Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án và thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14

21/12/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Chiều 21/12, tại Phòng họp Tân Trào- Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 5, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp, thảo luận, cho ý kiến về về Đề án và thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành chuẩn bị và tổ chức Đại hội Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) năm 2018. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp. Dự họp còn có Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, đại diện một số đơn vị chức năng của KTNN; đại diện Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp

Tại buổi họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo tóm tắt Tờ trình về việc cho ý kiến Đề án và thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14. Tờ trình nêu rõ: Ban Bí thư Trung ương Đảng và lãnh đạo Quốc hội đã đồng ý về chủ trương KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 năm 2018; Đại hội ASOSAI lần thứ 13 năm 2015 tại Malaysia đã thông qua việc KTNN Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14.
Đây là lần đầu tiên, KTNN Việt Nam đăng cai Đại hội ASOSAI 14, sự kiện chính trị-ngoại giao có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự trưởng thành và phát triển của KTNN trong nước, khu vực và trên thế giới. Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Việt Nam là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn nhất của ASOSAI và KTNN với sự tham gia của khoảng 350 đại biểu với 55-60 đoàn quốc tế từ 46 quốc gia và một số tổ chức quốc tế, đại diện cho các Cơ quan kiểm toán nhà nước tối cao trong khu vực châu Á với cấp Trưởng đoàn là Tổng KTNN (tương đương cấp Bộ trưởng), đặc biệt trong đó Tổng KTNN của Ủy ban kiểm toán In-đô-nê-xi-a tương đương cấp Tổng thống; Tổng KTNN của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc tương đương cấp Phó Thủ tướng; Tổng KTNN của Cơ quan kiểm toán quốc gia Cam-pu-chia tương đương cấp Bộ trưởng cao cấp.  
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo tóm tắt Tờ trình về việc cho ý kiến Đề án và thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14
 
Việc KTNN đăng cai Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 đồng nghĩa với việc KTNN sẽ trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 và là thành viên Ban điều hành ASOSAI trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp (09 năm) từ năm 2015 đến năm 2024. Đây có thể coi là cơ hội để KTNN khẳng định vị trí và vai trò của mình đối với các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế trên thế giới và trong khu vực, giúp KTNN chứng minh sự trưởng thành và phát triển, có thể đảm đương tốt các trách nhiệm quốc tế trong cộng đồng ASOSAI và các công việc liên quan đến hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; đồng thời, tạo được niềm tin của các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế đối với năng lực tổ chức các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, từ đó nâng tầm ảnh hưởng và vị thế đang ngày càng được khẳng định của KTNN Việt Nam trên trường quốc tế.   
 
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, KTNN dự kiến chủ đề thảo luận chuyên môn tại Đại hội ASOSAI 14 là "Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững". Chủ đề này đã được nhiều cơ quan kiểm toán (SAI) trong khu vực ủng hộ vì mang tính thời sự cao, xuất phát từ những vấn đề cấp thiết, thách thức mà thế giới, các nước khu vực và Việt Nam đang phải đối mặt. Chủ đề này cũng liên quan đến một trong những nhiệm vụ quan trọng thuộc chương trình nghị sự của Đại hội INTOSAI lần thứ 22 năm 2016 nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030. Theo đó, thông qua kiểm toán môi trường, cộng đồng ASOSAI nói chung và SAI ở mỗi quốc gia nói riêng đóng vai trò trọng yếu trong việc thực hiện 05 mục tiêu chính về phát triển bền vững liên quan đến vấn đề môi trường. Với chức năng được nhà nước và công chúng giao phó, SAI có trách nhiệm tư vấn cho các cơ quan chính phủ, quốc hội trong việc xây dựng các chiến lược, chính sách và công cụ để giảm thiểu các tác động môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
 
KTNN dự kiến tổ chức Đại hội ASOSAI 14 vào tháng 9/2018. Các sự kiện chính thức của Đại hội dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 19-22/9/2018. Ngoài ra, các cuộc họp cấp kỹ thuật, chuyên môn của các ủy ban, nhóm công tác và kỳ họp Ban điều hành 52 diễn ra 3 ngày trước đó. Địa điểm tổ chức Đại hội ASOSAI 14 (kỳ họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 50 tại Thái Lan tháng 2 năm 2016 cũng đã thống nhất) là Thủ đô Hà Nội.
 
