Nợ xấu và sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

27/09/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Những năm gần đây, một trong những nội dung được xác định là trọng tâm kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) là kiểm toán hoạt động tín dụng, đánh giá tình hình nợ xấu và vấn đề sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng (TCTD), ngân hàng thương mại (NHTM). Nội dung kiểm toán này được thực hiện tại Ngân hàng Nhà nước và các NHTM với nhiều kết quả quan trọng, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá được thực trạng hoạt động của các TCTD, NHTM, từ đó có những kiến nghị đề xuất để giải quyết vấn đề “nóng” này.

Tài chính- Ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm luôn được các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận đặc biệt quan tâm

 
Một số kết quả kiểm toán về hoạt động tín dụng, tình hình nợ xấu và sở hữu chéo tại các TCTD, NHTM
 
Tài chính- Ngân hàng là một lĩnh vực nhạy cảm luôn được các cơ quan quản lý nhà nước và dư luận đặc biệt quan tâm bởi những thay đổi về chính sách tiền tệ, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế quốc dân, từng doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Xác định được tầm quan trọng đó, nhằm phát huy tốt vai trò giám sát tài chính, tài sản công của Nhà nước, hàng năm KTNN đều thực hiện những cuộc kiểm toán đặc biệt liên quan đến những vấn đề nổi cộm, có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế…
 
Một trong những đơn vị chủ chốt thực hiện các cuộc kiểm toán về kiểm toán hoạt động tín dụng, đánh giá tình hình nợ xấu và vấn đề sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng (TCTD),  ngân hàng thương mại (NHTM) là KTNN chuyên ngành VII. Theo đánh giá của chuyên ngành VII, qua kiểm toán khối NHTM cho thấy: Trong suốt giai đoạn 2011-2015, các cuộc kiểm toán tại các NHTM đã chỉ ra thực trạng, xu hướng của các NHTM gồm: Gia tăng quỹ dự phòng rủi ro (DPRR) tín dụng; Giảm tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu; Rủi ro thanh khoản, kỳ hạn, rủi ro đổ vỡ hệ thống ngân hàng do có thể không kiểm soát nợ xấu…
 
Kết quả kiểm toán nhiều năm qua đã điều chỉnh số liệu chủ yếu tăng trích lập DPRR, giảm lãi dự thu và giảm lợi nhuận, đồng thời đánh giá tính tuân thủ qui định, qui chế tín dụng, an toàn tại các NHTM, đặc biệt quan tâm kiến nghị yêu cầu NHTM làm rõ trách nhiệm cá nhân tập thể có vi phạm tín dụng đã được KTNNCNVII đã chuyển nhiều hồ sơ sang cơ quan điều tra. Mặt khác, trong 03 năm liên tiếp, KTNN thực hiện kiểm toán 03cuộc kiểm toán việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” tại nhiều NHTM, tập trung vào các vấn đề lớn về các biện pháp xử lý vốn sở hữu chéo lẫn nhau tại các Ngân hàng và xử lý nợ xấu. Theo các kiến nghị của KTNN, các NHTM dần dần giảm tỷ lệ sở hữu tại các TCTD dưới mọi hình thức và mức vốn đầu tư ngoài ngành theo qui định tại TT36/NHNN, tăng mức an toàn vốn và thanh khoản theo lộ trình Basel II. 
 
Cũng tổng hợp kết quả kiểm toán hoạt động tín dụng và tình hình nợ xấu thông qua các Báo cáo kiểm toán đã được KTNN phát hành cho thấy: Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD còn cao. Theo đó, nợ xấu của hệ thống TCTD đến 31/12/2015 tính đầy đủ (cả nợ tồn đọng tại Công ty quản lý tài sản VAMC, nợ được cơ cấu lại, nợ chưa chuyển nhóm nợ xấu theo kết luận thanh tra NHNN) là 476,86 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,85% tổng dư nợ. Bên cạnh đó, VAMC chưa chủ động xử lý nợ xấu mà chủ yếu thông qua các TCTD bán nợ tự thực hiện với kết quả thấp, tổng thu hồi nợ từ năm 2013 đến 2015 là 22.902 tỷ đồng, chỉ chiếm 10,4% dư nợ đã mua. 
 
