Ðầu tư trong giai đoạn 2001-2010 đã tạo bước tiến vượt bậc về cơ sở kỹ thuật hạ tầng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta vào diện nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư cũng còn không ít yếu kém và bất cập. Bởi vậy, Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng đã đề ra chủ trương tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là đầu tư công.
Minh oan cho ICOR
Mười năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001- 2010 là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những thành tựu to lớn và rất quan trọng, trong đó, xây dựng cơ bản có những công trình nổi bật, như hệ thống giao thông với những cây cầu hiện đại bắc qua các con sông từ bắc chí nam, Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, những công trình thủy điện tầm cỡ khu vực, vệ tinh Vinasat 1... Kết quả đầu tư chung của toàn xã hội và đầu tư công trong giai đoạn đó là điều không thể phủ nhận, là tiền đề để cả nước bước vào thời kỳ phát triển mới coi trọng chất lượng và chiều sâu, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững hơn để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng vẫn còn tình trạng lãng phí, dàn trải, thất thoát và kém hiệu quả ở một số lĩnh vực, địa bàn và dự án. Ðể chứng minh hiệu quả đầu tư rất thấp kém, người ta thường dẫn thông tin về thước đo được dùng phổ biến hiện nay là hệ số suất đầu tư ICOR (viết tắt chữ đầu của các cụm từ tiếng Anh Incremental Capital Output Ratio). Hệ số này cho biết, để tạo nên một đồng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) thì đã phải bỏ ra bao nhiêu đồng vốn đầu tư, cho nên còn được gọi là hệ số sử dụng vốn. Theo số liệu thống kê, hệ số ICOR thời kỳ 2000-2007 tính theo vốn đầu tư của Việt Nam là 5,2 - nghĩa là để tăng một đồng GDP cần bỏ ra 5,2 đồng vốn. Trong khi ở thời kỳ còn phát triển thấp tương đương với nước ta, hệ số ICOR của Xin-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ dao động trong khoảng từ 1 đến 2; ở nhiều nước trong khu vực trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, hệ số này cũng chỉ từ gần 3 đến 4 mà thôi. Những năm gần đây, ICOR của nước ta ngày càng tăng cao hơn, lên tới 7,4, nghĩa là phải bỏ ra 7,4 đồng vốn mới tạo ra được 1 đồng tăng trưởng GDP (cao gấp khoảng hai lần các nước trong khu vực), cũng có nghĩa là hằng năm có hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư không đi vào công trình phục vụ sản xuất.
Nhưng nếu tính ICOR theo tổng tích lũy tài sản thì hệ số này của nước ta trong khoảng 10 năm qua cũng chỉ ở mức 3,5 đến 4,4 (tương đương hoặc không cao hơn mấy so với các nước trong khu vực). Ðiều đó cho thấy có vấn đề cần "mổ xẻ" trong cấu thành số liệu vốn đầu tư của nước ta.
Chúng ta từng được nghe các thông tin: "Làm đường ở Việt Nam đắt hơn ở Mỹ", "Việt Nam có những đoạn đường đắt nhất hành tinh"! Ðiều đó có thật, nhưng đó lại không phải do chi phí để làm đường. Có thể nêu một thí dụ: Năm 2010, đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Hà Nội) dài 547 m được khởi công với tổng vốn dự toán hơn 642 tỷ đồng (bình quân hơn 1,17 tỷ đồng/m), trong đó chi phí đền bù giải tỏa 527 tỷ đồng (chiếm hơn 82%!), còn lại là chi phí xây dựng và chi khác. Trước đó, năm 2007, đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài 1.000 m hoàn thành với tổng vốn đầu tư thực hiện 733 tỷ đồng, trong đó khoản đền bù giải phóng mặt bằng 600 tỷ đồng! Chi phí bồi thường, giải tỏa vừa cao vừa vòng vo, nhùng nhằng, dây dưa để mặc cả, gây hao tổn lớn vốn đầu tư, tâm trí, công sức và kéo dài thời gian khởi công, thi công, đưa công trình vào sử dụng. Tiền vốn và thời cơ đều lãng phí, dẫn đến hậu quả là chúng ta tiếp tục tụt hậu trong đầu tư phát triển.
Theo nguyên tắc thống kê quốc tế thì khoản chi phí đền bù giải phóng mặt bằng không được coi là đầu tư vì không trực tiếp đi vào giá trị xây lắp công trình phục vụ sản xuất. Ðiều này đã minh oan cho ICOR của Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra những đòi hỏi cấp bách phải giải quyết về cơ chế và luật pháp, nhất là Luật Ðất đai.
