Hội nghị tập huấn công tác chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí

11/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 10/8/2017, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn công tác chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí.

Toàn cảnh Hội nghị

 
Đại diện lãnh đạo một số cơ quan chủ quản báo chí Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo các tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác tham mưu, chỉ đạo, quản lý báo chí thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tham dự Hội nghị. Kiểm toán nhà nước đã tham dự Hội nghị.
 
Trong thời gian 01 ngày, buổi sáng, Hội nghị đã nghe Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương quán triệt về “Một số vấn đề cần quan tâm trong công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí”; Lãnh đạo một số cơ quan chỉ đạo, chủ quản báo chí trao đổi về công tác chỉ đạo, chủ quản báo chí hiện nay. Buổi chiều, Hội nghị nghe Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông quán triệt về “Những vấn đề cần quan tâm trong công tác phối hợp quản lý cơ quan báo chí trực thuộc”; các đại biểu trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan công tác chủ quản báo chí. 
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Công tác báo chí là một bộ phận quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng, Nhà nước. Báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, vì vậy mỗi cán bộ báo chí chính là một chiến sĩ cách mạng. “Phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng chính trị, thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan tuyên truyền của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội… vừa là diễn đàn của nhân dân. Góp phần quan trọng vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và sự nghiệp đổi mới, là cầu nối Việt Nam với bạn bè quốc tế. Nhưng hiện một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị. Một số cơ quan báo chí có vị trí quan trọng nhưng chậm đổi mới; tình trạng sai sót, thiếu chuẩn xác trong thông tin và khuynh hướng thương mại hóa còn diễn ra. Gần đây còn xuất hiện tình trạng có cơ quan báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng” – Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết.
 
Tại Hội nghị, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổng hợp một số văn bản quan trọng của Đảng về chỉ đạo, định hướng thông tin, cụ thể: Quyết định 75/QĐ/TW của Ban Bí thư khóa X về việc ban hành “Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ Lãnh đạo cơ quan báo chí” – Quy chế 75; Quyết định số 155-QĐ/TW của Ban Bí thư ban hành “Quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí” (Quy định 55); Quyết định 157-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương ban hành “Quy định về chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí” (Quy định 157); Chỉ thị số 30 – CT/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet” (Chỉ thị số 30); Quy định 65-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền phòng chống tham nhũng” (Quy định 65).
 
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã quán triệt cụ thể về Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 5/4/2016; về tình hình hoạt động báo chí hiện nay; về công tác chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí trực thuộc; về công tác phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với cơ quan chủ quản báo chí trong việc chỉ đạo, quản lý cơ quan báo chí trực thuộc; đề xuất, kiến nghị để nâng cao sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí.
 
Hội nghị tạo điều kiện để các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố... nắm được những nội dung cơ bản về chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chủ quản báo chí, qua đó nâng cao nhận thức, năng lực tham mưu, xử lý tình huống trong công tác chỉ đạo, định hướng thông tin và quản lý cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách.  Bên cạnh đó, giúp các lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí mới nhận nhiệm vụ nắm bắt nội dung một số văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng về báo chí; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm công tác quản lý báo chí, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí thời gian tới./.
 
Nhật Quang
 
Hiện cả nước có 832 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 86 báo Trung ương, 107 báo địa phương, 693 tạp chí, 150 cơ quan báo điện tử đã được cấp phép, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Cả nước có trên 18.000 nhà báo được cấp thẻ và khoảng trên 5.000 phóng viên đang làm việc tại các cơ quan báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ. Số người làm việc trong  lĩnh vực báo chí khoảng trên 35.000 người. 

Xem thêm »