Bùi Đặng Dũng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách
Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát về NSNN, cung cấp thông tin quan trọng cho QH trong việc quyết định, giám sát NSNN. Theo quy định của pháp luật hiện hành: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do QH thành lập, hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự chi phối của các cơ quan quản lý nhà nước khác. Chính vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Từ thực tế quyết định dự toán và giám sát NSNN của QH còn một số hạn chế...
Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 và Luật Tổ chức QH, QH là cơ quan quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, thực hiện giám sát tối cao về tài chính và ngân sách nhà nước. QH quyết định thông qua việc ban hành các luật có liên quan như các Luật Thuế, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công... và trên cơ sở đó, QH quyết định dự toán tổng thu, tổng chi, những nội dung thu, chi ngân sách và quyết định mức bội chi và nguồn bù đắp; quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định tổng số và mức chi từng lĩnh vực; phân bổ dự toán chi đến từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương theo từng lĩnh vực; phân bổ mức bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng địa phương. QH với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng giám sát về NSNN trên các nội dung: dự toán NSNN hàng năm; phân bổ ngân sách Trung ương và số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương; việc giao nhiệåm vụ thu, chi ngân sách cho các bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quá trình chấp hành NSNN; giám sát việc quyết toán NSNN; giám sát việc thực hiện Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về NSNN.
Trong thời gian qua, việc quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương, quyết toán NSNN và giám sát về NSNN của QH đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phân bổ nguồn lực tài chính theo các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, phát triển kinh tế, giữ vững và ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Kết quả hoạt động của QH cũng đã cho thấy: chất lượng thực hiện nhiệm vụ quyết định, giám sát NSNN của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao ngày càng được nâng cao. QH đã thảo luận, đánh giá các nguồn thu, các khoản thu, chính sách thu để quyết định huy động tối đa cho NSNN và đánh giá các khoản chi, chính sách chi để quyết định chi cho phù hợp, hiệu quả. Việc quyết định phân bổ ngân sách cho từng lĩnh vực tạo điều kiện để QH đánh giá, so sánh, đối chiếu giữa kết quả thực tiễn với mức đầu tư ngân sách, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng lĩnh vực, bộ, ngành, sự cần thiết điều tiết và hỗ trợ ngân sách bảo đảm cho các địa phương hoạt động một cách bình thường, cũng như việc đánh giá cơ cấu ngân sách cho đầu tư phát triển để quyết định cho phù hợp với từng giai đoạn. Thông qua đó, công tác quản lý và sử dụng NSNN đã ngày càng thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, việc quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương cũng như hoạt động giám sát của QH đối với lĩnh vực ngân sách cũng còn những hạn chế nhất định như: quyết định dự toán còn chưa sát thực tế, phân bổ ngân sách chưa thực sự hợp lý và công bằng giữa các địa phương; công tác giám sát về NSNN còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa được như mong muốn do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau như phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức của QH, cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng NSNN còn những vấn đề chưa thực sự phù hợp... trong đó có nguyên nhân thông tin cung cấp cho QH, đBQH về lĩnh vực NSNN còn chưa đầy đủ, kịp thời. Để khắc phục tình trạng này, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra là phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm toán, bảo đảm để KTNN cung cấp các thông tin đầy đủ, kịp thời cho QH, thực sự là công cụ quan trọng, sắc bén giúp cho QH trong việc quyết định và giám sát NSNN.
... đến yêu cầu đặt ra đối với Kiểm toán Nhà nước phục vụ QH quyết định, giám sát NSNN
Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát về NSNN, cung cấp thông tin quan trọng cho QH trong việc quyết định, giám sát NSNN. Theo quy định của pháp luật hiện hành: Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do QH thành lập, hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật, không chịu sự chi phối của các cơ quan quản lý nhà nước khác. Chính vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Luật Kiểm toán Nhà nước đã quy định rõ: hoạt động Kiểm toán Nhà nước phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Có thể thấy, Kiểm toán Nhà nước được sử dụng như một công cụ quan trọng trong kiểm soát các hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước. Mọi hoạt động liên quan đến kinh tế - tài chính nhà nước ở các cơ quan, đơn vị có quản lý và sử dụng các nguồn lực công đều chịu sự kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước. Ngoài chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của số liệu báo cáo quyết toán ngân sách, Kiểm toán Nhà nước còn thực hiện kiểm toán tính tuân thủ, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản nhà nước.
Đối với QH, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ sở quan trọng để QH xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương, quyết định dự án và công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn NSNN; xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN và sử dụng trong hoạt động giám sát việc thực hiện NSNN, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Báo cáo kiểm toán giúp QH thấy rõ tính hợp pháp, đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán NSNN; đánh giá thực trạng quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, chỉ ra những thiếu sót, tồn tại và đưa ra những giải pháp, kiến nghị giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị khắc phục những yếu kém, từng bước củng cố trật tự, kỷ cương, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý tài chính - ngân sách, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tiết kiệm, có hiệu quả. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sơ hở, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về tài chính - ngân sách, đề xuất với QH, Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất và phù hợp của hệ thống pháp luật.
Kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua đã góp phần làm minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN. Kể từ khi Luật Kiểm toán Nhà nước có hiệu lực thi hành, các báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước đã ngày càng được hoàn thiện, cung cấp cho QH nhiều thông tin quan trọng về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị xử lý tài chính như tăng thu, giảm chi, quản lý qua ngân sách nhà nước... hàng chục nghìn tỷ đồng (niên độ ngân sách 2007: 17,3 nghìn tỷ đồng; năm 2008: 16,6 nghìn tỷ đồng, năm 2009: 17,1 tỷ đồng; năm 2010: 21,7 tỷ đồng).
