Ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước khi cổ phần hóa: Hoàn thiện các phương pháp định giá doanh nghiệp

01/09/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Bất cập trong việc áp dụng các phương pháp định giá doanh nghiệp khi cổ phần hóa (CPH) được các chuyên gia đánh giá là một trong những nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước.
 

Cần có hướng dẫn định giá đối với tài sản đặc thù, ví dụ giá trị vốn góp của doanh nghiệp CPH vào CTCP đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom) mà không có giao dịch là tài sản

 
Định giá theo phương pháp tài sản và dòng tiền chiết khấu
 
Theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp để CPH mà DN có thể sử dụng gồm: Phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu và các phương pháp khác. Nhưng dù sử dụng phương pháp nào thì giá trị doanh nghiệp được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp được xác định theo phương pháp tài sản.
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi phương pháp định giá có những ưu và nhược điểm riêng. Phương pháp xác định giá trị theo tài sản có ưu điểm là tính toán đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu với các doanh nghiệp; phản ánh trực quan giá trị tài sản của doanh nghiệp theo giá hiện hành tại thời điểm đánh giá. Phương pháp này cho thấy số tiền đầu tư vào doanh nghiệp luôn được đảm bảo bằng một lượng tài sản có thực chứ không phải bằng những giá trị có thể thu được. Tuy nhiên có khá nhiều nhược điểm: Khó đạt được tính chính xác bởi việc xác định được giá trị thực tế của các tài sản là khó khăn, trong quá trình tính toán đã không tính đến thời gian, các chi phí và thuế phải trả khi thanh lý tài sản; Chỉ dựa trên cơ sở tính toán đến giá trị doanh nghiệp ở trạng thái tĩnh, mà chưa hề tính đến khả năng kết hợp của các tài sản này để tạo ra khả năng sinh lợi trong tương lai, chưa tính đến tiềm năng phát triển và mức độ rủi ro của doanh nghiệp; Bỏ qua phần lớn giá trị các tài sản vô hình chưa được đánh giá trong giá trị tài sản của doanh nghiệp…
 
Phương pháp dòng tiền chiết khấu có ưu điểm cho thấy toàn bộ dòng thu nhập của doanh nghiệp từ việc sử dụng tài sản không kể tài sản đó được hình thành từ nguồn vốn nào; Làm tăng giá trị doanh nghiệp khi định giá do dòng thu nhập được tăng lên đáng kể; phù hợp với những doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính cao hoặc đang trong quá trình thay đổi đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này khá phức tạp do: Tỷ suất chiết khấu có vai trò rất lớn trong công thức, và việc chọn sai tỷ suất chiết khấu sẽ mang lại độ sai lệch rất lớn về giá trị của doanh nghiệp; Ước lượng dòng tiền trong tương lai là vấn đề rất phức tạp. Phương pháp này cũng rất nhạy cảm với những giả định về tỷ lệ tăng trưởng qua các năm cũng như khoản chi đầu tư so với khấu hao.
 
Thực tiễn áp dụng các phương pháp định giá tại sản khi CPH
 
Thực tế cổ phần hóa DNNN tại Việt Nam hiện nay cho thấy hầu hết các đơn vị tư vấn khi tư vấn định giá DNNN khi CPH thường áp dụng phương pháp tài sản là chủ yếu mà không áp dụng các phương pháp khác.
 
Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuấn, ngoài lý do khách quan do phương pháp tài sản là phương pháp dễ làm hơn, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn và pháp luật cũng chưa có quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp phải lựa chọn 01 phương pháp chủ đạo và lựa chọn phương pháp khác để kiểm chứng. Lý do chủ quan là năng lực, trình độ của không ít thẩm định viên còn hạn chế trong việc áp dụng các phương pháp khác ngoài phương pháp tài sản. “Do đánh giá doanh nghiệp trong “trạng thái tĩnh”, nên nhiều trường hợp không phản ánh sát thực tế, bỏ qua giá trị vô hình không được hạch toán trên sổ sách dẫn đến giảm giá trị tài sản được đánh giá làm “méo mó” giá trị doanh nghiệp ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước”- ông Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.
 
