(kiemtoannn.gov.vn)
- Ngày 7/9/2016, tại TP Vinh - Nghệ An, Bộ Tài chính và Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Quang chủ trì Hội thảo.Tham dự Hội thảo có đại diện cơ quan tài chính các tỉnh, thành và nhiều chuyên gia kinh tế trong nước. Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Kiểm toán nhà nước Lê Huy Trọng tham dự Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo dự thảo Tờ trình của Chính phủ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Qua hơn 7 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, sử dụng tài sản nước đã đạt được những kết quả quan trọng, hiệu quả sử dụng được nâng lên, tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước được khắc phục. Tuy nhiên, thực tế Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; đồng thời, cụ thể hóa phạm vi tài sản công theo điều 53 Hiến pháp 2013, quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công, tạo lập sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc ban hành Luật mới thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành là cần thiết.
Về tên gọi của Luật, để phù hợp với Hiến pháp 2013 và các văn bản Luật mới được ban hành, Chính phủ phủ trình Quốc hội cho đổi tên dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.
Dự thảo Luật có bố cục 10 Chương với 137 điều, gồm các nội dung cơ bản: Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công; Quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước; Quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính đất đai, tài nguyên thiên nhiên; Hệ thống thông tin về tài sản công và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; Dịch vụ về tài sản công.
Ngoài phần đánh giá tổng quan về Dự thảo Luật, thông qua 04 chủ đề được trình bày tại Hội thảo, các chuyêngia kinh tế đã góp ý và trình bày đánh giá về những nội dung quan trọng nhất của Dự thảo Luật: Chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; Chế độ quản lý, sử dụng tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước; Chế độ quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính đất đai, tài nguyên thiên nhiên.
Tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng dự thảo Luật nhìn chung đã khắc phục những bất cập và bao quát hơn so với Luật 2008, thể hiện tinh thần thể chế hóa các nội dung đã được hiến định trong Hiến pháp 2013. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần chỉnh sửa cho phù hợp hơn với thực tiễn như: Cần có những quy định rõ ràng và những chế tài chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đang đầu tư ở các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời thống nhất quan điểm trong quản lý, sử dụng tài sản của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Nguyễn Hữu Quang đánh giá cao các ý kiến góp ý tại Hội thảo và cho rằng đây là những góp ý hữu ích cho việc tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV năm 2017./.
Ngọc Bích