Các Tập đoàn, Tổng Công ty sở hữu hàng tỉ USD tiền vốn:
TT - Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty đang sở hữu tài sản nhiều tỉ USD nhưng hiệu quả kinh doanh chưa tương xứng. Đó là nhận định của Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vương Đình Huệ tại buổi họp báo công bố kế hoạch kiểm toán năm 2011 tổ chức ngày 3-3 ở Hà Nội.
Theo ông Vương Đình Huệ, qua kiểm toán năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam có tổng tài sản khá lớn, hoạt động có lợi nhuận. Điển hình như Tổng công ty Dệt may có vốn 1 tỉ USD nhưng đã giải quyết việc làm cho 140.000 lao động với thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng/người.
Quy mô hơn, Tập đoàn Dầu khí có tổng tài sản ước gần 19 tỉ USD, trong đó vốn chủ sở hữu gần 60%. Riêng năm 2009 tốc độ tăng trưởng về doanh thu đạt 24%, lợi nhuận tăng 25% và đã bổ sung cho vốn chủ sở hữu trên 30.000 tỉ đồng. Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN có tổng tài sản khoảng 6 tỉ USD, hoạt động chủ yếu là luân chuyển vốn lưu động, dòng tiền liên tục chảy vào và chảy ra. Đây là một trong những doanh nghiệp đạt doanh thu trên 100.000 tỉ vào năm 2010.
Nhìn vào quy mô như vậy nhưng theo ông Huệ, hiệu quả kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói chung theo đánh giá là chưa tương xứng với vốn, tài sản đang có. Do đó, KTNN đang tập trung làm rõ nguyên nhân của vấn đề này ở các tập đoàn và sẽ có các luận chứng cụ thể để kiến nghị về mặt cơ chế, chính sách cũng như thực tiễn hoạt động.
Sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ không đúng mục đích
Cũng tại cuộc họp báo, KTNN đã công bố kết quả kiểm toán một số chuyên đề, trong đó có việc phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006-2009, công tác quản lý thu thuế trong hai năm 2008-2009 tại Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế...
Về trái phiếu Chính phủ, trong bốn năm đã huy động được trên 155.000 tỉ đồng và 534 triệu USD để bù đắp bội chi ngân sách và chi cho phát triển. Cũng trong giai đoạn này đã thanh toán gốc và lãi hơn 91.500 tỉ đồng. Đối với quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, KTNN cho rằng còn nhiều hạn chế, thiếu sót như việc bộ, ngành, địa phương đăng ký nhu cầu vốn, lập kế hoạch vốn còn hạn chế, xét duyệt, thẩm định, phê duyệt dự án... còn nhiều sai sót, phải điều chỉnh dẫn đến vỡ kế hoạch vốn.
Năm 2009 đã giải ngân vượt tổng mức vốn giai đoạn 2003-2010 nhưng chỉ có trên 50% dự án đã hoàn thành. Vốn trái phiếu Chính phủ còn bị sử dụng không đúng nội dung, mục đích. Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính trên 460 tỉ đồng.
Đối với quản lý thu thuế 2008-2009, cả công tác hoàn thuế và giảm thuế đều còn nhiều sai sót. Về hoàn thuế chủ yếu vẫn là hoàn trước, kiểm tra sau nhưng công tác kiểm tra chưa được chú trọng, có cục thuế chỉ kiểm tra 20-30% đối tượng.
Về giảm thuế giá trị gia tăng, KTNN cũng phát hiện còn trường hợp hoàn thuế không đúng đối tượng. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp kê khai thiếu thu nhập, xác định thuế được giảm không đúng và cơ quan thuế chưa kiểm tra, thanh tra xử lý kịp thời. Tại Tổng cục Hải quan, thực hiện miễn thuế theo chế độ còn tình trạng cấp danh mục hàng hóa miễn thuế không đảm bảo chặt chẽ, không đủ điều kiện thủ tục...
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết kết thúc 136 cuộc kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 17.000 tỉ đồng gồm tăng thu gần 5.000 tỉ và giảm chi hơn 2.500 tỉ đồng. Còn lại là các khoản nợ đọng, các khoản phải nộp, hoàn trả khác... KTNN đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ, thay thế, sửa đổi bổ sung trên 40 văn bản không phù hợp. Đối với chuyên đề kiểm toán hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh năm 2009, KTNN đề nghị xử lý hơn 51 tỉ đồng sai phạm gồm hỗ trợ không đúng đối tượng, cho vay hỗ trợ khi hàng đã bán...
Theo Tuoitre.vn