Thực tế cho thấy, hầu hết các TCTD được kiểm toán còn có tình trạng phân loại nhóm nợ chưa đúng quy định của NHNN, trích thiếu dự phòng rủi ro tín dụng; nhiều nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thông (Agribank), năm 2015 trích thiếu dự phòng rủi ro tín dụng 2.848,7 tỷ đồng.
 
Các NHTM được kiểm toán còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay. Một số khoản vay thẩm định thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản đảm bảo, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay. Ngân hàng Vietcombank chưa hạch toán theo phương pháp dồn tích đối với các khoản lãi và phí phải thu thẻ tín dụng; chưa tính và hạch toán đầy đủ trên hệ thống phần mềm tiền lãi của các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn nhỏ hơn 1.000 VND hoặc 0,1 đơn vị ngoại tệ.
Ngoài ra, một số TCTD có hoặc tình hình tài chính rất yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt (trong đó có 3 ngân hàng được NHNN mua lại 0 đồng là CBBank, GPBank, OceanBank); nhiều ngân hàng thương mại tồn đọng nhiều khoản cho vay, công nợ khó thu hồi do lãnh đạo ngân hàng cố ý làm trái, vi phạm pháp luật, việc xử lý hết sức khó khăn và tỷ lệ thu hồi rất thấp (ACB, Eximbank, Sacombank, CBBank, GPBank, OceanBank).
 
Đối với vấn đề sở hữu chéo, Báo cáo kiểm toán của KTNN cũng cho thấy nhiều ngân hàng vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần. Đến hết năm 2015, toàn hệ thống vẫn còn 3 cặp ngân hàng sở hữu lẫn nhau; 6 TCTD có sở hữu trên 5% cổ phần các TCTD khác, chưa đáp ứng quy định tại điểm b, khoản 3, điều 20 Thông tư số 36/TT-NHNN là “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó”. 
 
Tình trạng đứng tên hộ cá nhân, đơn vị sở hữu ngân hàng bị phát hiện qua thanh tra chưa được xử lý dứt điểm; 7 TCTD có cổ đông là các tổ chức kinh tế sở hữu cổ phần trên 15% vốn điều lệ, vượt quy định tại Điều 55 Luật các TCTD; 4 TCTD có cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của TCTD, vi phạm quy định tại khoản 3 điều 55 Luật các TCTD; 8 cặp sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau tại các TCTD và 8 NHTM nắm giữ cổ phần hơn 2 TCTD khác, chưa đúng quy định tại điểm a khoản 3, điều 20, Thông tư số 36/TT-NHNN là “Ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng thương mại đó”.
 
Kiến nghị từ Kiểm toán nhà nước 
 
Có thể nói, điểm nóng nợ xấu và sở hữu chéo có những tác động tiêu cực, gây tắc ngẽn hoạt động của hệ thống TCTD, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng và cản trở sự phát triển của nền kinh tế. 
 
Để tiếp tục giải quyết thực trạng trên, bên cạnh việc Quốc hội, Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Quyết định về xử lý nợ xấu; Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Kết quả kiểm toán cũng như những kiến nghị, đề xuất của KTNN đối với các Cơ quan quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các NHTM sẽ góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động tín dụng, hạn chế tình hình nợ xấu và sở hữu chéo của các NHTM.
 
Đối với việc kiểm soát hoạt động tín dụng và hạn chế tình hình nợ xấu, theo KTNN, Chính phủ và các cơ quan giúp việc liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính... cần xây dựng, duy trì, thiết lập hệ thống tài chính vững chắc gồm việc quy định các chuẩn mực, quy tắc, chế độ kiểm toán, quyết toán, kế toán, quản trị riêng biệt, khuôn khổ điều tiết, giám sát thị trường tài chính, thị trường tiền tệ... để xác định những mục tiêu cốt lõi hỗ trợ hệ thống tài chính hoàn thành vai trò của mình. 
Bên cạnh đó, cần xiết chặt các quy chế điều tiết để bảo đảm an toàn hệ thống sẽ luôn được đặt lên trước hết bất kể khi nào hệ thống ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro cao, bao gồm cả các mối đe dọa như khủng hoảng hoặc thậm chí là phá sản. Giám sát nợ xấu một cách có hiệu quả thông qua hoạt động phân tích, phân loại nợ xấu theo định kỳ. Sớm cảnh báo, phát hiện các khoản nợ xấu phát sinh, duy trì thường xuyên việc kiểm tra, phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân phát sinh nợ xấu, làm rõ trách nhiệm của cá nhân có liên quan nhất là ở những đơn vị, cá nhân phụ trách có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh, gắn trách nhiệm thu hồi nợ xấu, xử lý rủi ro với trách nhiệm của cá nhân trong hoạt động cho vay.
 
