Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2016

01/03/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 29/2/2016, tại Trụ sở Chính phủ, phiên họp thường kỳ tháng 2/2016 của Chính phủ đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự phiên họp.
 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016

 
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình Chính phủ báo cáo bổ sung đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2016 và tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016.

Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát báo cáo về tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán ở miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Chính phủ nghe lãnh đạo Bộ Công an trình bày báo cáo dự thảo nghị quyết của Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi có luật mới.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2016, theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân hai tháng đầu năm tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 02/2016 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước. Về thu - chi ngân sách nhà nước, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/02, tổng thu NSNN ước đạt 160,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi NSNN ước đạt 185,59 nghìn tỷ đồng, bằng 14,6% dự toán năm, tăng 5,2%. Về Thu hút vốn nước ngoài hai tháng đầu năm tiếp tục đạt kết quả khá, vốn FDI thực hiện ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký ước đạt trên 2,8 tỷ USD, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước đạt 275 triệu USD, tăng 8,7%.

       
Toàn cảnh Phiên họp thường kỳ tháng 2/2016 của Chính phủ

Về sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm tăng 6,6%; trong đó: sản xuất, phân phối điện tăng 12,8%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,5%; khai khoáng giảm 1,7%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết xấu; rét đậm, rét hại kéo dài ở phía Bắc; khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng khô hạn và thiếu nước ngọt cũng đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Về gieo cấy lúa: tính đến ngày 15/02/2016, cả nước đã gieo cấy 2.393,1 nghìn ha lúa đông xuân, tương đương cùng kỳ năm trước; trong đó: các tỉnh phía Bắc đạt 480,6 nghìn ha; các tỉnh phía Nam cơ bản gieo cấy xong, đạt 1.912,5 nghìn ha. Riêng các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 321,2 nghìn ha lúa đông xuân sớm, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trựớc.

Về khu vực dịch vụ: tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm ước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nêu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 1,64 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2015.

Về xuất, nhập khẩu: trong hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 22,8 tỷ USD, giảm 6,6%; xuất siêu khoảng 865 triệu USD, bằng 3,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong hai tháng đầu năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán cũng như các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực. Nguồn cung hàng hóa, dịch vụ dồi dào; giá cả thị trường trong và sau Tết khá ổn định, không có hiện tượng sốt giả như các dịp Tết trước đây. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hai tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ phát triển khá; khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng cao, cho thấy các tín hiệu cải thiện về sức mua và tổng cầu. Thu hút FDI tiếp tục đạt được những kết quả tích cực; giải ngân vốn FDI, vốn ODA và vay ưu đãi tăng cao so với cùng kỳ.

Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần; an ninh chính trị được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường... bảo đảm mọi người dân đều được đón Tết, vui Xuân đầm ấm, an toàn.

Tuy nhiên, đầu tháng 2, các đợt rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại về cây trồng và gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Thiệt hại về rừng tăng cao so cùng kỳ. Tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn cao.

Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả khả quan.

Tuy nhiên, sự phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều rủi ro của kinh tế thế giới và khu vực; giá dầu ở mức thấp, chưa có hướng hồi phục; chính sách tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp của nhiều nước đã ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của nền kinh tế nước ta, nhất là xuất nhập khẩu, thương mại, tỷ giá, thu chi ngân sách nhà nước...

Thời tiết có diễn biến phức tạp, khó lường, rét hại, rét đậm tại khu vực phía Bắc, hạn hán nghiêm trọng tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp. Tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn cao.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, mặc dù tháng 2/2016 có 9 ngày nghỉ Tết nhưng các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai tốt các chương trình, kết hoạch hành động về phát triển kinh tế xã hội. “Qua 2 tháng nhìn lại, tình hình kinh tế xã hội của đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực”.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu yêu cầu các Bộ, ngành chỉ đạo quyết liệt, tăng cường phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, phấn đấu thực hiện thắng lợi, đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2016.

Theo đó, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục theo dõi sát tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa các công cụ chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư... để vừa ổn định vĩ mô vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%; tạo nền tảng vĩ mô vững chắc cho tăng trưởng cao hơn cho những năm tiếp theo.

Tập trung triển khai các biện pháp phòng chống xâm nhập mặn và khô hạn tại các tỉnh phía Nam, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; phòng chống rét ở các tỉnh phía Bắc. Kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân. Đề xuất các giải pháp mang tính lâu dài nhằm phòng chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân.

Tập trung đẩy mạnh sản xuất; thúc đẩy xuất khẩu. Phát huy những kết quả đạt được, thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giải ngân các dự án, nhất là các công trình kết cấu hạ tầng, bảo đảm tiến độ.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách người có công, an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, xuất khẩu lao động, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ cận nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, tăng cường phòng chống tội phạm, tệ nạn, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Tăng cường phòng chống cháy nổ, nhất là tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, nhà xưởng...

Các ngành, các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ; các cam kết quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do (cả những mặt thuận lợi, cơ hội lẫn khó khăn, thách thức khi tham gia).

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện các Báo cáo Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020; Kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, báo cáo bổ sung tình hình KTXH năm 2015 và triển khai Kế hoạch năm 2016, các dự án Luật,... để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Quốc hội tại kỳ họp tới.

Trong buổi chiều 29/2/2016, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định. Đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nội vụ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan liên quan tham gia buổi họp báo./.


Khánh Vy

Xem thêm »