Một số điểm mới đáng lưu ý trong Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán nhà nước

01/09/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Triển khai Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, Kiểm toán nhà nước thực hiện xây dựng mới Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán trên quan điểm kế thừa các nội dung Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán theo Quyết định số 07/2012/QĐ-KTNN ngày 20 tháng 06 năm 2012 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước và Quyết định số 05/2014/QĐ-KTNN ngày 04 tháng 9 năm 2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 07/2012/QĐ-KTNN ngày 20 tháng 06 năm 2012 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước. Đồng thời, Quy chế xây dựng trên nguyên tắc: đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp trong KTNN đối với Đoàn kiểm toán, phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp; thực hiện cải cách hành chính; phù hợp thực tiễn hoạt động của ngành; đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi; không trùng lặp với nội dung các văn bản của KTNN đã ban hành của Kiểm toán nhà nước; đảm bảo phát huy trí tuệ toàn ngành trong quá trình xây dựng văn bản, tiếp thu tối đa ý kiến của các đơn vị, cá nhân.

 
Mới đây, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc ký Quyết định số   01 /2016/QĐ-KTNN ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước. Theo đó, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước gồm 36 Điều tại 05 Chương, gồm: Chương I: Quy định chung; Chương II: Tổ chức Đoàn Kiểm toán nhà nước; Chương III: Hoạt động của Đoàn kiểm toán; Chương IV: Quan hệ công tác và lề lối làm việc của Đoàn kiểm toán; Chương V: Điều khoản thi hành.
 
Một số điểm mới đáng lưu ý trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước cụ thể như sau:
 
(1) Chương I: Quy định chung: 8 Điều, gồm: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc hoạt động của Đoàn kiểm toán; thời hạn kiểm toán; địa điểm kiểm toán; bảo đảm hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể; các hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán.
 
Trong đó:
 
- Quy chế xác định phạm vi áp dụng đối với các Đoàn kiểm toán được thành lập theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, Quy chế chỉ quy định và áp dụng từ khi Đoàn kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước ký quyết định thành lập đến khi Đoàn kiểm toán kết thúc và phát hành Báo cáo.
 
Quy chế không quy định: về công tác khảo sát lập kế hoạch kiểm toán, trình xét duyệt và ban hành quyết định kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán; thanh tra hoạt động kiểm toán; Quy định về trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán do đã có văn bản quy định. Quy chế cũng không quy định quy định về các mối quan hệ ngoài Đoàn kiểm toán (giữa thủ trưởng các đơn vị có thành viên tham gia kiểm toán, mối quan hệ với các đơn vị tham mưu…) do đã được quy định trong Quy chế làm việc của Kiểm toán nhà nước.
 
Bên cạnh đó, Quy chế cũng không quy định về tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước, do đã có quy định tại Điều 21 Luật KTNN và việc quy định tiêu chuẩn chung của Kiểm toán viên nhà nước để phục vụ việc bổ nhiệm ngạch kiểm toán, không quy định trong Quy chế tổ chức hoạt động đoàn kiểm toán.
 
- Đối với các Đoàn kiểm toán ngoài lãnh thổ Việt Nam; ở ngoài nước-trong lãnh thổ Việt Nam, các đoàn kiểm toán do nước ngoài tài trợ cho Kiểm toán nhà nước và hỗ trợ Kiểm toán viên nhà nước... Xét về góc độ ngoại giao hoạt động có liên quan đến nước ngoài phải chi phối bởi nhiều quy định, như: đối ngoại, an ninh quốc gia, bảo mật quốc gia ....; xét về góc độ kinh phí cho hoạt động có liên quan đến nước ngoài bởi hai nguồn: nguồn từ ngân sách Nhà nước và nguồn từ kinh phí do nước ngoài tài trợ. Việc hoạt động của Đoàn, Tổ kiểm toán, Thành viên Đoàn kiểm toán thực hiện theo Quy chế hoạt động của Kiểm toán nhà nước, Quy định của pháp luật về đi nước ngoài. Do vậy, nội dung này chỉ quy định về nguyên tắc: Đoàn kiểm toán phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và luật pháp nước sở tại; tuân thủ nguyên tắc: tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo an ninh quốc phòng và bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời nội dung về kinh phí hoạt động của Đoàn được quy định tại Chương II, cụ thể: Đối với đoàn kiểm toán có liên quan đến yếu tố nước ngoài, Văn phòng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước khu vực chịu trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho Đoàn kiểm toán ở nước ngoài theo quy định đoàn ra. Đối với Đoàn kiểm toán do nước ngoài tài trợ: chế độ ăn, ở, đi lại của Đoàn kiểm toán thực hiện theo chế độ quy định của Nhà nước, của Tổng Kiểm toán nhà nước và thỏa thuận với nhà tài trợ. Chế độ báo cáo đối với Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán ở ngoài nước và thời gian lập Biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán do Thủ trưởng đơn vị trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định tùy theo đặc điểm của từng cuộc kiểm toán.
 
