Quản lý sử dụng kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường bộ, đường sắt: Kết quả và những tồn tại cần khắc phục

17/08/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Quản lý sử dụng kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đường bộ, đường sắt có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng được Nhà nước giao, đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Qua kết quả kiểm toán của KTNN cho thấy, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và các Bộ, ngành liên quan về cơ bản đã chấp hành tương đối đầy đủ các chính sách, chế độ về tài chính, ngân sách của Nhà nước. Đặc biệt là trong việc thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt ở giai đoạn I, II (2008-2009).

Quyết định 1856/QĐ-TTg được ban hành nhằm “Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; tạo lập lại, xác định và duy trì hệ thống hành lang an toàn đường bộ, hệ thống hành lang an toàn đường sắt; hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường đấu nối vào quốc lộ, đường ngang, các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, đường sắt nhằm đảm bảo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt”.

Kết quả kiểm toán quá trình thực hiện Kế hoạch giai đoạn I và II cho thấy, các đơn vị quản lý đường bộ (QLĐB) đã thực hiện rà soát, thống kê tương đối đầy đủ các công trình sai phạm và công trình cần giải tỏa trong hành lang an toàn đường bộ; tổng hợp kinh phí hỗ trợ giải tỏa hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù từ 5-7m trên tất cả các tuyến quốc lộ. Đặc biệt, đã thực hiện giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên Quốc lộ 1 trong phạm vi đã đền bù giải tỏa, như lều lán, quán hàng, biển hiệu, quảng cáo ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn I, II đã được Bộ GTVT và các địa phương quan tâm, coi trọng. Các đơn vị đã tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang an toàn giao thông bằng các hình thức như phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu... Riêng đối với đường bộ, trong những năm qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, bảo trì hệ thống cầu đường được giao, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn; công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Giai đoạn III của Kế hoạch được thực hiện trong khoảng thời gian dài từ 2010 đến 2020, được xem là giai đoạn quan trọng nhất trong việc thực hiện Quyết định 1856/QĐ-TTg; tuy nhiên, bước đầu triển khai đã nảy sinh một số khó khăn, bất cập. Cụ thể, Bộ GTVT chưa làm tốt công tác tổng hợp kinh phí giải tỏa hành lang an toàn đường bộ, đường sắt từ các địa phương báo cáo; chưa chỉ đạo tốt các đơn vị chức năng trong việc phối, kết hợp triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; việc thẩm định dự toán của Bộ đối với Tổng cục ĐBVN còn chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, dẫn tới năm 2010 Tổng cục ĐBVN lập dự toán kinh phí cho lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ giai đoạn III trình Bộ GTVT tại Công văn số 3003/CĐBVN-TC ngày 24/7/2009, với số tiền 300 tỷ đồng, không có phương án đền bù, giải tỏa và không có nội dung công việc mà chỉ là số tạm tính. Vì thế, kinh phí đã được cấp từ tháng 11/2010 đến tháng 6/2011 vẫn chưa sử dụng được. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng có thiếu sót trong việc thẩm định dự toán kinh phí nêu trên.

Cùng với các kiến nghị về xử lý tài chính, KTNN kiến nghị Tổng cục ĐBVN nghiên cứu, trình Bộ GTVT cơ chế phối hợp giữa các đơn vị được giao QLĐB với các cấp chính quyền địa phương để quản lý và sử dụng có hiệu quả kinh phí giải tỏa hành lang đường bộ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa cơ quan QLĐB với các cấp chính quyền địa phương để quản lý và sử dụng có hiệu quả kinh phí giải tỏa hành lang đường bộ; Đối với Bộ Tài chính, cần kiểm điểm rút kinh nghiệm cơ quan tham mưu trong việc thẩm định chưa chặt chẽ phương án phân bổ 300 tỷ đồng cho Bộ GTVT khi chưa có phương án đền bù được duyệt kinh phí lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ giai đoạn III cho Tổng cục ĐBVN./.

Theo Báo Kiểm toán số 7/2012

Xem thêm »