(kiemtoannn.gov.vn)
- Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 9, sáng 20/4/2017, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp
Thừa ủy quyền của Chính phủ, trình bày báo cáo phương án phân bổ chi tiết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện Chính phủ đã phân khai hết tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua. Không có Bộ, ngành, địa phương nào có phương án phân bổ không đúng quy định, trong đó đã dành một lượng vốn lớn ưu tiên cho thanh toán nợ đọng, hoàn trả vốn ứng trước, bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, PPP...
Về phương án phân bổ chi tiết và giao kế hoạch đợt 1, Chính phủ đã triển khai tổng hợp, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn đợt 1 với tổng số vốn được giao trên 1.134,6 nghìn tỷ đồng, bằng 56,7% tổng mức vốn trung hạn được Quốc hội thông qua và bằng 65,2% tổng số vốn phân bổ chi tiết.
Tổng số vốn phân bổ chi tiết còn lại sau khi giao đợt 1 là trên 605 tỷ đồng.
Tổng số vốn kế hoạch trung hạn giao đợt 2 là trên 585 nghìn tỷ đồng.Trong phương án phân bổ chi tiết để giao đợt 2, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xử lý các tồn đọng như: Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Đầu tư tuyến đường ven biển; Phương án xử lý đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Số vốn còn lại chưa phân bổ là gần 20 nghìn tỷ đồng, gồm gần 11 nghìn tỷ đồng đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất do chưa xác định được số thu của từng Bộ, ngành trung ương và 9 nghìn tỷ đồng còn lại của Ngân hàng phát triển sau khi kiến nghị xử lý, để lại chưa giao.
Báo cáo thẩm tra về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng công tác phân bổ chi tiết vốn đầu tư công trung hạn đã đạt được kết quả tích cực. Kết quả rà soát vốn bố trí với tỷ lệ vốn đủ điều kiện giao đạt 56,72%, vốn chưa giao là 30,3% đã thể hiện sự sát sao, tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong quá trình rà soát trước khi hoàn thiện.
Về phần vốn dự kiến bố trí cho các dự án chưa hoàn thành thủ tục, một số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, phần vốn dự kiến bố trí cho các dự án chưa hoàn thành thủ tục không lớn, việc một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư xuất phát từ các yếu tố khách quan. Nếu điều chuyển phần vốn này vào nguồn dự phòng sẽ kéo dài quy trình, thủ tục, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Vì vậy, để một mặt vẫn thực hiện nghiêm quy định của Luật đầu tư công, mặt khác, để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cho phép gia hạn thời điểm các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thiện thủ tục theo quy định đến hết quý II/2017. Sau thời điểm này, nếu các Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thì sẽ điều chuyển toàn bộ phần vốn này vào nguồn dự phòng chung theo quy định.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn trung hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội; chỉ giao vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam sau khi Chính phủ quyết định Đề án tái cơ cấu của ngân hàng này.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao kết quả Chính phủ đã phân bổ đợt 1. Về phương án phân bổ đợt 2, UBTVQH thống nhất phương án phân bổ trên 344 nghìn tỷ đồng đối với dự án đủ điều kiện, trong đó dành trên 111 nghìn tỷ đồng cho các Bộ, ngành trung ương và trên 232 nghìn tỷ đồng cho các dự án ở các địa phương. UBTVQH yêu cầu Chính phủ phải rà lại 294 dự án bố trí không đủ vốn, các dự án thiếu vốn đối ứng, các dự án chưa rõ nguồn vốn như Ủy ban Tài chính- Ngân sách đã nêu. Đồng thời, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm giám sát, cắt giảm, điều chỉnh quy mô, phân kỳ đầu tư để có thể hoàn thành được các dự án này trong giai đoạn 2017-2020.
Đối với khoản chưa phân bổ, đang chờ thủ tục theo quy định của pháp luật, UBTVQH yêu cầu Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội về công trình trọng điểm quốc gia và lưu ý nguyên tắc, dự án trên 10.000 tỷ đồng mới được coi là dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Quốc hội chỉ dành khoản này cho các dự án công trình trọng điểm quốc gia.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại một số công trình cấp bách có tính liên vùng, hoặc công trình liên quan đến Nghị quyết của Quốc hội về việc dừng thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số và một số công trình khác… đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch./.
Ngọc Bích