(kiemtoannn.gov.vn)
- Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp 14 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV, sáng 19/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, năm 2017, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước; chỉ đạo tăng cường chủ động phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, cơ quan tư pháp; Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp PCTN.
Báo cáo cũng nêu rõ, trong năm 2017 toàn ngành thanh tra đã triển khai 5.065 cuộc thanh tra hành chính và trên 190.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, đã phát hiện vi phạm hơn 34.000 tỷ đồng, hơn 5.800 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 19.500 tỷ đồng và trên 5.000 ha đất xuất toán và loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý trên 14.000 tỷ đồng, 729 ha đất; kiến nghị lý kỷ luật hành chính trên 1500 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý sịnh sự 83 vụ, 176 đối tượng…
Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 329 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính gần 40.000 tỷ đồng. Kiến nghị các Bộ, ngành địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước hoặc chưa phù hợp với thực tiễn. Kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2015 đối với niên độ ngân sách 2014 là gần 15.800 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Kiểm toán nhà nước khẩn trương triển khai các cuộc thanh tra, kiểm toán theo kế hoạch năm 2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó ngành Thanh tra, Kiểm toán nhà nước đã tích cực tham mưu và triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp.
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 300 vụ với 706 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 145 vụ, 328 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 282 vụ, 628 bị can phạm tội về tham nhũng…
Toàn cảnh Phiên họp
Về phương hướng nhiệm vụ công tác PCTN năm 2018, Báo cáo của Chính phủ tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Báo cáo của Chính phủ đưa ra một loạt nhiệm vụ cụ thể: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu, hoàn thiện quy định về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý bước đầu hành vi tham nhũng…; Hoàn chỉnh dự Luật PCTN sửa đổi, Luật tố cáo sửa đổi...; Tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như đất đai, tài nguyên, khoáng sản, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa DNNN, ngân hàng, thuế, hải quan….
Thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đánh giá, trong năm 2017, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác PCTN và đạt được kết quả trên nhiều mặt. Trong năm 2017, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước được phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến một số cá nhân vi phạm, đã thi hành kỷ luật, xử lý nghiệm, được dư luận nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh thật đầy đủ công tác PCTN năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng so với năm 2016; chưa có giải pháp đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác PCTN đã tồn tại qua nhiều năm…
Về công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 tiếp tục được tăng cường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, kiểm toán nhiều dự án lãng phí, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá rằng, việc phát hiện than nhũng qua công tác tự thanh tra, kiểm tra nhiều năm vẫn là khâu rất yếu; Việc kiến nghị xử lý hình sự còn ít trong khi tình hình tham nhũng được Chính phủ đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng. Vẫn có trường hợp qua thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhưng chậm chuyển sang cơ quan điều tra…
Ủy ban Tư pháp cũng đồng tình với các kiến nghị của Chính phủ tại Báo cáo và đề nghị: Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là cá nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt; Chỉnh phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng…
Cũng tại phiên họp sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe báo cáo công tác năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo công tác năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2017./.
Ngọc Bích