Ban hành quy chế làm việc của Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020

01/06/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 28 tháng 5 năm 2015, Trưởng ban Chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn đã ban hành Quyết định số 20/QĐ-BCĐ về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020. Quy chế gồm 3 chương, 11 điều với các quy định rõ ràng về nguyên tắc, chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn của Ban chỉ đạo, các thành viên Ban chỉ đạo và tổ thư ký giúp việc đã tạo cơ sở, hành lang pháp lý để Ban chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình hành động trong thời gian tới.

Về nguyên tắc làm việc của Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, quy chế quy định rõ: Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 là bộ phận tham mưu, giúp việc Tổng Kiểm toán nhà nước trong tổ chức triển khai, chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ thông qua các phiên họp định kỳ và đột xuất dưới sự chủ trì của Trưởng ban hoặc người được ủy quyền. Các thành viên thảo luận, đóng góp ý kiến, Trưởng ban hoặc người được ủy quyền kết luận. Các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm cá nhân trước Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.  Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Kiểm toán Nhà nước trong chỉ đạo và quan hệ công tác.

Về trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chỉ đạo, quy chế xác định: Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến 2020 có trách nhiệm xây dựng các đề án, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược trong từng thời kỳ trình Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổ chức, chỉ đạo thực hiện các đề án, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược sau khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị và cá nhân trực thuộc Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản, tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện Chiến lược; Chủ trì tổng hợp các báo cáo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nội dung của Chiến lược; Phối hợp, hợp tác với các tổ chức, đơn vị, chuyên gia trong và ngoài Kiểm toán Nhà nước để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, huy động nguồn lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện Chiến lược. Ban chỉ đạo có quyền chủ động quyết định các chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo; yêu cầu các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước bố trí các nguồn lực cần thiết để thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo; Yêu cầu các đơn vị và cá nhân trực thuộc Kiểm toán Nhà nước báo cáo tình hình, kết quả, tiến độ triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược; Đề xuất với Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nội dung, thời gian, thứ tự ưu tiên, giải pháp thực hiện các kế hoạch hành động từng thời kỳ và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn; đề xuất với Tổng Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chiến lược; Kiến nghị đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ sung, thay thế thành viên Ban Chỉ đạo hoặc sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức của Kiểm toán Nhà nước để phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo khi cần thiết.

Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban thường trực,  các Phó trưởng ban, các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký giúp việc cũng được quy định cụ thể trong quy chế, trong đó Trưởng Ban Chỉ đạo nắm vai trò lãnh đạo, điều hành hoạt động chung; phó trưởng ban thường trực, các phó trưởng ban, các thành viên Ban chỉ đạo và tổ thư ký đóng vai trò giúp việc, có trách nhiệm trong việc đề xuất, thực hiện và báo cáo nhiệm vụ thực thiện trước Trưởng ban thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Quy chế làm việc được ban hành đã tạo ra cơ sở pháp lý trực tiếp cho hoạt động lãnh đạo của Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược, đồng thời là căn cứ để đánh giá trách nhiệm, hiệu quả, hiệu lực công tác, thực thi nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo gắn với cương vị, chức trách của từng thành viên./.

Phạm Huệ

Xem thêm »