Cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có tính độc lập hơn khi Luật KTNN được ban hành. Thế nhưng, để làm tốt nhiệm vụ, đặc biệt là trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí bản thân cơ quan KTNN phải thực hiện tốt trách nhiệm. Nhân dịp cơ quan KTNN đang tích cực triển khai Luật KTNN, Báo NĐBND thứ Bảy đã phỏng vấn PHÓ TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VƯƠNG ĐÌNH HUỆ.
PV: Xin Ông cho biết, Luật KTNN có tăng tính độc lập để cơ quan KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ?
ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Vấn đề quan trọng nhất của Luật KTNN là xác định địa vị pháp lý của cơ quan KTNN. Luật quy định KTNN do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Do đó, vị thế được xác định là rất cao, bảo được tính độc lập của cơ quan KTNN. Tính độc lập của KTNN biểu hiện ở chỗ Tổng KTNN có quyền quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm, báo cáo QH và Chính phủ trước khi thực hiện. Chính điều này đã tăng tính độc lập cho cơ quan KTNN. Với vị thế như vậy, chức năng của KTNN cũng rộng hơn: ngoài kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ thì nay thêm chức năng kiểm toán hoạt động, tức là còn kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước. Ngoài "hậu kiểm", tại khoản 4, Điều 15 còn nói rõ là KTNN còn có nhiệm vụ "tiền kiểm", tức là trình bày ý kiến của KTNN để QH xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách Trung ương. Như vậy, chức năng, nhiệm vụ của KTNN có sự thay đổi. Luật mới bắt đầu có hiệu lực nên KTNN đang tích cực triển khai để những quy định của Luật thực sự đi vào cuộc sống.
PV: Thưa Ông, theo Luật KTNN, cơ quan KTNN có vị thế độc lập hơn. Tuy nhiên, không có nghĩa trước đó là không có vị thế độc lập. Ông cho biết, hiệu quả của KTNN thời gian qua việc tham gia quan lý tài chính của Nhà nước?
ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Đúng như vậy. Độc lập thực sự hay không là do bản thân cơ quan KTNN. Dù địa vị của KTNN đặt ở đâu đi nữa, nhưng không thể hiện được vai trò của mình thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên địa vị pháp lý và hành lang pháp luật được xác định rõ thì sẽ tạo điều kiện cho KTNN hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Hiệu quả hoạt động của KTNN thể hiện cụ thể ở các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Có 4 loại chính: kiến nghị đối tượng kiểm toán điều chỉnh lại báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, là cơ sở để cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét phê duyệt; Kiến nghị xử lý về mặt tài chính; Kiến nghị xử lý các sai phạm phát hiện trong quá trình kiểm toán và kiến nghị QH, Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống pháp luật, các đơn vị được kiểm toán hoàn thiện công tác quản lý. Như vậy có cái tính được bằng tiền, có cái tuy không tính được cụ thể bằng tiền nhưng còn có ý nghĩa hơn. Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã kiến nghị tăng thu, giảm chi, quản lý qua NSNN hơn 15 ngàn tỷ đồng. Riêng năm 2004 là 3.292 tỷ đồng, năm 2005 là 4.352 tỷ đồng.
PV: KTNN phát hiện ra các sai phạm trong chi tiêu tài chính công nhưng xử lý những sai pham đó như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Xin Ông cho biết những kết quả xử lý những kiến nghị của KTNN?
ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Cơ quan KTNN kiểm tra việc thực hiện kiến nghị bằng 2 cách: Một là, yêu cầu đơn vị được kiểm toán gửi báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của KTNN kèm theo chứng từ chứng minh cần thiết. Hai là, phúc tra lại việc thực hiện kiến nghị của KTNN tại đơn vị được kiểm toán. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính để có biện pháp buộc các đơn vị thực hiện. Đối với những đơn vị nào không thực hiện, Bộ Tài chính có thể trừ vào kinh phí của năm sau hoặc tạm ngừng cấp phát. Kết quả thực hiện kiểm toán là khả quan. Qua kiểm tra của KTNN và số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, đối với năm ngân sách 2003, đến tháng 1.2006 đã thực hiện xử lý được 3.069 tỷ đồng/ 3.292 tỷ đồng, đạt 93,2%; Năm ngân sách 2004, đến hết tháng 1.2006 đã thực hiện 3.173 tỷ đồng/ 4.392 tỷ đồng, đạt 70,6% số kiến nghị. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là tác động tích cực của Luật KTNN trong quản lý NSNN.
PV: Gần đây, những sai phạm nghiêm trọng tại PMU 18 đang đặt ra vấn đề trách nhiệm quản lý tài sản công của các cơ quan quản lý nhà nước. Trách nhiệm của KTNN được xác định đến đâu trong việc phát hiện và xử lý những sai phạm tại các đơn vị được kiểm toán, thưa Ông?
ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Thực ra, chức năng của kiểm toán là kiểm tra, đánh giá, kết luận và kiến nghị. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan kiểm toán có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, thanh tra hoặc khi cơ quan thanh tra, điều tra có yêu cầu thì cơ quan kiểm toán có trách nhiệm cung cấp. Thực tế, việc kiến nghị xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, chúng tôi đã làm nhưng nói thật là chưa được nhiều. Nguyên nhân chính là việc quy định trách nhiệm cá nhân chưa rõ ràng. Hy vọng, khi Luật Phòng, Chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, Chống lãng phí có hiệu lực thì việc quy định và xử lý trách nhiệm rõ ràng hơn. Như vậy chức năng của KTNN là phát hiện và kiến nghị, còn xử ký sai phạm là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
PV: Vừa qua, đã xảy ra một số vụ tiêu cực của cán bộ Thanh tra Chính phủ. Đối với KTNN, liệu có tiềm ẩn những tiêu cực không và cơ quan đã có những biện pháp gì để hạn chế tình trạng này?
ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: Những rủi ro nghề nghiệp thì không chỉ đối với ngành Thanh tra. Chúng tôi đã cảnh báo cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là đối với đội ngũ kiểm toán viên. Những sai phạm tiêu cực xảy ra có thể là do năng lực, trình độ nhưng cũng có thể là do phẩm chất đạo đức. Vì vậy, chúng tôi coi trọng hai mặt vừa nâng cao chất lượng kiểm toán, vừa coi trọng đạo đức nghề nghiệp. KTNN có Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, gần như đây là cơ quan KCS với quan niệm là cơ quan kiểm toán cũng phải được kiểm toán lại. Có hai hình thức kiểm tra là kiểm tra “nóng”, và kiểm tra “nguội”. Có nghĩa là có thể kiểm tra tức thì nếu như có dấu hiệu tiêu cực. Còn chủ yếu là sau khi cuộc kiểm toán kết thúc, hồ sơ kiểm toán đã được lưu trữ thì Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán vẫn có trách nhiệm kiểm tra lại nhật ký kiểm toán và tài liệu kiểm toán để đánh giá chất lượng kiểm toán và phát hiện sai sót, tiêu cực. Cùng với việc tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng thì với quy định chế độ phụ cấp nghề nghiệp và chế độ ưu tiên đối với KTNN vừa được UBTVQH ban hành sẽ là điều kiện để thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm giảm thiểu tiêu cực trong Ngành Kiểm toán.
PV: QH đang rất kỳ vọng đến vai trò KTNN trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng. Ông có cho rằng, nhiệm vụ này đối với KTNN là rất nặng nề?
ÔNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: KTNN là cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước thì hiển nhiên KTNN có vai trò không thể thoái thác được. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động kiểm toán, giáo dục đạo đức nghề nghiệp để mỗi kiểm toán viên trở thành một thành viên tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng, thất thoát và lãng phí.
PV: Xin cảm ơn Ông!