Hệ thống 39 Chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước: Góp phần quan trọng vào việc lành mạnh nền kinh tế quốc gia

23/01/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Việc tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của Hệ thống 39 chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (CMKTNN) sẽ tăng chất lượng hoạt động kiểm toán. Từ đó sẽ góp phần minh bạch hóa, công khai, lành mạnh nền kinh tế, tài chính quốc gia, mặt khác, ngăn chặn, phát hiện sai sót, gian lận trong quản lý và sử dụng tài chính, nguồn lực của Nhà nước. Đây là chia sẻ của PGS, TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam khi trao đổi với báo giới.

PGS, TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam

PV: Ông đánh giá thế nào về Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và Kiểm soát chất lượng kiểm toán được đưa ra trong Hệ thống 39 CMKTNN vừa được KTNN ban hành mới đây?

Ông Đặng Văn Thanh: Có thể thấy, Hệ thống 39 CMKTNN được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các CMKT đã có, chắt lọc từ những hiểu biết và kết quả kiểm nghiệm thực tế hơn 20 năm hoạt động của KTNN Việt Nam. Điều đáng nói nữa là, hệ thống CMKTNN ban hành lần này đã tiếp thu có chọn lọc trên cơ sở cân nhắc các nội dung các CMKT của Tổ chức Quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI).

Hệ thống CMKTNN lần này về cơ bản là khá toàn diện, bao trùm các yêu cầu, các khâu và các công việc của hoạt động kiểm toán; đồng thời, đã tiệm cận dần và từng bước hài hòa với các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (ISSAI) do INTOSAI ban hành trong thời gian gần đây.

Tôi đánh giá cao việc ban hành riêng một chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp và một chuẩn mực về kiểm soát chất lượng kiểm toán. Đó là sự cần thiết xuất phát từ tính chất, yêu cầu của hoạt động KTNN. Điều này là để đảm bảo cho KTNN thực hiện tốt chức năng là công cụ  kiểm tra tài chính tối cao của Nhà nước; đồng thời cũng là cơ quan chuyên môn, hoạt động mang tính chuyên nghiệp, không chỉ hoạt động theo luật pháp mà còn phải tuân thủ các quy trình, phương pháp kiểm toán, các quy tắc ứng xử theo những chuẩn mực - đó là chuẩn mực kiểm toán. CMKTNN là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán và kiểm soát đạo đức nghề nghiệp, đạo đức hành nghề của kiểm toán viên nhà nước.
 
PV: Theo ông, Hệ thống 39 CMKTNN có ý nghĩa thế nào đối với yêu cầu đẩy mạnh tính minh bạch của nền kinh tế?

Ông Đặng Văn Thanh: Hệ thống CMKTNN thực chất là kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động kiểm toán. Đây là những quy định và hướng dẫn về yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán, mà kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán.

Vì vậy, tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của chuẩn mực kiểm toán sẽ đảm bảo và góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, nâng cao giá trị và tính hữu ích của các ý kiến kiểm toán, các báo cáo kiểm toán. Từ đó sẽ góp phần minh bạch hóa, công khai và làm lành mạnh nền kinh tế, tài chính quốc gia, ngăn chặn và phát hiện sai sót, gian lận trong quản lý và sử dụng tài chính, nguồn lực của Nhà nước.

PV: Từ góc nhìn của một hội nghề nghiệp, theo ông, đâu là điều kiện cần và đủ để Hệ thống 39 CMKTNN sớm đi vào và phát huy hiệu quả trong thực tiễn nền kinh tế đất nước?

Ông Đặng Văn Thanh: Theo tôi, để hệ thống CMKTNN sớm đi vào phát huy hiệu quả trong thực tiễn nền kinh tế đất nước thì còn có nhiều việc phải làm và làm một cách quyết liệt, đồng bộ.

Trước hết, cần thống nhất nhận thức về sự cần thiết phải thực hiện, về yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ đối với kiểm toán viên và các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động kiểm toán. Tiếp đó, cần tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ kiểm toán viên, đội ngũ những người làm công tác quản lý tài chính hiểu và nắm rõ các quy định mang tính nguyên tắc, kỹ thuật, quy trình, thủ tục, phương pháp hoạt động kiểm toán trong CMKTNN.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện và phát triển Hệ thống CMKTNN ở mức độ cao hơn. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và kế thừa các kiến thức nghề nghiệp của các ISSAI đi trước, nhất là các kỹ năng nghề nghiệp đã được đúc kết thành các chuẩn mực. Có thể nói, các hướng dẫn của INTOSAI là thực sự rất cần thiết đối với KTNN Việt Nam. Với tư cách là thành viên của INTOSAI từ tháng 7 năm 1996, KTNN Việt Nam sẽ hòa nhập vào sự phát triển chung của các ISSAI trên thế giới. Đây cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để Việt Nam chuẩn hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu và nội dung quan trọng nhất trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm soát việc tuân thủ CMKT, đặc biệt là kiểm soát các yếu tố đạo đức nghề nghiệp, việc thực hiện những quy tắc ứng xử và hoạt động nghề nghiệp của kiểm toán viên. Đó là việc kiểm soát tư cách nghề nghiệp, việc tuân thủ chuẩn mực chuyên môn, tính độc lập về chuyên môn, chính trực, khách quan, năng lực chuyên môn và tính thận trọng, tính bảo mật, độc lập.

Ngoài ra, cũng cần tăng cường vai trò và chất lượng hoạt động của tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong việc quảng bá, tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm soát việc tuân thủ CMKT. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là nơi hội tụ những người hành nghề kế toán và kiểm toán, cũng cần nâng cao chất lượng quản lý nghề nghiệp, đề cao vai trò của tổ chức nghề nghiệp trong việc kiểm soát chất lượng kiểm toán; tham gia phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về kế toán, kiểm toán, tăng cường hội nhập quốc tế.      

Hy vọng rằng, Hệ thống CMKTNN ban hành lần này sớm đi vào cuộc sống, được cuộc sống chấp nhận và góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, làm cho KTNN xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, đất nước.

Xem thêm »