KTNN ban hành Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật KTNN và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN

02/07/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 25/5/2009 của Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia Phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành tổng kết 5 năm thi hành Luật KTNN và đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung Luật KTNN. Sau hơn hai năm tích cực thực hiện, ngày 27/6/2012, Tổng KTNN đã ký ban hành Báo cáo số 944/BC-KTNN Tổng kết 5 năm thi hành Luật KTNN và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN.

 

 

 

 

(Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet)

Luật KTNN được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. Đây là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất hiện nay quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN. Sau hơn sáu năm thi hành, Luật KTNN đã phát sinh nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết, một số quy định bộc lộ những bất hợp lý cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN.

Báo cáo tổng kết đã phản ánh kết quả thực hiện các quy định của Luật, như: Địa vị pháp lý của KTNN đã được nâng cao phù hợp hơn với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ "là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật"; quy định đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN; quy định về thẩm quyền và quy trình bổ nhiệm đối với Tổng KTNN đã bảo đảm tính độc lập, khách quan; kiện toàn một bước cơ bản về tổ chức bộ máy và công chức, viên chức của ngành; quy mô, loại hình, chất lượng kiểm toán được mở rộng và tăng cường; việc công khai kết quả kiểm toán được dư luận đồng tình, đánh giá cao; các đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan đã nâng cao ý thức trong việc tuân thủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình;...

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Báo cáo tổng kết cũng nêu ra những tồn tại, bất cập chủ yếu của Luật KTNN, như: Thuật ngữ “chuyên môn’’ trong quy định về địa vị pháp lý của KTNN tại Điều 13 là không phù hợp, chưa thể hiện được bản chất của KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất hoặc KTNN là cơ quan kiểm toán tối cao như các nước trên thế giới đã quy định; nhiệm vụ của KTNN chưa bao quát hết đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công, một số nhiệm vụ phát sinh trên thực tế (kiểm toán thuế, nợ công) chưa được quy định, chưa quy định rõ nhiệm vụ tiền kiểm của KTNN; quy định nhiệm kỳ của Tổng KTNN bảy năm không phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội và thời hạn bổ nhiệm các chức danh khác trong bộ máy Nhà nước; chưa tăng cường trách nhiệm cho Tổng KTNN trong vấn đề thiết lập hệ thống tổ chức; quy định về Phó Tổng KTNN chưa phù hợp với pháp luật về cán bộ, công chức; tên gọi của các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và chức danh Kiểm toán trưởng chưa tương thích với tên gọi của tổ chức và chức danh tương đương trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước; chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động kiểm toán; quy định ngạch Kiểm toán viên dự bị không phù hợp với quy định về phân loại công chức của Luật Cán bộ, công chức; quy định về thành viên Đoàn kiểm toán tại Điều 35, Điều 44 là chưa đầy đủ và chưa bảo đảm tính thống nhất; Luật chỉ sử dụng hình thức “Biên bản kiểm toán” để ghi lại kết quả kiểm toán của Tổ kiểm toán là chưa phù hợp thực tiễn hoạt động kiểm toán; quy định về thời gian gửi báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán còn ngắn, gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán; quy định về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán còn trừu tượng, dễ dẫn đến hiểu không đúng tinh thần và nội dung của quy phạm khi cho rằng kết luận, kiến nghị kiểm toán chỉ có giá trị bắt buộc thi hành đối với đơn vị được kiểm toán khi đơn vị được kiểm toán chấp nhận; quy định về các đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết phạm vi kiểm toán quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; chưa có các quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; chưa quy định mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan của Quốc hội, các Bộ, ngành, chính quyền các cấp và các tổ chức có liên quan trong hoạt động kiểm toán;…

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, Báo cáo đã đề xuất các định hướng cụ thể như sau: Một, Hiến định địa vị pháp lý của KTNN, trên cơ sở đó sửa đổi Điều 13 “KTNN là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”; Hai, Bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng phù hợp quy định tại Điều 3 của Luật KTNN về mục đích kiểm toán "...góp phần ...chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí”; bổ sung nhiệm vụ kiểm toán nợ công phù hợp thông lệ quốc tế, yêu cầu hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay; quy định rõ “KTNN thực hiện kiểm toán dự toán NSNN, các dự án, công trình quan trọng quốc gia phục vụ cho việc xem xét quyết định của Quốc hội”; Ba, Rút ngắn nhiệm kỳ của Tổng KTNN còn 5 năm cho phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội và thời hạn bổ nhiệm các chức danh khác trong bộ máy nhà nước; phân cấp mạnh hơn, tăng cường trách nhiệm cho Tổng KTNN trong một số vấn đề về tổ chức và hoạt động của KTNN như: quy định về quyền miễn trừ; nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển KTNN; quyền quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc KTNN; sửa lại quy định về việc bổ nhiệm và nhiệm kỳ của Phó Tổng KTNN cho phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức; Bốn, quy định rõ cơ cấu tổ chức của KTNN gồm các vụ và các đơn vị tương đương cấp vụ; đổi tên KTNN chuyên ngành, khu vực, chức danh Kiểm toán trưởng; luật hoá nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu KTNN chuyên ngành, khu vực trong tất cả các bước của quy trình kiểm toán; Năm, thay thế ngạch Kiểm toán viên dự bị bằng Trợ lý kiểm toán; phân cấp cho Tổng KTNN thẩm quyền bổ nhiệm ngạch Kiểm toán viên cao cấp; Sáu, quy định về thành phần Đoàn kiểm toán cho đầy đủ và thống nhất trong các quy định của Luật, bổ sung hình thức Báo cáo kiểm toán của Tổ kiểm toán để ghi lại kết qủa kiểm toán của Tổ kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán; quy định rõ thành viên khác của Đoàn kiểm toán là thành viên không phải Kiểm toán viên nhà nước; tăng thời hạn gửi báo cáo kiểm toán cho phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán; Bảy, bổ sung quy định chủ thể có thẩm quyền chấp nhận kết luận kiểm toán; quy định trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN; Tám, bổ sung thêm đơn vị được kiểm toán là các đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động; thay thế quy định “Doanh nghiệp nhà nước” bằng quy định “ Các doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật”; bổ sung quy định về thời hạn cho phép đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền kiến nghị; quy định đơn vị được kiểm toán có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các bằng chứng để chứng minh cho ý kiến kiến nghị của mình; sửa quy định "Người đứng đầu đơn vị được kiểm toán phải ký biên bản kiểm toán” thành "Người đứng đầu đơn vị được kiểm toán hoặc người được ủy quyền phải ký biên bản kiểm toán”; bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đối với công chức ở các KTNN khu vực đóng trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa; Chín, quy định mối quan hệ giữa KTNN với cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động kiểm toán như: Hội đồng nhân dân địa phương; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ; kiểm toán độc lập; quan hệ phối hợp kiểm toán giữa KTNN Việt Nam với KTNN tối cao của các quốc gia trên thế giới trong việc phối hợp thực hiện kiểm toán;…

Kết quả tổng kết 5 năm thực hiện Luật KTNN và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung Luật KTNN đã đặt ra yêu cầu khách quan cần phải khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN để hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu trong tình hình hiện nay./.

 

                                                               

Xem thêm »