- Quy chế bổ sung quy định về thời gian kiểm toán và địa điểm kiểm toán theo Luật Kiểm toán nhà nước. Đồng thời vận dụng phù hợp thực tiễn đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc và các cuộc kiểm toán có địa điểm kiểm toán từ 2 tỉnh trở lên hoặc gồm nhiều nội dung kiểm toán lồng ghép, phối hợp trong 01 cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thời hạn kiểm toán. Địa điểm kiểm toán do Trưởng đoàn kiểm toán đề xuất Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt khi xét duyệt Kế hoạch kiểm toán. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, trường hợp cần thiết phải thay đổi địa điểm kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán đề xuất Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quyết định và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước đồng thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước. Trường hợp đối chiếu với bên thứ ba, địa điểm kiểm toán do Tổ trưởng Tổ kiểm toán trình Trưởng đoàn kiểm toán báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quyết định và phải chịu trách nhiệm.
 
- Bổ sung trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán: Kiểm toán viên nhà nước bị mất thẻ Kiểm toán viên nhà nước; Kiểm toán viên nhà nước không đủ điều kiện phẩm chất, năng lực tham gia là thành viên Đoàn kiểm toán. Đồng thời, Thủ trưởng đơn vị đề xuất nhân sự tham gia Đoàn kiểm toán có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện trường hợp Kiểm toán viên nhà nước không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định thành lập Đoàn kiểm toán.
 
(2) Chương II: Tổ chức Đoàn Kiểm toán nhà nước: 10 Điều, gồm: thành lập và giải thể Đoàn kiểm toán; thành phần Đoàn kiểm toán; Tiêu chuẩn Trưởng đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Trưởng Đoàn kiểm toán; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phó trưởng Đoàn kiểm toán; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của thành viên Đoàn không phải Kiểm toán viên nhà nước; thay thế, bổ sung thành phần Đoàn kiểm toán; tạm đình chỉ, đình chỉ nhiệm vụ thành phần Đoàn kiểm toán.
 
Trong đó:
 
- Quy chế không quy định về Kiểm toán viên dự bị do theo Luật Kiểm toán nhà nước theo quy định tại  Luật KTNN, Khoản 1 Điều 20.  Kiểm toán viên nhà nước gồm các ngạch sau đây:
 
a) Kiểm toán viên;
 
b) Kiểm toán viên chính;
 
c) Kiểm toán viên cao cấp.
 
- Quy chế kết cấu và thực hiện sửa đổi lại nhiệm vụ, quyền hạn của thành phần Đoàn kiểm toán theo Điều 37. Luật Kiểm toán nhà nước theo thành phần Đoàn kiểm toán gồm: 
 
1. Trưởng Đoàn kiểm toán.
 
2. Các Phó trưởng Đoàn kiểm toán.
 
3. Các Tổ trưởng Tổ kiểm toán, nếu Đoàn kiểm toán có Tổ kiểm toán.
 
4. Các thành viên (thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước; thành viên Đoàn kiểm toán không là Kiểm toán viên nhà nước).
 
- Quy chế cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong việc lập Biên bản kiểm toán và thời hạn phát hành Biên bản kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước theo ý kiến Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán để quá trình thực hiện có thể phát hành theo cụ thể hồ sơ, mẫu biểu theo hướng dẫn.
 
- Đồng thời, Quy chế quy định phân cấp trong trường hợp phải làm việc ngoài giờ hành chính với đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để bảo đảm tiến độ kiểm toán và được sự đồng thuận của các đơn vị được kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán quyết định nhưng phải báo cáo lãnh đạo Đoàn kiểm toán đồng thời phản ánh tại Biên bản họp Tổ và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
 
(3) Chương III: Hoạt động của Đoàn kiểm toán: 14 Điều, gồm: thay đổi nội dung quyết định kiểm toán, kế hoạch kiểm toán;  chế độ báo cáo; chế độ họp, giao ban; chế độ ăn, ở, đi lại; trình tự xử lý các dấu hiệu hoặc hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán; bảo lưu ý kiến; Xử lý ý kiến giải trình của đơn vị được kiểm toán; niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản; trưng cầu giám định; Xác minh, điều tra, đối chiếu số liệu; nhật ký kiểm toán; trách nhiệm lập Biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán; trách nhiệm lập dự thảo Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán; trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ kiểm toán.
 
