Quy trình lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai nhưng phải đơn giản, rõ ràng để tránh tính hình thức. Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, không nên phân loại ba mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và tín nhiệm trung bình mà chỉ nên có hai loại là tín nhiệm và không tín nhiệm. Đã là QH thì phải công khai. Một số Ủy viên UBTVQH đã thẳng thắn bày tỏ như vậy khi cho ý kiến về Đề án Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn – một trong những đề án quan trọng nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò cho bỏ phiếu tín nhiệm
Lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là thực hiện cùng mục tiêu đánh giá cán bộ và có thể liên quan đến sử dụng cán bộ. Do vậy, hai quy trình này phải gắn với nhau về tiêu chí, tiêu chuẩn và phải xem lấy phiếu tín nhiệm bước đầu là bước thăm dò cho bước sau, bước bỏ phiếu tín nhiệm. Chính vì vậy, tất cả những quy trình, thủ tục và kết quả của lấy phiếu tín nhiệm phải hướng đến kết quả thực hiện những điều theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm.
Lấy phiếu tín nhiệm gắn với chuyện đánh giá cán bộ hàng năm. Tôi đề nghị phải làm cho tất cả mọi người, nếu không bây giờ những người khác được QH và HĐND phê chuẩn thì lấy ở đâu, chỉ có điều khác nhau là có thể phân cấp. Tôi đồng ý phương án 1 áp dụng chủ yếu ở phạm vi hẹp gồm những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nhưng những người không nằm trong danh sách nêu trên, ví dụ các Phó chủ nhiệm, các Ủy viên thường trực, các Ủy viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, thì làm ở mức Ủy ban. Như vậy những người đó cũng được đánh giá, vì đánh giá cán bộ là nhu cầu thường xuyên đối với mọi cán bộ, công chức. Các ủy viên các Ủy ban cũng cần phải đánh giá, nguyên chuyện không đi họp QH cũng không nên tiếp tục ở lại QH làm gì. Đây chính là cơ sở để loại những người không hoạt động, thực tế có những người cả nhiệm kỳ có khi đi họp 1 - 2 buổi thì cũng không nên tiếp tục làm việc. Những Ủy viên Thường trực do UBTVQH quyết định, có thể mang ra bỏ phiếu đến UBTVQH. Qua từng bước như vậy, từ Ủy ban đến UBTVQH và sau đó ra QH, chúng ta sẽ đạt được câu hỏi là ở 3 chủ thể có quyền đề nghị mang ra bỏ phiếu tín nhiệm ấy lấy được luôn thông tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Có nên năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm không?
Đề án của chúng ta là lấy phiếu tín nhiệm, còn vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đã có quy định của luật pháp. Nếu vậy, Đề án này phải làm rõ được hai cấp độ: cấp độ lấy phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết của Trung ương Đảng và sau khi lấy phiếu tín nhiệm thì bỏ phiếu tín nhiệm thế nào? Nói cách khác là kết hợp giữa Nghị quyết với hệ thống pháp luật hiện hành như thế nào? Theo đó, Đề án nên làm rõ những vấn đề về lấy phiếu tín nhiệm thường xuyên, định kỳ và đột xuất.
Về tần suất lấy phiếu tín nhiệm, có nên năm nào cũng lấy không? Đề nghị cân nhắc. Đúng là năm nào lấy phiếu tín nhiệm có mặt tốt là có thể xem xét, đánh giá cán bộ từng năm, nhưng cũng sẽ xảy ra mặt trái. Thứ nhất, QH có nhiệm kỳ 5 năm thì ít nhất 4 lần lấy phiếu tín nhiệm. Và nếu năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm thì bản thân các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm có khi nào bị giảm sút tính quyết đoán hay không? Nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở mức thấp thì phần nào cũng làm hạn chế tính quyết đoán của người được lấy phiếu. Cho nên, tôi đề nghị chúng ta phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng nên là 2 năm 1 lần - thế cũng đã là khiếp rồi.
Thứ hai, đã lấy phiếu tín nhiệm thì phải lấy tất cả các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Riêng ở Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thì không hoàn toàn là tất cả, ví dụ ở Ủy ban thì chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với ủy viên chuyên trách. Và ở nội dung này cũng nên chia làm hai cấp độ: một là theo thời gian, những chức danh đứng đầu theo phương án 1 của Đề án có thể 2 năm một lần lấy phiếu tín nhiệm; còn các thành phần khác ít nhất trong nhiệm kỳ phải lấy phiếu tín nhiệm 1 lần. Như vậy cũng giảm cường độ lấy phiếu tín nhiệm. Hai là có thể lấy cấp độ ở QH và cấp độ của Ủy ban. Dứt khoát là lấy phiếu tín nhiệm vì nó rất quan trọng, cũng xoay chuyển được tình thế bỏ phiếu. Bản thân Chủ nhiệm cũng chỉ là 1 phiếu chứ không phải đã quyết định được tất cả.
