan trọng quốc gia quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 49/2010/QH12, cần phải báo cáo Quốc hội.

Dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được khởi công kể từ tháng 3/2007, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2018. Dự án có tổng diện tích chiếm đất là 336.410m2; đi qua địa bàn các quận: 1, Bình Thạnh, 2, 9 và Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh; đi qua huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương. Dự án bao gồm tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6km, tuyến đường sắt đi trên cao dài 17,1km và 11 nhà ga trên cao, 3 nhà ga ngầm và 1 depot. Dự án do Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam là đơn vị tư vấn lập dự án.

Theo Bộ GTVT, hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB đã được hoàn thiện trên địa bàn các quận: 1, 2, 9, Bình Thạnh và đạt 90% trên địa bàn quận Thủ Đức. Khối lượng tồn đọng dự kiến sẽ được UBND TP chỉ đạo dứt điểm trong năm 2012. Gói thầu 1a - Xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát lớn TP đang được triển khai thiết kế đồng bộ với thiết kế dự án Nhà ga trung tâm Bến Thành, dự kiến hoàn thành thiết kế vào cuối năm 2013. Gói thầu 1b - Xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát lớn TP đến ga Ba Son đã mời thầu từ 1/10/2012 và sẽ đóng, mở thầu vào 1/3/2013, dự kiến khởi công vào tháng 10/2013. Gói thầu số 2 - Xây dựng đoạn trên cao và depot đã được động thổ, khởi công vào tháng 8/2012, nhà thầu đang thực hiện khảo sát thiết kế chi tiết và sẽ tổ chức thi công đại trà vào cuối năm 2012. Gói thầu số 3 - Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy, toa xe, đường ray và bảo dưỡng đang được làm thủ tục phê duyệt kết quả đấu thầu.

Trong quá trình lập hồ sơ thầu của các gói thầu EPC, hồ sơ thiết kế để làm rõ thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án có thay đổi lớn so với trước đây do: thay đổi về thông số kỹ thuật, quy mô xây dựng như cục bộ về bình đồ tuyến và một số thông số kỹ thuật của Dự án (tải trọng trục, cự ly tim đường, đường kính trong hầm, ray, hệ thống thông tin tín hiệu); thay đổi về quy mô xây dựng so với thiết kế cơ sở được duyệt trước đây; thay đổi về quy mô xây dựng công trình đường sắt ngầm; thay đổi quy mô về hệ thống điện; do tỷ giá hối đoái tăng, tỷ lệ trượt giá đồng tiền ngoại tệ và nội tệ, dẫn đến thay đổi về tổng mức đầu tư Dự án là 47.325,2 tỷ đồng, trong đó phần vốn ODA là 41.833,6 tỷ đồng, vốn đối ứng là 5.491,6 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ GTVT, nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư dự án là do biến động giá của một số nguyên, nhiêm vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định trong hơn 3 năm qua; do khối lượng xây dựng của Dự án tăng theo yêu cầu chủ quan của Chủ đầu tư; do thay đổi các điều kiện tính toán tổng mức đầu tư như tỷ giá và chi phí dự phòng rủi ro, trượt giá đến năm 2019.

Theo đó, nguồn vốn vay ODA tăng 99%, trong đó chi phí xây lắp tăng 68%, chi phí tư vấn chung tăng 10%, dự phòng rủi ro 123%, trượt giá tăng 574%, lãi vay trong thời gian xây dựng tăng 117%. Nguồn vốn đối ứng của ngân sách TP cũng tăng 27%. Tổng mức đầu tư mới của Dự án đã được Tư vấn độc lập CPG-SMRT (Singapore) hoàn tất thẩm tra, báo cáo ngày 15/5/2010; được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản  JICA không phản đối và cam kết sẽ tăng thêm nguồn vốn ODA đối với Dự án. Sự cần thiết tăng tổng mức đầu tư Dự án cũng đã được báo cáo các Bộ, Ngành TW xem xét và có ý kiến (Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính).

Để thực hiện quy định của Quốc hội và không làm chậm tiến trình thực hiện Dự án, Thủ tướng CP đã có văn bản số 1108/TTg-KTN (8/7/2011) giao cho các Bộ, Ngành và UBND TP HCM tiếp tục triển khai theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng; giao cho Bộ GTVT tổng hợp, báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.Thủ tướng CP cũng có văn bản số 1506/TTg-KTN (25/8/2011) đồng ý chủ trương cho UBND TP HCM xem xét phê duyệt điều chỉnh Dự án và triển khai các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành. Theo đó, UBND TP HCM đã có Quyết định số 4480/QĐ-UBND (31/8/2011) phê duyệt điều chỉnh Dự án. Chính phủ đã có văn bản số 217/BC-CP ngày 19/10/2011 báo cáo Quốc hội về Dự án.

Cho đến nay, đại diện hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết 2 hiệp định vay vốn cho Dự án với tổng số vốn vay là 65,189 tỷ Yên Nhật. Hiện UBND TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và JICA giải quyết các thủ tục để Hiệp định số 2 đã được ký vào tháng 3/2012 với số vốn vay 44,302 tỷ Yên Nhật có hiệu lực vào cuối tháng 10/2012.

Đối với nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP, 9 tháng đầu năm 2012 đã giải ngân được 8.163,5 triệu đồng/kế hoạch 16.600 triệu đồng, đạt 49,18%. Lũy kế thanh toán từ khởi đầu Dự án đến nay đã giải ngân được 195.346 triệu đồng cho các chi phí di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thuế VAT, chi phí quản lý Dự án. Đối với nguồn vốn vay ODA, đã giải ngân 9 tháng đầu năm 2012 đạt 3.600 triệu Yên Nhật (931.158,5 triệu đồng). Lũy kế giải ngân từ khởi đầu dự án đến nay đã được 6.433 triệu Yên Nhật, đạt 30,8% so với Hiệp định đã ký (20.887 triệu Yên Nhật), chủ yếu thanh toán cho các giá trị khối lượng công việc của gói thầu tư vấn chung và tạm ứng cho các nhà thầu thực hiện gói thầu số 2.

Khánh Vy

 

 

Xem thêm »