Trong đó:
 
- Quy chế quy định việc thay đổi nội dung quyết định kiểm toán, kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán:
 
a) Khi cần thay đổi nội dung ghi trong quyết định kiểm toán, kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán bằng văn bản để trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định và chỉ thực hiện sau khi Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định bằng văn bản;
 
b) Tổng Kiểm toán nhà nước phân cấp, ủy quyền cho Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì cuộc kiểm toán, Trưởng đoàn Kiểm toán trong trường hợp cần thiết được điều chỉnh thời gian kiểm toán tại các đơn vị được kiểm toán do Tổ kiểm toán thực hiện mà không làm tăng, giảm thời gian kiểm toán của cuộc kiểm toán hoặc điều chuyển nhân sự giữa các Tổ kiểm toán trong Đoàn kiểm toán và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Sau khi quyết định điều chỉnh thời gian hoặc nhân sự Tổ Kiểm toán, Thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước phụ trách và thông báo tới Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng, Thanh tra KTNN, Trung tâm Tin học và các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.
 
-  Đối với việc thay đổi nội dung Kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán, Quy chế quy định: 
 
a) Tổ trưởng Tổ kiểm toán có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán ngay sau khi triển khai kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán và chỉ đạo các thành viên Tổ kiểm toán thực hiện nhiệm vụ đúng Kế hoạch kiểm toán chi tiết được Trưởng Đoàn kiểm toán phê duyệt. Thời gian hoàn thành Kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán do Trưởng Đoàn kiểm toán quyết định phù hợp với tình hình, đặc điểm, nhiệm vụ kiểm toán được giao;
 
Khi cần thay đổi những nội dung trong Kế hoạch kiểm toán chi tiết, Tổ trưởng Tổ kiểm toán phải báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán bằng văn bản và chỉ thực hiện sau khi được Trưởng Đoàn kiểm toán phê duyệt.
 
b) Chậm nhất 01 ngày, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán có trách nhiệm xem xét, phê duyệt. Trường hợp vì lý do khách quan Trưởng Đoàn kiểm toán không thể trực tiếp phê duyệt, Tổ trưởng Tổ kiểm toán báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán bằng các phương tiện thông tin và gửi ngay văn bản đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán phê duyệt (trường hợp không bảo mật).
 
c) Các trường hợp thay đổi, bổ sung Kế hoạch kiểm toán chi tiết phải phù hợp với mục tiêu, nội dung kiểm toán, đơn vị được kiểm toán đã phê duyệt của Tổng Kiểm toán nhà nước. Trưởng Đoàn kiểm toán chịu trách nhiệm về quyết định điều chỉnh Kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán và phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.
 
- Chậm nhất 02 ngày sau khi Kế hoạch kiểm toán chi tiết được phê duyệt, những thay đổi Kế hoạch kiểm toán chi tiết (nếu có), Trưởng Đoàn kiểm toán có trách nhiệm gửi qua email (trường hợp tài liệu không bảo mật) về Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra Kiểm toán nhà nước (đối với Đoàn kiểm toán có trong Kế hoạch thanh tra trong năm); đồng thời gửi bản cứng qua văn thư để đảm bảo tính pháp lý khi lưu hồ sơ. Trường hợp thuộc bí mật nhà nước thì báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.
 
-  Đối với phát hiện sai phạm trong Đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán có trách nhiệm báo cáo cấp trên trực tiếp của thành viên đó, trường hợp cấp trên trực tiếp vi phạm thì báo cáo với cấp trên trực tiếp của cấp trên đó.Trường hợp cần thiết, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để kiểm tra, xử lý.
 
- Kiểm toán viên nhà nước nghỉ làm việc từ 02 ngày trở lên phải báo cáo và phải được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Trưởng Đoàn kiểm toán nghỉ làm việc từ 02 ngày trở lên phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đồng thời ủy quyền cho 01 Phó trưởng Đoàn kiểm toán quản lý và điều hành hoạt động của Đoàn kiểm toán. 
 
- Quy chế quy định chế độ báo cáo đối với từng thành phần trong Đoàn kiểm toán, trong đó định kỳ mỗi tháng 03 lần (trừ trường hợp đột xuất) cách nhau khoảng 10 ngày, Tổ trưởng Tổ kiểm toán báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán phải báo cáo Trưởng đoàn kiểm toán về những nội dung được Trưởng đoàn kiểm toán phân công, Trưởng Đoàn kiểm toán báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Trường hợp cần thiết, Trưởng Đoàn kiểm toán phải báo cáo trực tiếp Tổng Kiểm toán nhà nước, đồng thời báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Trường hợp ngày báo cáo trùng ngày nghỉ (thứ bẩy, chủ nhật, ngày lễ được nghỉ theo quy định) thì ngày báo cáo kết quả là ngày liền sau ngày quy định báo cáo.
 