Thứ ba, chúng ta không nên phân loại tín nhiệm cao, thấp, trung bình mà chỉ nên có hai loại là tín nhiệm và không tín nhiệm. Đã là QH thì phải công khai. Nhưng quan trọng nhất là sau khi lấy tín nhiệm thì như thế nào, trường hợp được tín nhiệm thì không có vấn đề gì. Đối với trường hợp không được tín nhiệm thì theo tôi nên thêm một cấp độ nữa: anh không được tín nhiệm, nhưng xét thấy có thể tiếp tục đảm nhiệm công việc và hứa sửa chữa để làm tốt hơn thì phải có báo cáo trước QH. Còn, nếu anh không tự nhận thấy khuyết điểm thì phải từ chức. Theo tôi, phải thêm hẳn chữ từ chức. QH đã lấy phiếu tín nhiệm mà không quá 50% thì văn hóa từ chức cũng nên rồi, vì anh không đủ uy tín để tiếp tục công việc nữa.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng: Dân chủ, khách quan, công bằng, công khai nhưng phải đơn giản, rõ ràng
Tôi nhất trí với quan điểm kết quả lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những căn cứ, không phải là để đánh giá sử dụng cán bộ. Trong yêu cầu, nguyên tắc, tôi đề nghị bổ sung một ý: chúng ta bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai nhưng phải đơn giản, rõ ràng, vì nếu làm quy trình phức tạp quá dễ thành hình thức.
Tôi tán thành phương án 1, nhưng bổ sung thêm các ủy viên thường trực và phân cấp. Từ cấp Chủ nhiệm Ủy ban, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc trở lên thì QH lấy phiếu tín nhiệm, còn các cấp khác thì nên để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đây là lấy phiếu tín nhiệm, chứ không phải bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu là một nội dung căn cứ để xem trong quá trình 1 năm thực hiện triển khai công việc thì nó đạt được mức độ nào và qua quá trình cán bộ rèn luyện thêm. Nếu năm thứ hai lấy phiếu tín nhiệm, kết quả vẫn thấp thì đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu đưa cả Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban ra QH để lấy phiếu tín nhiệm thì lớn quá, phức tạp và cũng sẽ trở thành hình thức.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Phải rõ về mức độ
Đề án được chuẩn bị kỹ càng, thận trọng, đáp ứng cơ bản những yêu cầu đặt ra.
Về yêu cầu, giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, tôi thấy phải rõ về mức độ. Nếu ghi chung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm một mức độ là không đúng. Phải nói rõ yêu cầu, mức độ của lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò, để đáp ứng mục tiêu gì và bỏ phiếu là để đáp ứng mục tiêu gì. Như vậy sẽ có hai mức độ: lấy phiếu là mức độ thấp hơn và bỏ phiếu là mức độ theo quy định của luật pháp hiện hành.
Điểm 3.1, quy trình lấy phiếu tín nhiệm, tôi đồng ý nếu lấy phiếu ở mức độ thăm dò thì có lẽ phương án 1 là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên tôi đề nghị từ phương án 1 chúng ta phải nâng cao trách nhiệm, thẩm quyền của QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH: nên có điểm mềm từ phương án 1. Theo phương án 1, nhóm này sẽ đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm nhưng phải thêm một điều, khoản nữa là trong trường hợp cần thiết nếu QH yêu cầu thì thăm dò lấy phiếu tín nhiệm tất cả các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Vì đây là thẩm quyền của QH, QH yêu cầu thì phải cho ý kiến hết còn nếu QH không yêu cầu thì có thể lựa chọn nhóm trong phương án 1 là nhóm để lấy phiếu tín nhiệm. Việc này UBTVQH không quyết định được mà QH yêu cầu thì phải làm.
Và nếu lấy phiếu tín nhiệm ở mức độ thăm dò thì nên cân nhắc có thể ủy quyền, nhóm 1 là nhóm phương án 1 đang chọn. Nhóm còn lại bao gồm Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thì phân cấp ủy quyền cho Hội đồng Dân tộc và Ủy ban thăm dò. Nếu nhóm này không được đánh giá bằng việc lấy phiếu tín nhiệm thì chúng ta đã bỏ ra ngoài một nhóm chức danh chịu trách nhiệm cao đối vớái QH. Tôi đề nghị trong phương án 1 thêm 2 việc: một là nếu cần thiết theo đề nghị của QH thì chúng ta bỏ phiếu toàn bộ, trường hợp này cũng khó xảy ra nhưng chúng ta cứ cho phương án mềm dẻo để thấy rõ thẩm quyền của QH. Hai là ủy quyền cho Hội đồng, các Ủy ban làm tiếp nhóm còn lại để các chức danh này tăng cường trách nhiệm đối với hoạt động của QH.
Đa số tán thành với quy định nếu chức danh nào 2 năm liên tiếp đạt chỉ số tín nhiệm thấp thì đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Đến bước này, tôi đề nghị phải quay trở về Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của QH, Điều 12 của Luật Tổ chức hoạt động QH. Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của QH quy định, sau khi bỏ phiếu xong, có kết quả, nếu UBTVQH thấy có vấn đề thì tự mình trình ra QH một cơ chế. Quy định thứ hai là 20% tổng số ĐBQH đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm thì phải theo cơ chế, phải theo luật, chứ không phải lấy ý kiến đa số và đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy, sẽ có 3 cơ chế xử lý sau khi công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Một là UBTVQH tự mình trình cơ chế. Hai là 20% tổng số ĐBQH đề nghị. Và ba là Hội đồng dân tộc hoặc các Ủy ban đề nghị. Tôi đề nghị sau khi công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm thì phải theo đúng luật và như vậy qua đoạn lấy phiếu tín nhiệm theo Đề án có nghĩa mới đi được nửa đường, nửa đường còn lại là bỏ phiếu tín nhiệm chưa làm, phải làm tiếp. Bởi vì bấy lâu nay không làm được mà bây giờ phải đi tiếp nửa đường còn lại là tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo daibieunhandan.vn