Cùng với việc kiến nghị xử lý về tài chính, báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước đã kiến nghị với QH, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhiều nội dung quan trọng như: bổ sung, sửa đổi chính sách về thuế xuất, nhập khẩu, chính sách quản lý và quyết toán phí, lệ phí, những bất cập về tiêu chí, định mức phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia; rút kinh nghiệm trong phân bổ, giao dự toán, thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của các dự án hoàn thành; khắc phục tình trạng ứng trước dự toán không đúng quy định; kiểm tra làm rõ nguyên nhân, có biện pháp khắc phục những tồn tại, sai sót trong công tác quản lý tài chính kế toán, xây dựng đơn giá, quyết toán và phân phối quỹ tiền lương; ban hành chính sách về quản lý, sử dụng các quỹ; chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản, đất đai bảo đảm tiết kiệm, có hiệu quả... trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trong những năm qua, các nhận định, đánh giá và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được QH, các cơ quan của QH, các ĐBQH mà đặc biệt là Ủy ban Tài chính - Ngân sách sử dụng khá hiệu quả trong việc thẩm tra, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước. Nhờ đó, quyết toán ngân sách nhà nước được QH thông qua đã bảo đảm được tính đúng đắn, chính xác, tính trung thực, khách quan. Những ý kiến tham mưu, phục vụ của KTNN đã giúp QH có thêm cơ sở để xem xét, quyết định NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương, bảo đảm hơn thực quyền của QH theo quy định của pháp luật trong việc quyết định NSNN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước phục vụ QH quyết định, giám sát NSNN vẫn còn một số hạn chế cơ bản.
Một là, ý kiến tham gia của KTNN để QH xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương chưa có đầy đủ căn cứ thực tế vì hiện nay KTNN chưa thực hiện kiểm toán dự toán ngân sách nhà nước.
Hai là, những thông tin cung cấp cho QH, các cơ quan của QH phục vụ hoạt động giám sát việc chấp hành NSNN còn hạn chế do KTNN chủ yếu thực hiện hậu kiểm, kết quả kiểm toán mới chỉ ra những tồn tại, bất cập trong việc chấp hành NSNN những năm trước, chưa đánh giá được chính xác tình hình chấp hành NSNN năm hiện hành theo yêu cầu giám sát của QH, các cơ quan của QH.
Ba là, báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN hàng năm đã phục vụ đắc lực cho QH, các cơ quan của QH trong hoạt động thẩm tra, giám sát, xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN. Tuy nhiên, báo cáo của KTNN đang nặng về liệt kê số liệu và tình hình thực hiện NSNN, chưa đi sâu phân tích, đánh giá tác động của chính sách tài khóa và thực hiện chính sách tài khóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, việc thực hiện kiểm toán hoạt động của KTNN vẫn còn hạn chế nên chưa cung cấp thông tin kịp thời cho QH, các cơ quan của QH về tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Năm là, qua gần 20 năm thành lập, KTNN ngày càng được củng cố và phát triển nhưng qua kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN cho thấy tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị chưa cao, trong đó có nguyên nhân do chất lượng hoạt động kiểm toán còn hạn chế.
KTNN phải thực sự là công cụ sắc bén, phục vụ QH
Thứ nhất, với vị trí và vai trò của Kiểm toán Nhà nước và thực tiễn hoạt động trong những năm qua, trong thời gian tới, KTNN cần triển khai tốt Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được UBTVQH ban hành, nhằm sớm xây dựng, phát triển KTNN thực sự là công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của QH, HĐND các cấp trong thực hiện chức năng giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
Thứ hai, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kiểm toán, nâng cao giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, chế tài xử phạt đối với các cấp, các ngành, đơn vị được kiểm toán và kể cả cơ quan KTNN, kiểm toán viên trong quá trình kiểm toán và thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để trình QH ban hành.
Thứ ba, nghiên cứu việc tổ chức kiểm toán dự toán NSNN và thực hiện tiền kiểm các dự án đầu tư quan trọng, tăng cường kiểm toán hoạt động để cung cấp thông tin có cơ sở đầy đủ, rõ ràng, giúp cho QH, các cơ quan của QH và ĐBQH xem xét, thẩm tra, thảo luận và quyết định dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm cũng như quyết định đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, bảo đảm việc sử dụng NSNN minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ tư, đổi mới các nội dung trong báo cáo kiểm toán, cần có đánh giá khái quát tình hình, làm rõ nét bức tranh tổng thể về NSNN của niên độ kiểm toán, những kết quả cơ bản đạt được, những tồn tại mang tính phổ biến, những sai phạm có tính nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Đi sâu phân tích, đánh giá những điểm nổi bật của niên độ ngân sách được kiểm toán, chỉ rõ những nguyên nhân và đề xuất giải pháp để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, sai phạm trong quản lý, sử dụng NSNN.
Thứ năm, chú trọng và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, kiểm toán viên KTNN nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới và quá trình hội nhập quốc tế.
Thứ sáu, trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước có ý kiến đề xuất với QH các giải pháp, chính sách để quyết định điều hành NSNN năm hiện hành; dự báo tình hình tài chính, tiền tệ năm hiện hành và những năm tiếp theo, phục vụ QH trong việc quyết định NSNN và các vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Cùng với việc phát triển bộ máy Kiểm toán Nhà nước theo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán sẽ làm cho Kiểm toán Nhà nước thực sự là công cụ sắc bén phục vụ QH trong quá trình quyết định NSNN và giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo daibieunhandan.vn