- Trưởng Đoàn kiểm toán nghỉ làm việc từ 02 ngày trở lên phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán đồng thời ủy quyền cho 01 Phó trưởng Đoàn kiểm toán quản lý và điều hành hoạt động của Đoàn kiểm toán. Phó trưởng Đoàn kiểm toán nghỉ làm việc từ 01 ngày trở lên phải báo cáo và phải được sự đồng ý của Trưởng Đoàn kiểm toán. Khi Tổ trưởng Tổ kiểm toán nghỉ làm việc từ 01 ngày trở lên phải báo cáo và phải được sự đồng ý của Trưởng Đoàn kiểm toán. Các thành viên trong Tổ kiểm toán phải thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Tổ trưởng Tổ kiểm toán. Kiểm toán viên nhà nước nghỉ làm việc từ 02 ngày trở lên phải báo cáo và phải được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.
 
Tổng số ngày nghỉ của mỗi thành phần trong Tổ kiểm toán (bao gồm Phó trưởng Đoàn kiểm toán kiêm Tổ trưởng Tổ kiểm toán) không được lớn hơn 10% tổng thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán chi tiết. Tổng số ngày nghỉ của Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán không được lớn hơn 10% tổng thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán của Đoàn kiểm toán. Thẩm quyền cho phép nghỉ được phân cấp như sau:
 
a) Tổ trưởng Tổ kiểm toán được phép cho các thành viên Tổ kiểm toán nghỉ làm việc 1/2 ngày và chịu trách nhiệm với quyết định của mình;  
 
b) Trưởng Đoàn kiểm toán được phép cho các thành viên Đoàn kiểm toán nghỉ làm việc 01 ngày và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
 
c) Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán được phép cho các thành viên Đoàn kiểm toán nghỉ làm việc tối đa 02 ngày và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Đáng chú ý, Quy chế quy định thành phần Đoàn kiểm toán bị thay thế trong các trường hợp: Trưởng Đoàn kiểm toán, Phó trưởng Đoàn kiểm toán nghỉ làm việc liên tục từ 03 ngày trở lên; Tổ trưởng Tổ kiểm toán nghỉ làm việc liên tục từ 02 ngày trở lên; các thành viên của Đoàn kiểm toán nghỉ làm việc liên tục từ 03 ngày trở lên.
 
- Quy chế quy định về trách nhiệm lập Biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán; Trách nhiệm lập dự thảo Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán; trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ kiểm toán.
 
(4) Chương IV: Quan hệ công tác và lề lối làm việc của Đoàn kiểm toán, 03 Điều, gồm: chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Đoàn kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán trong Đoàn kiểm toán; các mối quan hệ có liên quan đến Đoàn kiểm toán.
 
Trong đó:
 
- Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Đoàn kiểm toán. Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện kiểm tra hoạt động của Đoàn kiểm toán. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Trưởng đoàn kiểm toán phải tuân thủ sự chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán. Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, các thành viên Đoàn kiểm toán chịu sự kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của Trưởng Đoàn kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
 
-  Trường hợp có 02 Đoàn kiểm toán trở lên tại một đơn vị được kiểm toán trong cùng một thời điểm: 
 
a) Các Trưởng đoàn thống nhất phương pháp phối hợp thực hiện kiểm toán tại đơn vị, trường hợp chưa thống nhất, các Trưởng đoàn báo cáo Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định (qua Vụ Tổng hợp). Việc trao đổi thông tin hoặc sử dụng lại thông tin giữa các Đoàn kiểm toán trên nguyên tắc đề cao tinh thần trách nhiệm, hợp tác giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ;
 
b) Trường hợp kiểm toán lồng ghép nhiều mục tiêu, đơn vị chủ trì phối hợp với Vụ Tổng hợp tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.
 
- Bổ sung quy định mối quan hệ giữa Thủ trưởng các đơn vị thuộc Kiểm toán nhà nước có các thành viên tham gia đoàn kiểm toán và Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán là quan hệ phối hợp trong chỉ đạo chuyên môn và quản lý công chức. Mối quan hệ giữa các Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong cùng Đoàn kiểm toán thông qua Trưởng Đoàn kiểm toán. Thành viên Đoàn kiểm toán có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ; thành viên Đoàn kiểm toán phải chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Trưởng Đoàn kiểm toán về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trường hợp có vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền thì báo cáo kịp thời với Trưởng Đoàn kiểm toán và đề xuất các biện pháp xử lý.
 
(5) Chương V: Điều khoản thi hành, gồm 01 Điều: Trách nhiệm thi hành.
 
Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước  này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký  (20/6/2016) và thay thế Quyết định số 07/2012/QĐ-KTNN ngày 20 tháng 06 năm 2012 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước và Quyết định số 05/2014/QĐ-KTNN ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 07/2012/QĐ-KTNN ngày 20 tháng 06 năm 2012 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán nhà nước.
 
Ths. Lại Xuân Nghị

Xem thêm »