Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

13/06/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 12/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu làm việc tại hội trường thảo luận về dự thảo Nghị quyết Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

 

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc xử lý nợ xấu thời gian qua gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao do vướng mắc về pháp lý, có những vấn đề pháp luật chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa đủ mạnh để giải quyết nợ xấu. Khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nghị quyết được ban hành để thí điểm các chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Do đó, việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là có cơ sở pháp lý, bảo đảm tính hợp hiến.

Báo cáo cũng cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về nguyên tắc xử lý nợ xấu, theo đó, bên cạnh nguyên tắc đảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, Dự thảo Nghị quyết đã bổ sung nguyên tắc không sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước cho xử lý nợ xấu.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Các đại biểu đánh giá, nợ xấu là vấn đề nhức nhối của nền kinh tế. Mặc dù ngành ngân hàng trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, song do thiếu những cơ chế cần thiết của chính sách pháp luật nên vẫn chưa thể xử lý được dứt điểm, sau nhiều năm tích tụ lại thành khối lượng nợ xấu rất lớn. Chính vì vậy, trong điều kiện hiện nay, để có căn cứ pháp lý đủ mạnh, các đại biểu đồng tình với việc ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu và kỳ vọng Nghị quyết này sẽ tạo điều kiện để tháo gỡ một cách căn bản vướng mắc, khó khăn liên quan đến xử lý nợ xấu.

Đối với khái niệm nợ xấu, nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu hoặc đưa vào Phụ lục mà không ủy quyền cho ngân hàng Nhà nước xác định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý khoản 1 Điều 4 và bổ sung Phụ lục về xác định nợ xấu đính kèm Nghị quyết để bảo đảm rõ ràng, minh bạch; bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục này theo đề nghị của Chính phủ. 

Cho rằng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu là cách làm thí điểm nên nhiều đại biểu đồng tình với phương án chỉ cho phép xử lý nợ xấu tính đến thời điểm 31/12/2016 tránh việc lợi dụng biến nợ thường thành nợ xấu. Tuy nhiên cũng có không ít đại biểu bày tỏ chưa đồng thuận với quan điểm này. Một số đại biểu đề nghị cho phép xử lý các khoản nợ phát sinh trong thời hạn thực hiện của Nghị quyết để bảo đảm đồng bộ trong việc thực hiện chính sách xử lý nợ xấu. 

Đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn Hải Phòng) cho rằng, thực tế phát sinh nợ cùng thời điểm trước ngày 31/12/2016 nhưng tùy theo thời hạn cho vay mà phân loại nợ xấu khác nhau, có thể là nợ xấu trước hoặc sau ngày 31/12/2016. Ngoài ra, nợ xấu là phần tất yếu trong hoạt động tín dụng thì nợ phát sinh sau ngày 31/12/2016, thậm chí phát sinh sau khi Nghị quyết có hiệu lực cũng trở thành nợ xấu. Đại biểu Mai Hồng Hải đề nghị dự thảo Nghị quyết nên quy định theo hướng xử lý các khoản nợ xấu trong thời hạn của Nghị quyết mà không phân biệt phát sinh khi nào, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý tối đa nợ xấu.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, cùng một nhà nước, cùng một loại nợ xấu, chính sách pháp luật để xử lý nợ xấu lại khác nhau là không phù hợp. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ, đã là nợ xấu thì nợ trước hay sau 31/12/2016 đều là nợ xấu. Nếu nợ xấu sau 2016 không được xử lý thì xử lý theo quy định nào.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) nhất trí với đề xuất phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết nên áp dụng cho các khoản nợ xấu hiện tại, các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian hiệu lực của Nghị quyết và áp dụng cho tất cả các tổ chức tín dụng. Thời hạn hiệu lực 5 năm là phù hợp để Nghị quyết có đủ thời gian phát huy tác dụng trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo đại biểu Cao Đình Thưởng, bên cạnh những tác động mà Nghị quyết đem lại, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri vẫn băn khoăn, lo lắng về việc ban hành Nghị quyết này liệu có hay không việc vô tình làm cho một số người có trách nhiệm gây ra nợ xấu được vô can, miễn tội. 

Đối với nội dung về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) và đại biểu Quốc hội Lê Thị Thủy (đoàn Hải Dương) đánh giá quy định "việc thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại điều này chỉ thực hiện đối với tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không đang bị kê biên trong vụ án hình sự" tại dự thảo là hoàn toàn phù hợp. Việc xác định phạm vi tranh chấp sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thủy đề nghị bổ sung rõ, việc thu giữ tài sản chỉ tương ứng với các khoản vay cả gốc và lãi. Bởi vì, quá trình cho vay thì tài sản đảm bảo đó có thể lớn hơn, có thể bằng hoặc thấp hơn, nhưng trong nguyên tắc thì việc thu giữ tài sản chỉ tương ứng với các khoản vay cả gốc và lãi, còn lại các tài sản đảm bảo xử lý không có tranh chấp còn nếu có tranh chấp thì thực hiện qua tòa án và thực hiện theo thủ tục rút gọn để không ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp thu giữ tài sản bảo đảm, nếu có tranh chấp, liên quan tố tụng thì thực hiện qua Tòa án và cần làm rõ phạm vi tranh chấp trong dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân; công khai minh bạch thông tin về thu giữ tài sản, kéo dài thời gian thông báo về việc thu giữ, quy định phù hợp về thẩm quyền của UBND và Công an cấp xã.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phát biểu tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, với những biện pháp quyết liệt đã đưa ra cùng sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan sẽ phấn đấu đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra trong việc xử lý nợ xấu, cũng như việc kiểm soát nợ xấu. Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước chắc chắn rằng, với việc xử lý nợ xấu theo cơ chế cho phép của nghị quyết này thì chi phí tài chính giảm và chắc chắn lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ giảm. Như vậy, hệ số an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn của các tổ chức tín dụng được gia tăng, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Tại phiên làm việc chiều 12/6, Quốc hội đã biểu quyết điều chỉnh chương trình làm việc của kỳ họp với việc chưa thông qua dự thảo Luật Quy hoạch và chưa xem xét chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật quản lý ngoại thương với tỷ lệ tán thành trên 88%.

Hà Linh

Xem thêm »