Trong hai ngày 2 và 3-7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp
Thảo luận về công tác chỉ đạo, điều hành sáu tháng đầu năm 2012, Chính phủ đã họp trực tuyến với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Về tình hình kinh tế xã hội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Trong sáu tháng đầu năm: tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 53,8 tỷ USD, tăng 6,9% so cùng kỳ năm trước; nhập siêu ước khoảng 685 triệu USD, bằng 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 4,38%, thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước và thấp hơn kế hoạch đề ra, tuy nhiên, chỉ số này có xu hướng tăng trong thời gian tới; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2011; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký ước đạt hơn 6,38 tỷ USD, bằng 72,3% so cùng kỳ năm trước, vốn FDI thực hiện ước 5,4 tỷ USD, tăng gần 2% so cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới ước đạt 36.200 DN với tổng vốn đăng ký 232,6 nghìn tỷ đồng, giảm 12,4% về số DN và giảm 3,5% về số vốn.
Tính đến tháng 6-2012, cả nước có hơn 658 nghìn DN đã được thành lập, trong đó khoảng 468 nghìn DN đang hoạt động, chiếm 71,1%. Hơn 26.300 DN gặp khó khăn, phải giải thể, tạm ngừng hoạt động trong sáu tháng qua, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2011. Chỉ số hàng tồn kho có xu hướng giảm dần, từ 34,9% trong tháng 3, đến tháng 6 giảm xuống còn 26%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm trong sáu tháng qua, tính đến hết tháng 6 tăng 2,52% so tháng 12-2011 và tăng 6,9% so cùng kỳ năm 2011. Ðây là cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7 đến 8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại năm 2012.
Tại phiên họp, lãnh đạo một số địa phương kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tại địa phương, tập trung vào: thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, ứng vốn cho các công trình cấp bách hoàn thành trong năm 2012; giải quyết nợ xấu của các ngân hàng; giảm thuế thu nhập DN; bảo đảm an toàn các đập thủy điện... Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: hỗ trợ nông dân trong việc nuôi trồng, tiêu thụ cá tra, mua tạm trữ lúa, một số loại nông sản khác; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công, đẩy nhanh giải ngân vốn cho các chương trình, mục tiêu quốc gia; rà soát, lập đoàn kiểm tra toàn bộ các công trình thủy điện, công trình nào bảo đảm được mục tiêu phát điện gắn với bảo đảm nước cho hạ du, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn đập mới được phép vận hành; quan tâm công tác tái định cư người dân vùng lòng hồ thủy điện...
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp về công tác chỉ đạo, điều hành sáu tháng đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: kinh tế - xã hội đất nước có chuyển biến tích cực, đúng định hướng, mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực, cho thấy triển vọng sáu tháng cuối năm có khả năng tăng trưởng, chuyển biến sẽ tốt hơn sáu tháng đầu năm. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý rằng, chúng ta không thể chủ quan, vì tình hình cho thấy còn nhiều khó khăn, hạn chế, yếu kém. Do vậy, để đạt được mức tăng trưởng GDP năm nay như mục tiêu đề ra đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Thủ tướng khẳng định: Tiếp tục kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra từ đầu năm: ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát không chỉ cho năm nay mà cho cả những năm sau, coi đây là nền tảng để phát triển bền vững.
Ðề cập các giải pháp kinh tế vĩ mô, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu trách nhiệm điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu năm nay và cho cả năm sau; tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định; khơi thông nhanh dòng vốn để các DN dễ tiếp cận; bảo đảm tăng trưởng tín dụng năm 2012 ở mức hợp lý, dành tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, DN vừa và nhỏ, sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần tăng tổng cầu và giảm lượng hàng tồn kho; sớm có hướng xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng, quyết liệt xử lý nợ xấu; phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, điều hành mức cung ứng tiền (M2) và mức tăng tín dụng hợp lý, tránh dồn vào cuối năm, vừa bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, không để lạm phát cao quay trở lại.
Trong hoàn cảnh khó khăn về nguồn thu ngân sách năm nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính: Tính toán lại khả năng, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, phương án bù đắp, không để mất cân đối thu chi, giữ nguyên mức bội chi ngân sách như đã đề ra; có biện pháp thực hiện chính sách hỗ trợ thuế đúng đối tượng ưu tiên. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tìm mọi giải pháp hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, trong đó có ngành công nghiệp, dịch vụ... Khẩn trương thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường xử lý vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA. Ứng trước vốn đầu tư năm 2013 mà những công trình trọng điểm, cấp bách sẽ hoàn thành ngay trong 2012. Mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nông sản, thiết lập các hàng rào kỹ thuật về chất lượng phù hợp thông lệ quốc tế, kiểm soát chặt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về vấn đề tái cơ cấu đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng thu hút đầu tư công nghệ cao. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thật sự bắt tay vào thực hiện tái cơ cấu DN nhà nước (DNNN) theo hướng tập trung vào ngành, nghề chính, tăng cường đổi mới quản trị DNNN, bảo đảm hiệu quả, kiện toàn bộ máy tổ chức. Chính phủ sẽ làm rõ việc phân công, phân cấp, thực hiện quyền chủ sở hữu đối với DNNN.
* Chiều 3-7, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Ðức Ðam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành. Sau khi thông báo vắn tắt những nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Ðức Ðam và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan vấn đề tăng giá điện; việc giải ngân vốn xây dựng; tái cơ cấu DNNN; xử lý nợ xấu của các ngân hàng...
Theo Nhandan.com.vn