TS. Hồ Đức Phớc - Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán.
Thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước, đã thành thông lệ, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015. Với vai trò phục vụ công tác giám sát của Quốc hội, KTNN luôn rất chú trọng đến chất lượng thông tin cung cấp tới Quốc hội và cử tri cả nước. Kính đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết công tác chuẩn bị tài liệu, thông tin, số liệu để báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp sắp tới đã được triển khai thực hiện chu đáo như thế nào?
KTNN luôn coi nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ngành. Vì vậy, chất lượng thông tin cung cấp tới Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn được lãnh đạo KTNN đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt xuyên suốt từ khâu lập Kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đến lập và phát hành Báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán, tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Quốc hội.
Năm 2017, báo cáo trình Quốc hội và cung cấp tới đại biểu Quốc hội được tổng hợp, chắt lọc từ các kết quả kiểm toán nổi bật của 276 Báo cáo kiểm toán tại 204 đơn vị được kiểm toán trong năm 2016 thuộc nhiều lĩnh vực và loại hình kiểm toán khác nhau, qua đó cung cấp bức tranh toàn cảnh về công tác quản lý, điều hành và sử dụng NSNN năm 2015 và các năm trước, sau có liên quan; đồng thời, phát hiện vấn đề yếu kém, sai phạm, các vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội về quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công thông qua hoạt động kiểm toán.
Với khối lượng công việc đồ sộ như trên, KTNN đã tổ chức một bộ máy chuyên trách làm công tác tổng hợp số liệu, kết quả kiểm toán ngay sau khi Báo cáo kiểm toán được chính thức phát hành. Toàn bộ các thông tin, số liệu trong các tài liệu cung cấp tới Quốc hội đều được tổng hợp đầy đủ, chính xác và có tham chiếu chi tiết tới đơn vị, đầu mối được kiểm toán, nêu rõ chủ thể chịu trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Bên cạnh việc cung cấp thông tin, số liệu phục vụ các phiên họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), KTNN đã chủ động lập Báo cáo tóm tắt Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015 để Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày trước Quốc hội. Ngoài ra, KTNN đã lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015 in thành sách gửi tới từng đại biểu Quốc hội trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV dự kiến khai mạc vào ngày 22/5 sắp tới.
Qua kết quả kiểm toán năm 2016 đối với niên độ 2015, nhiều hạn chế, sai phạm trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán đã được KTNN phát hiện, kiến nghị xử lý. Những sai phạm, hạn chế trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công thời gian qua tập trung ở những lĩnh vực nào, có diễn biến phức tạp ra sao, thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước?
Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015, KTNN kết luận Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 do Chính phủ lập được tổng hợp đầy đủ từ Báo cáo quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách T.Ư. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy công tác quản lý thu NSNN còn một số mặt hạn chế, như: số sai phạm KTNN phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 38.776 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 150 văn bản các loại; qua kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị DN cổ phần hóa tại 7 DN, KTNN đã xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước gần 21.000 tỷ đồng; kiểm toán 27 Dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án so với phương án tài chính ban đầu 107 năm...
Đối với các Bộ, ngành đã phát hiện, chỉ ra những hạn chế, như: Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) năm 2015 chưa sát với thực tế; tổng hợp dự toán thu NSNN do các địa phương lập chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng bình quân tối thiểu, còn thấp so với khả năng thực hiện, cũng như không đầy đủ, không bao quát hết nguồn thu trên địa bàn. Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu Thuế GTGT, Thuế Thu nhập DN và lợi nhuận còn lại phải nộp NSNN… vẫn diễn ra khá phổ biến tại các DN, đơn vị được kiểm toán. Nợ thuế do ngành thuế quản lý vẫn tiếp tục tăng qua các năm.
Trong quản lý chi NSNN, các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã lập, giao và chấp hành dự toán chi NSNN cơ bản đúng quy định; tình trạng sử dụng kinh phí NSNN chưa phù hợp với chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước từng bước được khắc phục… Tuy nhiên, dự toán chi vẫn lặp lại một số sai sót đã được phát hiện trong những năm trước về xây dựng và phân bổ kế hoạch vốn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số hội, câu lạc bộ không thuộc danh mục theo quy định của Chính phủ; xác định thiếu phần tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; bố trí dự toán các khoản chi không đúng quy định; phân bổ dự toán cho một số đơn vị nhưng không có nhiệm vụ chi cụ thể. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giao chi tiết kế hoạch vốn chậm và giao nhiều lần; trình phương án điều chỉnh và phương án phân bổ vốn nước ngoài bổ sung chậm; bố trí kế hoạch vốn cho dự án không theo thứ tự ưu tiên; bố trí cho nhiều dự án khởi công mới không đảm bảo điều kiện…
Về chấp hành dự toán chi NSNN, các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được KTNN phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án. Việc chấp hành quy định, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tại nhiều đơn vị được kiểm toán còn thiếu chặt chẽ. Một số Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương và đơn vị được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Tỷ trọng chi chuyển nguồn trên tổng chi NSNN năm 2015 sang năm 2016 tuy có giảm song tình trạng một số Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương chuyển nguồn một số khoản hết nhiệm vụ chi, chuyển nguồn qua nhiều năm nhưng không thực hiện vẫn tái diễn.
