Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

20/06/2012
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm quyền lợi người lao động, như: Lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng; số giờ làm thêm trong năm không quá 200 giờ (trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ) l Sẽ ban hành hơn 20 nghị định hướng dẫn thi hành

Theo Bộ Luật lao động (sửa đổi), mức lương do thỏa thuận giữa người lao động với chủ sử dụng lao động,

Chiều 18-6, Quốc hội đã thông qua 5 dự án: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Làm thêm không quá 50% số giờ chính thức
“Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng” là nội dung quan trọng trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi) được thông qua với đa số đại biểu tán thành (465/466 đại biểu). Bộ luật này có hiệu lực từ ngày 1-5-2013.

Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định: “Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng”. Bộ luật này cũng bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày.

Trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày, 30 giờ/tháng và 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Mặc dù tuổi nghỉ hưu được giữ nguyên như bộ luật hiện hành (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ - PV) song bộ luật mới quy định cụ thể thành 3 nhóm. Trong đó, nhóm lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể rút ngắn tuổi nghỉ hưu sớm hơn; hai nhóm còn lại là lao động làm công việc quản lý và khoa học có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu theo quy định của Chính phủ.

Theo dự kiến, Chính phủ sẽ phải ban hành hơn 20 nghị định hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Không bảo hiểm vàng và ngoại tệ
Luật Bảo hiểm tiền gửi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013) quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân và chỉ bảo hiểm đối với các khoản tiền gửi bằng VNĐ, chứ không bảo hiểm tiền gửi đối với vàng và ngoại tệ. “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ” - Luật Bảo hiểm tiền gửi nêu rõ.

Luật Phòng chống rửa tiền (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013) quy định Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ việc thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về phòng chống rửa tiền. Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì lập danh sách tổ chức, cá nhân có liên quan tới khủng bố và tài trợ khủng bố. Bộ Xây dựng triển khai các biện pháp phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản...

Điểm đáng chú ý của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013) là quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học theo hướng chỉ quy định mang tính nguyên tắc và không dẫn chiếu đến các điều khoản cụ thể. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ thì tùy thuộc mức độ,
sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013), sẽ hình thành Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá với nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, có khoản đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với lộ trình: 1% từ ngày 1-5-2013; 1,5% từ ngày 1-5-2016 và 2% từ ngày 1-5-2019.

Theo http://nld.com.vn

Xem thêm »