Điều này đã được minh chứng qua kết quả kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp để CPH năm 2016 của KTNN. Qua kết quả kiểm toán của 07 đơn vị do KTNN công bố, KTNN đã xác định vốn Nhà nước tăng thêm tại 06 doanh nghiệp theo phương pháp tài sản là trên 5.000 tỷ đồng. Nếu tổng hợp cả số liệu của 02 đơn vị đủ điều kiện định giá theo phương pháp dòng tiền chiết khấu thì giá trị vốn Nhà nước tại 06 doanh nghiệp đó tăng lên đến gần 16.000 tỷ đồng.
 
Đồng quan điểm này, PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú - Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế cũng cho rằng hoạt động định giá các DNNN sử dụng hầu hết là phương pháp tài sản và thường nghiêng về tính giá trị trên sổ sách. Tuy nhiên do thiếu thông tin về thị trường để xác định giá trị còn lại của nhà xưởng, máy móc, chưa có tiêu chuẩn cụ thể để định giá thương hiệu, uy tín, mẫu mã của doanh nghiệp nên chưa tính hết được giá trị tiềm năng của doanh nghiệp.
 
PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú lý giải việc phương pháp dòng tiền chiết khấu tuy ưu việt hơn lại chưa được áp dụng rộng rãi, một phần do tính phức tạp của phương pháp, một phần do tâm lý doanh nghiệp không muốn giá trị được đánh giá quá cao sẽ khó bán cổ phần, bất lợi trong việc phân chia cổ phần ưu đãi trong nội bộ doanh nghiệp. Thêm vào đó, công tác định giá doanh nghiệp mang tính chất khoán trắng, thiếu sự kiểm tra kiểm soát nên đã dẫn đến hiện tượng giá trị doanh nghiệp được định chưa sát với thị trường.
 
Lý giải về nguyên nhân sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu trong thực tế còn không ít khó khăn, Phó Kiểm toán trưởng, KTNN CN V Lưu Trường Kháng cho rằng, phương pháp này luôn phải sử dụng thị trường chứng khoán hoặc các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán làm chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay số lượng công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa nhiều, nhiều ngành có số lượng công ty đại diện ít, dữ liệu lịch sử về giá ngắn, thông tin về các công ty niêm yết chưa được cập nhật thường xuyên và chưa đầy đủ, cho nên khó phản ánh được đúng mức độ rủi ro của cả thị trường, của từng ngành cũng như của từng công ty. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu thống kê ngành của Việt Nam chưa hoàn thiện, việc xác định các chỉ số bình quân của từng ngành là vấn đề không dễ dàng, mà thiếu những chỉ số này sẽ khó cho việc xác định tỷ lệ chiết khấu thích hợp để sử dụng cho phương pháp dòng tiền chiết khấu.
 
TS Trần Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, phương pháp dòng tiền chiết khấu chỉ áp dụng với các doanh nghiệp thống kê được các chỉ tiêu tài chính trong thời gian hoạt động trước khi xác định giá trị doanh nghiệp tối thiểu là 05 năm và có kế hoạch sản xuất kinh doanh trong 05 năm sau CPH, có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn nhà nước bình quân 05 năm liền kề trước khi xác định giá trị doanh nghiệp CPH cao hơn lãi suất của trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 05 năm được phát hành tại thời điểm gần nhất với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp nên trong một số trường hợp còn mang tính chủ quan (phụ thuộc vào thông số thống kê đầu vào) dẫn đến kết quả chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp.
 
