Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2015

03/03/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Ngày 2/3/2015, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 2/2015. Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian tập trung thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2015; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015.


Báo cáo tại phiên họp cho thấy trong 2 tháng đầu năm, các Bộ, Ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ và các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán, cũng như các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện sau Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực. 

Những tín hiệu tích cực nhằm phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra 

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 2 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết khá dài, nhưng tính chung 2 tháng đầu năm vẫn đạt khá. Vốn ODA và FDI thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ; tình hình thu hút FDI tiếp tục đạt được những tín hiệu tích cực, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Khu vực dịch vụ phát triển khá, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 tăng so với tháng trước. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ được tăng cường. 

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 02 tháng và hai tháng đầu năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2015 giảm 0,05% so với tháng trước, giảm 0,25% so với tháng 12/2014, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm 2014. Bình quân hai tháng đầu năm 2015, CPI tăng 0,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong 4 tháng gần đây, từ tháng 11/2014 - 2/2015, chỉ số giá tháng sau so với tháng trước đều giảm, nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu, giá gas trong nước điều chỉnh giảm mạnh theo giá thế giới, tác động làm giảm chỉ số giá các nhóm hàng giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng. Giảm phát của nền kinh tế được phản ánh qua hiện tượng cung vượt cầu, dẫn đến suy giảm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tình hình sản xuất trong nước hai tháng đầu năm vẫn phát triển tốt, sức mua tăng cao.
Về thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), tính chung hai tháng đầu năm, tổng thu NSNN ước đạt gần 151,9 nghìn tỷ đồng, bằng 16,7% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2014; tổng chi NSNN ước đạt 172,2 nghìn tỷ đồng, bằng 15% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Về sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2015 tăng 7% so với cùng kỳ và tính chung hai tháng đầu năm tăng 12%, trong đó sản xuất phân phối điện tăng 13,3%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,9%; khai khoáng tăng 9%; cung cấp xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2015 ước tăng  3,7% so với tháng trước; tính chung 2 tháng đầu năm 2015 ước tăng gần 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cho 2 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 23,01 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2014; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 23,07 tỷ USD, tăng 16,3%; nhập siêu khoảng 61 triệu USD, bằng 0,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về đầu tư phát triển: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện hai tháng đầu năm 2015 ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký ước đạt gần 1,2 tỷ USD. Có 148 dự án cấp mới, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Trong 2 tháng đã thu hút FDI vào 13 ngành lĩnh vực, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đăng ký cấp mới tăng thêm chiếm 79,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước; lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm 9,3%; lĩnh vực buôn bán lẻ, sửa chữa chiếm gần 6%. 

Vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2015 ước đạt 253 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, trong hai tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm và đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Ý kiến của các thành viên Chính phủ cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp; huy các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông vận tải; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản; các giải pháp nhằm tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các thành viên Chính phủ cho rằng thời gian qua hoạt động này đã có nhiều nỗ lực, song so với yêu cầu đặt ra, nhất là về thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân… Vì vậy, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, nhất là thủ tục liên quan đến các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công chức; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực; đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và dịch vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm… 

           
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá 2 tháng đầu năm 2015, các cấp, các ngành đã nghiêm túc chấp hành các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, có các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ từ ngày đầu, tháng đầu của năm; đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. “Đây là những tín hiệu tích cực để chúng ta có thêm cơ sở nhằm phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra” - Thủ tướng phát biểu. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý một số vấn đề nổi lên như cần phân tích rõ tình hình, nguyên nhân và bản chất số doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn; tình hình thu ngân sách từ dầu khí giảm; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có bước tiến, nhưng so với yêu cầu còn chậm; số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông còn cao; tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp; vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội còn nhiều bất cập .v.v.

Các Bộ, Ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh

Với tinh thần chung là phải nỗ lực cao nhất để đạt và vượt kế hoạch đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, Ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô; nghiên cứu để sớm giảm tiếp lãi suất cho vay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tập trung và cương quyết đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước. “Những cán bộ, công chức liên quan, tiếp tay cho buôn lậu phải kiên quyết xử lý” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công, giải ngân vốn ODA, đồng thời huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng, nhất là những ngân hàng yếu kém.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung thực hiện đột phá về hoàn thiện thể chế, trong đó trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. “Giá xăng, dầu, điện, than dứt khoát phải theo thị trường nhưng phải minh bạch. Tương tự giá dịch vụ y tế cũng phải tính đúng, tính đủ. Đi liền đó phải điều tiết để khắc phục những khiếm khuyết của kinh tế thị trường, nhà nước phải giúp cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội” - Thủ tướng khẳng định. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, Ngành tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm nghèo. Tiếp tục quan tâm bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng, phải làm đồng bộ, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, phấn đấu ngang bằng như các nước ASEAN 6, thậm chí là ASEAN “Đất nước đã hội nhập sâu rộng, thực hiện cơ chế thị trường ngày càng đầy đủ, vấn đề môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có ý nghĩa quyết định cho tăng trưởng bền vững, cho cạnh tranh hiệu quả” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. 

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các thành viên Chính phủ trong năm 2015 phải tạo ra bước chuyển biến thực sự và mạnh mẽ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ mục tiêu của Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015, các Bộ, ngành phải đưa ra các giải pháp, mục tiêu cụ thể để đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng,… đi cùng với đó là phải kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. “Cải cách hành chính không nói chung chung mà phải bằng những hành động cụ thể” - Thủ tướng kết luận./.

Khánh Vy

Xem thêm »