Những bất cập và giải pháp tái cơ cấu
Thực tế đầu tư và đầu tư công những năm qua cũng tồn tại không ít yếu kém. Ðó là tình trạng dàn trải, phân tán, lãng phí nguồn lực, tụt hậu do lựa chọn kỹ thuật công nghệ cũ, chạy đua theo phong trào hoặc để tạo nguồn thu ngân sách cục bộ dẫn đến đầu tư trùng lặp, không đúng nhu cầu và ưu thế địa phương. Thí dụ: 15 khu kinh tế ven biển đều là phê duyệt riêng lẻ, không có quy hoạch tổng thể, với tổng diện tích khoảng 500 nghìn ha, phải cần gần 2.000 tỷ USD vốn đầu tư. Tương tự như vậy là 194 khu công nghiệp với tổng diện tích 46.600 ha và số cụm công nghiệp do các tỉnh phê duyệt là 1.643 cụm với gần 73 nghìn ha, sẽ cần tới 50 tỷ USD để lấp đầy! Hệ thống 138 sân bay trên cả nước, trong đó có 61 cảng hàng không - sân bay và 67 bãi hạ cánh dự bị cần khoảng 50 nghìn tỷ đồng, nhưng khả năng bố trí vốn chỉ đạt dưới 10%!
Các thành phần kinh tế đều thi đua đưa ra những dự án khổng lồ, các công trình thế kỷ, mỗi dự án chiếm từ vài trăm đến hàng nghìn ha đất, nhưng vốn tự có của phần lớn các chủ đầu tư nhỏ bé, phần lớn là dựa vào ngân hàng; phía ngân hàng cũng hào hứng cho vay vì lãi suất cao và phụ phí. Ðến nay nhiều dự án đầu tư thoi thóp, ngắc ngoải, chỉ còn một số có thực lực vẫn tồn tại, trụ vững sau cú lãi suất ngân hàng tăng phi mã và kế tiếp là siết chặt tín dụng. Về phía ngân hàng cũng vì thế mà nợ xấu lên tới khoảng 200 nghìn tỷ đồng!
Về chi phí và công sức giải phóng mặt bằng hao tổn cao hơn nhiều so với đầu tư xây dựng công trình, có thể nói nguyên nhân chính là cơ chế về nhà đất. Nguyên tắc thì đã tương đối rõ: Ðất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, của người giao lại quyền sử dụng đất và của nhà đầu tư... Nhưng các quy định cụ thể để thực thi thì chưa đủ rõ, dẫn đến lúng túng, lợi dụng, ăn chặn của dân hoặc kích động dân để móc ngân sách nhà nước và đòi hỏi quá đáng với nhà đầu tư, hoặc phó mặc nhà đầu tư "đàm phán" với dân hết năm này sang năm khác, rốt cuộc phá sản dự án.
Thực tế nêu trên cho thấy để thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, trước hết cần hoàn thiện, đồng bộ hóa khung pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cần sớm ban hành Luật Ðất đai (sửa đổi), Luật Ðầu tư công (đã yêu cầu ban hành từ vài năm nay nhưng chưa soạn thảo được), điều chỉnh, sửa đổi, đồng bộ hóa các sắc luật có liên quan mật thiết nhưng đang có những điểm lệch nhau, như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Ðầu tư, Luật Xây dựng, Luật Ðấu thầu (có ý kiến đáng quan tâm là nên hợp nhất ba Luật: Ðầu tư, Xây dựng, Ðấu thầu, trong đó có cả các quy phạm pháp luật về đầu tư công). Ðặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành các sắc luật đó cần ban hành kịp thời, đồng bộ hơn để bảo đảm tính minh bạch, nghiêm túc trong tổ chức thực hiện, góp phần chặn đứng nạn tham nhũng, lãng phí trong đầu tư phát triển.
Ðối với vấn đề hết sức phức tạp, tốn kém là chi phí và tổ chức đền bù, giải tỏa cần có sự tập trung trí tuệ xã hội và các chuyên gia để sớm tìm ra giải pháp hợp lý, hiệu quả, hiệu lực nhất. Ðiều này không chỉ có ý nghĩa then chốt trong đổi mới đầu tư phát triển, mà còn góp phần quan trọng ngăn chặn tham nhũng và khiếu kiện đông người, dai dẳng. Riêng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cần có cơ chế xử lý, hạch toán đặc thù và không đưa vào cấu thành tính hệ số ICOR.
Với khung pháp lý chuẩn mực, hoàn thiện và tiên tiến, với quy trình tổ chức thực hiện tốt, quá trình tái cơ cấu đầu tư công sẽ sớm đạt kết quả mới theo định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, phát huy vai trò dẫn dắt, lan tỏa, nâng cao hiệu quả đầu tư của cả nước để đạt được mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Theo nhandan.com.vn