Trong công tác quản lý nợ công, Bộ Tài chính chưa lập kịp thời Báo cáo giám sát nợ, chưa lập Bản tin nợ công năm 2015; quản lý nợ công còn phân tán, thiếu đối chiếu, theo dõi; tổng hợp nợ công có thể chưa đầy đủ các khoản nợ chính phủ, nợ chính quyền địa phương.
Quá trình đầu tư, công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn trái phiếu chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia còn bộc lộ nhược điểm, sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân và DN. Bên cạnh đó việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá DN còn nhiều sai sót, hạn chế.
Đồng thời với việc chỉ rõ hạn chế, sai phạm, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị để khắc phục, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách. Xin Tổng Kiểm toán Nhà nước chia sẻ những nội dung đáng chú ý nhất từ kết quả kiểm toán năm vừa qua sẽ báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp tới?
Từ kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015, KTNN đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị của KTNN trong năm 2016 đối với niên độ ngân sách năm 2015 gần 38.776 tỷ đồng. KTNN cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo UBTVQH, Quốc hội về số vốn trái phiếu chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 chưa được giao kế hoạch và việc chuyển đổi nguồn vốn đầu tư đối với 5 dự án đường bộ cao tốc của Tổng công ty Đầu tư đường cao tốc Việt Nam. Đồng thời, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan T.Ư, địa phương và đơn vị được kiểm toán xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm nêu trong từng Báo cáo kiểm toán; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 150 văn bản không phù hợp với quy định chung của Nhà nước; kiến nghị về tái cơ cấu DNNN, cổ phần hóa DNNN, các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, xây dựng nông thôn mới…
Song song đó, KTNN đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015 với số liệu cụ thể về thu - chi cân đối NSNN, bội chi NSNN, cũng như ban hành nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN.
Từ kết quả kiểm toán năm 2016, xin Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết việc chỉ đạo, định hướng hoạt động của ngành năm 2017 có sự đổi mới ra sao, chú trọng vào những trọng tâm nào để phục vụ đắc lực hơn cho công tác giám sát của Quốc hội và thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ, chức năng của KTNN?
Năm 2017, KTNN xác định mục tiêu triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành toàn diện Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017, trong đó tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản thi hành Luật KTNN năm 2015; nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán trên cơ sở tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức trong sạch, chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả, có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ chuyên môn; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2017 trên tinh thần tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng kiểm toán một cách toàn diện trên cả 3 mặt năng lực, hiệu lực và hiệu quả, trong đó tập trung đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, xác nhận Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, NSNN năm 2016; công tác sử dụng quỹ lương năm 2016 của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đối với biên chế công chức, viên chức và người lao động; công tác quản lý nợ công, quản lý và sử dụng đất đô thị, khu kinh tế, đất tái định cư và đất nông, lâm trường, tài nguyên, khoáng sản; các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, sử dụng vốn ODA; tình hình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, đặc biệt là việc thực hiện các cuộc kiểm toán kết quả định giá và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi cổ phần hóa các DNNN... nhằm phục vụ tốt nhất việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Quốc hội.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2017, toàn Ngành đã và đang tổ chức triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp sau:
Một là, bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017 một cách khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan T.Ư, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là trong công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán.
Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán, Kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán theo hướng tiếp cận phương pháp kiểm toán tiên tiến của quốc tế là dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí.
Bốn là, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm, nâng cao chất lượng kiểm toán; tăng cường thanh tra, kiểm soát đột xuất hoạt động kiểm toán, tiến hành thưởng phạt nghiêm minh. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm soát hoạt động kiểm toán thông qua đổi mới phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, làm rõ cơ sở pháp lý của các kết luận, kiến nghị và số liệu kiểm toán xác nhận; chú trọng nâng cao tính khả thi của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; đổi mới kết cấu Báo cáo kiểm toán...
Trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!
Hồng Thoan thực hiện