Hoàn thiện các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp
 
Theo các chuyên gia, điều quan trọng trước tiên là cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung sửa đổi những nội dung về xác định giá trị doanh nghiệp tại Nghị định số 59/2011/CĐ-CP, Thông tư số 127/2014/TT-BTC; Phương pháp xác định giá đất tại Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT Quy định và hướng dẫn cụ thể các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích việc sử dụng kết hợp nhiều cách tiếp cận, nhiều phương pháp khác nhau để xác định giá trị doanh nghiệp; Hoàn thiện các phương pháp định giá và bổ sung hướng dẫn định giá đối với một số tài sản đặc thù.
 
Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Ngọc Tuấn, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh 02 phương pháp định giá tài sản DN theo hướng: Đối với phương pháp tài sản, khi đánh giá lại giá trị thị trường của tài sản cần tùy theo từng loại tài sản, điều kiện sử dụng tài sản, thời hạn sử dụng tài sản, chất lượng giá trị sử dụng tài sản gắn với diễn biến cung cầu, giá cả thị trường mà cho phép mở rộng áp dụng các phương pháp phù hợp bảo đảm nguyên tắc cao nhất là theo nguyên tắc thị trường (nhất là các loại tài sản đặc biệt, đặc thù…). Khi xác định giá trị của tài sản vô hình phải tính đúng, tính đủ toàn bộ tài sản vô hình của doanh nghiệp trong đó có cả những tài sản vô hình chưa được thể hiện trên sổ sách. Thay thế quy định tính toán giá trị lợi thế kinh doanh hiện nay bằng phương pháp định lượng lợi thế thương mại và phương pháp khác phù hợp. Hướng dẫn tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp (trường hợp thuê đất). Đối với phương pháp dòng tiền chiết khấu, khi quy định ước tính dòng tiền tương lai cần phải căn cứ vào kế hoạch và chiến lược kinh doanh sắp tới; thời hạn ước tính dòng tiền tương lai cần tăng hơn so với quy định 3-5 năm hiện nay. Chỉ nên sử dụng dòng tiền quá khứ như một nguồn dữ liệu quan trọng tham khảo khi phân tích giá trị doanh nghiệp.
 
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng cần có cơ chế khuyến khích việc sử dụng kết hợp nhiều cách tiếp cận với nhiều phương pháp xác định giá khác nhau để xác định giá trị doanh nghiệp. Cần thiết quy định khi xác định giá trị doanh nghiệp phải áp dụng ít nhất 02 phương pháp - một phương pháp chính và một phương pháp có tính chất kiểm tra, đối chiếu. Trong số ít nhất 02 phương pháp áp dụng bắt buộc phải áp dụng phương pháp tài sản, coi kết quả xác định giá từ phương pháp này như là giá doanh nghiệp tối thiểu (giá sàn).Khi đề ra cơ chế này cần hướng dẫn kỹ việc lựa chọn mức giá chuẩn khi kết quả xác định giá từ các phương pháp khác nhau đưa lại mức giá doanh nghiệp khác nhau.
 
Theo ông Lưu Trường Kháng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V, cần quy định bổ sung các phương pháp định giá phù hợp với thông lệ quốc tế như: So sánh với các giao dịch tương tự; phương pháp vốn hoá thu nhập; phương pháp định lượng Googwill. Trong đó phương pháp tài sản là phương pháp cơ sở để so sánh nhằm xác định chính xác giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa. Hơn thế nữa, cần thiết lập hệ thống báo cáo bắt buộc và lưu trữ cơ sở dữ liệu về báo cáo và phương pháp định giá áp dụng cho công ty đã định giá, các cơ sở dữ liệu này sẽ là tài liệu quan trọng trong việc tổng hợp và phân tích để đưa ra các tỷ lệ chiết khấu, giả thiết và giả định của phương pháp chiết khấu theo dòng tiền, giải quyết được những khó khăn hiện thời trong việc áp dụng phương pháp chiết khấu theo dòng tiền hiện nay.
 