Ngoài ra, tăng cường pháp chế là giải pháp cần thực hiện nhanh chóng để có một chế độ và trật tự pháp luật, trong đó tất cả các chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh, triệt để và chính xác. Tăng cường các cơ chế thỏa thuận, thương lượng trong xử lý nợ xấu giữa ngân hàng thương mại (bên cho vay) và các doanh nghiệp (bên đi vay) để đồng thuận giữa hai bên trong việc giải quyết hậu quả của nợ xấu. Cả hai bên cần bàn bạc để có giải pháp hợp lý như đề ra các phương án trả nợ, xác định thời điểm trả nợ, thay đổi các điều khoản, nội dung hợp đồng tín dụng để phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của các bên.
 
Đối với kiểm soát việc sở hữu chéo tại các NHTM. Việc hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của sở hữu chéo là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra cho cơ quan quản lý. Trong đó, vấn đề mấu chốt trong công tác xử lý sở hữu chéo là phải đảm bảo ngăn ngừa hành vi cố tình vi phạm, đồng thời triệt tiêu lợi ích từ việc sở hữu chéo của các cá nhân và tổ chức. Để thực hiện điều này, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa NHNN và các Bộ ngành liên quan trong việc ban hành các văn bản pháp quy cũng như việc kiểm soát việc thực thi các điều khoản quy định.
 
Bổ sung thuật ngữ sở hữu chéo vào trong Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; đồng thời hình sự hóa các vấn đề liên quan đến sở hữu chéo để ngăn ngừa tối đa hành vi này (Bổ sung vào Luật Hình sự). Các cơ quan quản lý cần thường xuyên giám sát, yêu cầu các TCTD tuân thủ nghiêm Điều 55 của Luật các TCTD năm 2010 về quy định giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân, cổ đông pháp nhân và những người có liên quan, bao gồm cả phần cổ phần ủy thác cho cá nhân, tổ chức khác đứng tên. Nếu vi phạm, các cá nhân và người đứng đầu tổ chức phải chấp nhận bị xử lý theo luật hình sự.
 
Các quy định về kế toán, hệ thống các quy định an toàn cần được liên tục nâng cao tính minh bạch, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Để loại trừ tính nhiễu của sở hữu chéo trong vốn tự có như đã đề cập ở trên, khoản đầu tư của TCTD này vào TCTD khác phải được xác định rõ và loại trừ khỏi vốn cấp 1 của tổ chức được góp vốn khi tính hệ số an toàn vốn (CAR) của tổ chức này, tránh tình trạng vốn chảy lòng vòng trong hệthống dẫn tới việc tăng vốn không thực chất. Đặc biệt, các quy định về phòng chống rửa tiền cũng phải được thực thi một cách nghiêm túc.
 
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong nội bộ ngân hàng, yêu cầu ban kiểm soát phải thực sự độc lập với HĐQT và có quyền phủ quyết các quyết định có ảnh hưởng tiêu cực hoặc rủi ro cao đối với quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ; phải can thiệp, ngăn chặn, phát hiện, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp HĐQT có những quyết định trái pháp luật.
 
Có thể nói, để tiếp tục có những đánh giá về tình hình nợ xấu,sở hữu chéo tại các TCTD và NHTM, vai trò của KTNN cần tiếp tục được nâng lên, đặc biệt KTNN cần đưa ngành Ngân hàng vào đối tượng trọng tâm kiểm toán hằng năm, nhất là kiểm toán việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội. Đồng thời, KTNN cần nâng cao số lượng, chất lượng và đầu mối các cuộc kiểm toán lĩnh vực ngân hàng và chuyên đề chuyên sâu về quản trị rủi ro, an toàn vốn và sở hữu chéo của các NHTM./.
 
Lê Quân

Xem thêm »