KTNN khai giảng lớp bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế

22/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN năm 2017, sáng 22/8/2017, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Trường) của Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức khai giảng trực tuyến lớp bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho 106 công chức, viên chức, kiểm toán viên của các đơn vị trực thuộc KTNN. PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Phó Giám đốc Trường dự và phát biểu khai giảng lớp học.

Toàn cảnh lớp học

 
TS Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương là Báo cáo viên lớp học.
 
Theo kế hoạch, lớp học sẽ diễn ra trong 02 ngày, từ ngày 22 – 23/8/2017, trang bị cho học viên các kiến thức về lý luận và thực tiễn tiến trình hội nhập của Việt Nam; Bài học trong quá trình hội nhập; Những nội dung, đặc trưng cơ bản của Việt Nam hiện nay trong quá trình hội nhập; Cách thức để phát triển một cách hiệu quả trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế…
 
Phát biểu khai giảng lớp học, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Phó Giám đốc Trường khẳng định hội nhập kinh tế quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu, quá trình hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn dưới sự tác động của nhiều nhân tố, trong đó kinh tế thị trường và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Hội nhập quốc tế đã, đang là một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.
 
Phát biểu tại lớp học, TS Võ Trí Thành cho biết: Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân. Mặt khác, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; Quảng bá hình ảnh Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; Tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; Góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
 
Đến nay, Việt Nam đang là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng như: Tổ chức Liên Hợp quốc (UN), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC)... Quá trình hội nhập của Việt Nam có cả ở các cấp độ, phạm vi từ khu vực (ASEAN) đến liên khu vực (APEC, ASEM) và tới toàn cầu (UN, WTO)... Với cương vị là thành viên hoặc gánh vác những trọng trách lớn hơn: Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Chủ tịch ASEAN-2010, Tổng Thư ký ASEAN (2013-2017), Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc (2014-2016)... Việt Nam đã thể hiện được trách nhiệm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao.
 
Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế mở ra một không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, tranh thủ được môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế - xã hội; giúp Việt Nam thu hút hiệu quả cả ba nguồn lực quốc tế lớn là: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn kiều hối. Tham gia hội nhập quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, không ngừng tăng trưởng cả về quy mô và tốc độ. Xuất nhập khẩu của Việt Nam đã trở thành động lực chính, quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. thông qua hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã tiếp thu được khoa học, công nghệ mới và cách quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
 
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam những năm tới ngày một sâu rộng hơn, không chỉ có những thời cơ, thuận lợi mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Vì vậy, Việt Nam cần coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả tiềm năng của toàn xã hội, của các tầng lớp nhân dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bao gồm cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài; Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; Hội nhập kinh tế là trọng tâm; Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh; Kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc; Chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu; Không tham gia vào các tập hợp lực lượng, các liên minh của bên này chống bên kia. Nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; Chủ động đề xuất sáng kiến, cơ chế hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; Củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
 
Để lớp học đảm bảo mục tiêu đào tạo đã đề ra, ông Nguyễn Đình Hòa đề nghị Ban quản lý lớp học, các học viên phối hợp tổ chức học tập một cách hiệu quả và thiết thực nhất. Kết thúc lớp học, các học viên hiểu được những vấn đề có tính chất lý luận cũng như những thực tiễn của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế, có được cái nhìn toàn diện về những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam./.
 
M. Thúy

Xem thêm »