Tại Hội nghị Triển khai công tác năm 2016 của KTNN, các đại biểu đến từ KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực cũng như các đơn vị tham mưu, sự nghiệp đã báo cáo, gửi tham luận về những nội dung quan trọng trên tất cả các lĩnh vực công tác của KTNN. Báo Kiểm toán sẽ lựa chọn, trích đăng một số tham luận tiêu biểu để bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn về mục tiêu, định hướng công tác của KTNN trong năm 2016 và thời gian tới. Trong số này, Báo Kiểm toán trích đăng tham luận của Vụ Pháp chế tại Hội nghị.
Luật KTNN (sửa đổi) - sau đây gọi là Luật KTNN 2015 - đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 24/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Với mục đích cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về KTNN, khắc phục những bất cập trong thực tiễn hoạt động KTNN, Luật KTNN 2015 có nhiều điểm mới nổi bật.
Cụ thể, Luật mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN: việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; đồng thời, quy định rõ nội dung tài chính công, tài sản công thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN. Bên cạnh đó, Luật KTNN 2015 đã bổ sung nguyên tắc hoạt động của KTNN nhằm nâng cao tính độc lập của KTNN, trong đó đáng chú ý với nguyên tắc: “Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”.
Đặc biệt, Luật KTNN 2015 đã khẳng định rõ giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán (BCKT) - văn bản do KTNN lập và công bố sau mỗi cuộc kiểm toán để đánh giá, xác nhận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán, do Tổng Kiểm toán Nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán Nhà nước ủy quyền ký tên, đóng dấu. BCKT sau khi phát hành có giá trị bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đồng thời là căn cứ để Quốc hội, Chính phủ, HĐND, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đơn vị được kiểm toán thực hiện quyền khiếu nại.
Cùng với đó, chế định về Tổng Kiểm toán Nhà nước trong Luật cũng được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Hiến pháp; bổ sung một số trách nhiệm, quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ngoài ra, các quy định liên quan đến: tiêu chuẩn về nghề nghiệp đối với Kiểm toán trưởng, Phó Kiểm toán trưởng; Kiểm toán viên nhà nước; hoạt động kiểm toán (thời hạn kiểm toán; cơ cấu thành phần Đoàn kiểm toán...) cũng có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng chi tiết, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn kiểm toán.
Về đơn vị được kiểm toán, theo quy định của Luật KTNN 2015, đã mở rộng để phù hợp với phạm vi đối tượng kiểm toán như: Cơ quan kiểm toán nợ công; DN do Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán phù hợp; bổ sung quyền khiếu nại của đơn vị được kiểm toán. Đặc biệt, Luật KTNN 2015 đã bổ sung thêm Chương 7 quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đối với hoạt động KTNN.
Ngay sau khi Luật được thông qua, KTNN đã ban hành Kế hoạch số 837/KH-KTNN triển khai thi hành Luật KTNN 2015, trong đó tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm là phổ biến, tuyên truyền nội dung Luật KTNN và rà soát ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật KTNN làm cơ sở tổ chức thực hiện Luật hiệu quả. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật KTNN (sửa đổi), trong quá trình triển khai thực hiện cần tiếp tục quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật KTNN (sửa đổi), đến nay Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 23 hội nghị phổ biến nội dung Luật KTNN 2015 đến toàn thể công chức, viên chức, kiểm toán viên, người lao động trong toàn ngành. Vụ Pháp chế đề nghị KTNN cần tổ chức phổ biến Luật KTNN (sửa đổi) cho các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Thứ hai, xây dựng trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật KTNN 2015 theo chương trình của KTNN. KTNN đã ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gồm 30 văn bản, trong đó, ban hành mới 5 văn bản, sửa đổi, bổ sung 25 văn bản.Để bảo đảm hiệu lực và tính khả thi của văn bản, trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết các nội dung của Luật KTNN (sửa đổi) cần lưu ý các khía cạnh như: Làm rõ giá trị pháp lý của Biên bản kiểm toán; việc ủy quyền ký và đóng dấu BCKT đối với KTNN khu vực, việc ký vào BCKT của Trưởng Đoàn kiểm toán; trách nhiệm lập Kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, Kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán; thẩm quyền tạm đình chỉ, đình chỉ thành viên Đoàn kiểm toán từ Phó Trưởng đoàn trở lên; mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với DNNN nắm giữ 50% vốn điều lệ trở xuống; thời gian nhận và cách thức gửi Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán ngân sách, dự toán kinh phí của các đơn vị được kiểm toán...
(Báo Kiểm toán số 10/2016)