Về vấn đề này, theo ý kiến của ông Brian McEnery, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh toàn cầu, cần tiến hành một số phương pháp định giá để cân nhắc giá bán phù hợp nhất. Trong đó bao gồm việc cân nhắc các chi phí cơ hội của CPH DNNN. Cần lưu ý các phương pháp định giá được sử dụng cần phải cân nhắc nhiều kỹ thuật để đạt được sự định giá chính xác về doanh nghiệp cũng như đánh giá việc CPH DN đúng với giá trị của nó. Quy trình định giá cũng cần xác định giá bán thấp nhất có thể chấp nhận được để tiếp tục việc CPH DN. Việc định giá cần được thực hiện độc lập với quan điểm của cả người mua tiềm năng và của cơ quan quản lý tài sản hiện tại. Việc định giá độc lập nên bao gồm tất cả mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Việc định giá này cần được cập nhật khi các điều khoản hợp đồng CPH DN thay đổi.
 
PGS.TS. Trần Thị Thanh Tú nêu một số khuyến nghị: Cần có một hệ thống các phương pháp định giá chuẩn, được pháp luật công nhận và cho phép áp dụng cho Việt Nam. Nhà nước cần ban hành các quy định về định giá doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn việc định giá tài sản cũng như định giá doanh nghiệp. Đặc biệt, cần phải rà soát lại quy trình định giá của các doanh nghiệp và các phương pháp tiến hành định giá. Ngoài việc coi tài sản hữu hình là quan trọng trong định giá doanh nghiệp thì cần phải đặc biệt chú trọng tới tài sản vô hình và giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để khắc phục khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp định giá.
 
Mặt khác, cần tăng cường công tác quản lý đối với các tổ chức tư vấn độc lập (định giá), đồng thời các tổ chức tư vấn trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Bà Trần Thị Thanh Tú gợi ý, các tổ chức tư vấn trong nước nên kết hợp với tổ chức tư vấn nước ngoài để nâng cao trình độ để có thể tham gia tư vấn các doanh nghiệp phức tạp. Ngoài ra, các tổ chức tư vấn định giá phải tập trung đào tạo bồi dưỡng một đội ngũ chuyên gia lành nghề chuyên về đánh giá, tạo tiền đề cho việc hình thành các tổ chức định giá độc lập, thích ứng với nền kinh tế thị trường. Mặt khác, về phía nhà nước, phải tăng cường công tác lựa chọn, quản lý, giám sát hoạt động tư vấn và xác định giá trị doanh nghiệp cũng như các tiêu chuẩn đánh giá năng lực của tổ chức định giá, nhằm đảm bảo công ty tư vấn lựa chọn có chất lượng, nâng cao lòng tin của doanh nghiệp và bảo đảm tính an toàn của thị trường.
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, theo dự thảo Nghị định quy định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần đang được Bộ Tài chính soạn thảo nhằm thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP sẽ sửa đổi, bổ sung sung một số quy định liên quan đến xác định giá trị DNNN khi CPH. Theo đó, dự thảo cho phép các tổ chức tư vấn định giá chủ động áp dụng các phương pháp định giá tiên tiến phù hợp với cơ chế thị trường. Dự thảo quy định tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp được lựa chọn các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp thích hợp để xác định giá trị doanh nghiệp và đảm bảo mỗi DN CPH phải được áp dụng tối thiểu hai phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định. Dự thảo cũng hướng dẫn cụ thể việc áp dụng phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, bỏ nội dung hướng dẫn phương pháp dòng tiền chiết khấu.
 
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung hướng dẫn định giá đối với một số tài sản đặc thù như: Cổ phiếu DN CPH nhận được mà không phải trả tiền; Tài sản hình thành theo hợp đồng BOT; Tài sản là hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (không bao gồm quyền sử dụng đất thuê) mà doanh nghiệp đã đầu tư và đã ký hợp đồng cho thuê lại, đã xác định đơn giá thuê trong hợp đồng và thu tiền ngay một lần cho toàn bộ thời gian của dự án; Giá trị vốn góp của DN CPH vào công ty cổ phần đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom) mà không có giao dịch; Xác định phần vốn góp của DN CPH tại các công ty con ở nước ngoài; Định giá tài sản vô hình …/.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »