Tọa đàm Nợ xấu và sở hữu chéo tại các Tổ chức tín dụng và vai trò của KTNN

19/09/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 18/9/2017, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII phối hợp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) tổ chức “Tọa đàm Nợ xấu và sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn hiện nay và vai trò của Kiểm toán nhà nước (KTNN)”. Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phạm Thanh Sơn và Phó Giám đốc Trường Nguyễn Đình Hòa chủ trì Tọa đàm, tham dự có 54 đại biểu là công chức, viên chức, Kiểm toán viên tại các đơn vị trực thuộc KTNN.
 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

 
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Phó giám đốc Trường cho rằng: Nợ xấu và sở hữu chéo không chỉ là vấn đề quan trọng của riêng các TCTD mà còn là nguyên nhân gây cản trở hoạt động của nền kinh tế. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của KTNN trong việc đánh giá hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng và kiểm soát, xử lý nợ xấu, KTNN đã tổ chức buổi Tọa đàm để các Kiểm toán viên nhà nước trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, từ đó đi đến thống nhất chung trong toàn Ngành về kiểm toán đối với vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại (NHTM).
 
Tại Tọa đàm, các đại biểu đến từ Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và KTNN chuyên ngành VII đã trình bày 5 tham luận với nhiều nội dung phong phú: Vai trò của KTNN trong kiểm soát hoạt động tín dụng và đánh giá tình hình nợ xấu, sở hữu chéo của các NHTM; Một số giải pháp trong xử lý nợ xấu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; Thực trạng nợ xấu và sở hữu chéo tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và các kiến nghị qua cuộc kiểm toán năm 2017; Vai trò của Ngân hàng nhà nước Việt Nam trong công tác quản lý nợ xấu và sở hữu chéo tại các TCTD; Thực trạng nợ xấu của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các khuyến nghị của KTNN…
 
         
Phó Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VII Vũ Văn Cường trao đổi tại Tọa đàm
 
Các tham luận tập trung làm rõ những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong điều hành nền kinh tế, đặc biệt là nhiều biện pháp xử lý nợ xấu, thể hiện rõ trong việc ban hành Đề án Tái cơ cấu hệ thống TCTD giai đoạn 2011-2015; Đề án Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và Đề án Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước…
 
Một trong những nội dung kiểm toán được xác định là trọng tâm kiểm toán của KTNN những năm gần đây là kiểm toán hoạt động tín dụng, đánh giá tình hình nợ xấu và vấn đề sở hữu chéo tại các NHTM. Nội dung này được thực hiện kiểm toán tại Ngân hàng nhà nước và các NHTM. Thông qua các BCKT đã phát hành đã chỉ rõ tỷ lệ nợ xấu của các TCTD còn cao, còn nhiều bất cập trong công tác xử lý nợ xấu, sở hữu chéo của các ngân hàng.
 
Cũng theo ý kiến tham luận của đại diện KTNN chuyên ngành VII, trong suốt giai đoạn 2011-2015, các cuộc kiểm toán tại các NHTM của KTNN CN VII đã chỉ ra thực trạng, xu hướng của các NHTM gồm: Gia tăng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng; Giảm tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu; Rủi ro thanh khoản, kỳ hạn, rủi ro đổ vỡ hệ thống ngân hàng do có thể không kiểm soát nợ xấu …. Kết quả kiểm toán nhiều năm qua đã điều chỉnh số liệu chủ yếu tăng trích lập dự phòng rủi ro, giảm lãi dự thu và giảm lợi nhuận, đồng thời đánh giá tính tuân thủ qui định, qui chế tín dụng, an toàn tại các NHTM, đặc biệt quan tâm kiến nghị yêu cầu NHTM làm rõ trách nhiệm cá nhân tập thể có vi phạm tín dụng.
 
Mặt khác, trong 03 năm liên tiếp, KTNN thực hiện kiểm toán 03 cuộc kiểm toán việc thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015” tại nhiều NHTM, tập trung vào các vấn đề lớn về các biện pháp xử lý vốn sở hữu chéo lẫn nhau tại các Ngân hàng và xử lý nợ xấu. Theo các kiến nghị của KTNN, các NHTM dần dần giảm tỷ lệ sở hữu tại các TCTD dưới mọi hình thức và mức vốn đầu tư ngoài ngành theo qui định tại TT36/NHNN, tăng mức an toàn vốn và thanh khoản theo lộ trình Basel II. Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đã đưa ra những kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước và các ngân hàng thương mại, nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động tín dụng, hạn chế tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo của các TCTD.
 
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Phạm Thanh Sơn khẳng định: “Với tinh thần làm việc khẩn trương, khoa học, Tọa đàm đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Các tham luận cũng như ý kiến phát biểu tại Tọa đàm là cơ sở để KTNN tham khảo trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu thời gian tới”. Kiểm toán trưởng Phạm Thanh Sơn mong muốn sẽ tiếp tục nhận được ý kiến tham gia của các đại biểu gửi về KTNN chuyên ngành VII để đơn vị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những vấn đề có liên quan, phục vụ tốt nhất cho các cuộc kiểm toán đánh giá tình hình nợ xấu và vấn đề sở hữu chéo tại các TCTD./.
 
D.Thúy

Xem thêm »