HỘI THẢO "TỔNG KẾT 5 NĂM THỰC HIỆN LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VÀ ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC"

05/11/2010
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách nhà nước của các cơ quan dân cử Việt Nam", với sự hỗ trợ của Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, ngày 4/11/2010, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo "Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước".

 

Đến dự, về phía KTNN có GS.TS Vương Đình Huệ - Tổng KTNN; các đồng chí Phó Tổng KTNN: Lê Minh Khái, Hoàng Hồng Lạc; Đại diện Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo, tổ biên tập sửa đổi bổ sung Luật KTNN; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc KTNN; về phía các cơ quan liên quan có đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội; như: Văn phòng Quốc hội; Uỷ ban Tài chính - Ngân sách; Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Pháp luật; đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TTXVN, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam,đại diện Dự án "Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam", Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Hiệp hội kế toán công chứng Anh-ACCA, Công ty Ernst & Young Việt Nam; đại diện HĐND và UBND các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Yên Bái, Thái Nguyên, Vĩnh phúc, Bắc Giang, Thanh Hoá và Nghệ An.

Luật KTNN là văn bản pháp luật quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, cơ sở pháp lý cao nhất hiện nay quy định về tổ chức và hoạt động của KTNN. Sau 5 năm thi hành, địa vị pháp lý của KTNN đã được nâng lên; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của KTNN được quy định đầy đủ hơn; quy mô, loại hình và chất lượng kiểm toán được mở rộng và tăng cường; vị trí, vai trò của KTNN ngày càng được khẳng định, nhất là từ khi thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo luật định. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật đã phát sinh nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết, một số quy định của Luật bộc lộ những bất hợp lý cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN. Một số hạn chế, bất cập còn được thể hiện ngay cả trong địa vị pháp lý của KTNN, như: thuật ngữ “chuyên môn’’ trong quy định về địa vị pháp lý của KTNN tại Điều 13 là không phù hợp, chưa thể hiện được bản chất của cơ quan KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước cao nhất, hoặc là cơ quan kiểm toán tối cao như các nước trên thế giới đã quy định. Điều đó cũng dẫn đến nhận thức của các cấp, các ngành, công chúng và xã hội nói chung về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của KTNN chưa đầy đủ và toàn diện, thậm chí còn có nhận thức sai lệch, không đúng đắn về vị trí pháp lý, tổ chức và hoạt động KTNN. Nguyên nhân chủ yếu là do: địa vị pháp lý của KTNN và Tổng KTNN chưa được quy định trong Hiến pháp, như hầu hết các nước trên thế giới. Nhiệm vụ của KTNN theo luật định cũng chưa bao quát hết đối với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực tài sản công; chưa thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối; chưa thực hiện kiểm toán nghĩa vụ thu nộp NSNN của các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế... Một số nhiệm vụ phát sinh trong thời gian qua trên thực tế KTNN đã và đang phải thực hiện hoặc về lâu dài đây là nhiệm vụ của KTNN, nhưng chưa được quy định trong Luật KTNN, như: phòng ngừa, phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; kiểm toán thuế; kiểm toán nợ công... Hiện nay cũng chưa có các quy định về chế tài đối với các hành vi vi phạm Luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trên cơ sở việc đánh giá đầy đủ, cụ thể những mặt đã làm được, những hạn chế, tồn tại qua 5 năm thi hành Luật, Báo cáo Tổng kết cũng thể hiện rõ về quan điểm chỉ đạo, định hướng việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN.

Tham luận tại Hội thảo, hầu hết các đại biểu đều tán thành với các nội dung của báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Luật KTNN và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN; thống nhất nhận định đã đủ các điều kiện để xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc chế định về KTNN trong Hiến pháp. Các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận, cho ý kiến đối với nhiều vấn đề trọng tâm khác, như: về chức năng nhiệm vụ của KTNN; việc phối hợp giữa KTNN với HĐND, UBND các cấp; mối quan hệ giữa KTNN với các loại hình kiểm toán khác; kiểm soát chất lượng kiểm toán; việc tương thích, phù hợp với các luật liên quan...

Phát biểu kết thúc Hội thảo, GS.TS Vương Đình Huệ đã bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu, đồng thời đánh giá rất cao các tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Theo Tổng KTNN, các ý kiến tham luận, góp ý sẽ được tổng hợp, tiếp thu và cụ thể hoá trong các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN trong thời gian tới./.

ĐC

Xem thêm »