KTNN đề xuất UBTVQH ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội ASOSAI 14 với thời gian, địa điểm và công tác chuẩn bị bộ máy tổ chức Đại hội như đề xuất của KTNN; ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành chuẩn bị và tổ chức Đại hội ASOSAI 14.
 
Toàn cảnh phiên họp
 
Tại phiên họp, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo Báo cáo về việc KTNN xin ý kiến đối với hồ sơ chuẩn bị tổ chức Đại hội ASOSAI 14. Báo cáo cho thấy, cơ bản các nội dung về việc tổ chức Đại hội ASOSAI 14 đều nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên Ủy ban Đối ngoại cũng như các Ủy ban khác của Quốc hội, Bộ Tài chính.
 
Trao đổi, thảo luận về các nội dung của Đề án, các thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất cho rằng: Việc tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 tại Việt Nam là sự kiện mang tầm quốc gia, vì thế các công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo, trọng thị, tiết kiệm và an toàn. Các ý kiến cũng đánh giá cao sự chủ động của KTNN trong việc xây dựng Đề án, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành cũng như xây dựng kịch bản tổng thể của Đại hội…Một số ý kiến cũng yêu cầu KTNN cần nghiên cứu làm rõ hơn về kinh phí tổ chức Đại hội, cũng như thành phần tham gia Ban chỉ đạo liên ngành, các tiểu ban nhằm đảm bảo tổ chức thành công Đại hội.
 
Sau nghi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận của các Ủy viên UBTVQH, phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, sự kiện nước ta đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 là một hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước là đang dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ ở nhiều cấp độ, lĩnh vực khác nhau và đây cũng là khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác phát triển ở khu vực châu Á.
 
Thời gian tới tổ chức Đại hội không còn nhiều, vì vậy yêu cầu đặt ra là phải có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản từ bây giờ; chuẩn bị từ chủ đề, các nội dung văn kiện; các văn bản liên quan; thực hiện công tác trao đổi với các nước để tạo sự đồng thuận; chuẩn bị cho công tác lễ tân, hậu cần, an ninh, an toàn… Bảo đảm cho Hội nghị được tổ chức trọng thị, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm và an toàn. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nêu nhiều ý kiến cụ thể liên quan đến thời gian, địa điểm, công tác lễ tân, hậu cần đối với Đề án và kịch bản tổng thể tổ chức ASOSAI 14./.
 
ASOSAI được thành lập năm 1979 với 11 thành viên, đến nay có 46 thành viên là các cơ quan kiểm toán tối cao. Mục tiêu hoạt động của ASOSAI là thúc đẩy hợp tác, hữu nghị giữa các Kiểm toán nhà nước (SAI) thành viên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán công; kết nối các SAI thành viên trong khu vực với các khu vực khác trên thế giới.
 
Đại hội ASOSAI được tổ chức 3 năm/lần; đối tượng chính thức tham dự Đại hội bao gồm các SAI thành viên; ngoài ra, tham dự Đại hội có đại diện của INTOSAI, các tổ chức kiểm toán khu vực của INTOSAI, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ (tổng số khoảng 60 đoàn đại biểu quốc tế). Nhiệm vụ chính của Đại hội ASOSAI là quyết định những vấn đề quan trọng, như bầu chọn Ban điều hành, phê chuẩn vị trí Chủ tịch và Tổng Thư ký nhiệm kỳ mới.
 
Phương Vân



Xem thêm »