Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán

22/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) – Trong 2 ngày 20 và 21/1/2015, tại trụ sở Kiểm toán Nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) đã tổ chức chương trình "Trao đổi kinh nghiệm về kiểm soát chất lượng kiểm toán". Ông Hoàng Phú Thọ, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT chủ trì cuộc trao đổi. Toàn thể công chức, người lao động của Vụ CĐ&KSCLKT đã tham dự chương trình.

Ông Hoàng Phú Thọ, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT chủ trì cuộc trao đổi


Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Phú Thọ cho biết, đây là một trong những chương trình đào tạo định kỳ của Vụ CĐ&KSCLKT, nhằm trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, thống nhất định hướng, trọng tâm và trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát chất lượng kiểm toán, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu và thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán trong các giai đoạn của quy trình kiểm toán.

Để chuẩn bị cho chương trình, các phòng chuyên môn thuộc Vụ CĐ&KSCLKT đã lựa chọn 02 báo cáo kiểm soát điển hình phòng đã lập trong năm 2014 - 01 báo cáo đối với cuộc kiểm soát trực tiếp và 01 báo cáo đối với cuộc kiểm soát gián tiếp, để trao đổi, thảo luận, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm, các bài học và những đề xuất, kiến nghị. 

Các phòng chuyên môn của Vụ CĐ&KSCLKT đã trao đổi kinh nghiệm về công tác kiểm soát gián tiếp - kiểm soát việc thực hiện kiểm toán, gồm: Nội dung kiểm soát; Phạm vi và giới hạn kiểm soát; Tổ chức công tác kiểm soát và phương pháp kiểm soát; Kết quả kiểm soát.

Trong lĩnh vực này, ông Đỗ Trung Dũng, Trưởng phòng Ngân sách Trung ương cho rằng, báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán phải nêu rõ đánh giá, nhận xét về từng nội dung đã kiểm soát, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế, sai sót, vi phạm và đưa ra các đề xuất, kiến nghị. Các kết quả kiểm soát trong Báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán cần bao gồm các nội dung: Tình hình tổ chức việc thực hiện kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán - công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; chế độ thông tin, báo cáo; công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán và Đoàn kiểm toán; Tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán - kế hoạch chi tiết của các tổ kiểm toán; điều chỉnh kế hoạch chi tiết – nếu có; thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán viên; Kết quả và kiến nghị kiểm toán; Công tác ghi nhật ký làm việc của kiểm toán viên; Các hạn chế, sai sót; Đề xuất, kiến nghị. 

Bà Vũ Kim Tuyến, Trưởng Phòng Doanh nghiệp và các tổ chức Tài chính Ngân hàng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xử lý, tổng hợp kết quả kiểm toán. Theo đó, đối với số liệu có sự chênh lệch giữa Báo cáo kiểm toán của Tổ với dự thảo báo cáo kiểm toán của Đoàn kiểm toán thì Tổ kiểm soát phải xem xét kỹ hồ sơ kiểm toán, trao đổi trực tiếp với Đoàn kiểm toán để nắm rõ bản chất của việc điều chính, trước khi đưa ra ý kiến của Tổ Kiểm soát. “Trong quá trình kiểm soát, Tổ kiểm soát dùng nhiều nguồn khác nhau để tiếp cận thông tin đang xảy ra ở đơn vị,  liên quan đến niên độ kế toán, yêu cầu Đoàn kiểm toán xem xét, bổ sung vào nội dung kiểm toán để giảm thiểu các rủi ro trong quá trình kiểm soát” - bà Tuyến bổ sung. 

Một trong các khó khăn khi thực hiện công tác công tác kiểm soát việc thực hiện kiểm toán, theo đánh giá của ông Đỗ Trung Dũng là tài liệu kiểm soát. Ví dụ, dự thảo Báo cáo kiểm toán cung cấp Tổ kiểm soát là bản dự thảo lần 1 của tổ kiểm toán, không phải là bản sau khi họp thông qua qua có ý kiến kết luận của lãnh đạo đoàn, chính vì vậy khó khăn cho công tác rà soát, đánh giá của Tổ kiểm soát với những kết quả được nêu trong Dự thảo Báo cáo kiểm toán. "Thông thường, các Tổ kiểm soát chỉ kiểm tra hồ sơ kiểm toán theo tiến độ kiểm toán, hoặc khi cuộc kiểm toán kết thúc, chưa làm việc trực tiếp với tổ kiểm toán, nên thường không đưa ra được ý kiến về sự phù hợp của các phát hiện kiểm toán và các bằng chứng kiểm toán" - ông Dũng chia sẻ.

Trong khuôn khổ của chương trình, các ý kiến cũng tập trung vào thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác kiểm soát trực tiếp - kiểm tra, đánh giá hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán. Các nội dung thảo luận tập trung vào: Tổ chức công tác kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán của đơn vị chủ trì kiểm toán; Chất lượng báo cáo kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán; Những vấn đề cần quan tâm làm rõ.

Trong lĩnh vực chi ngân sách, ông Cù Hoàng Diệu – Trưởng phòng Ngân sách địa phương cho rằng cần chú trọng kiểm soát hồ sơ kiểm toán tổng hợp. Xem xét các đơn vị đối chiếu có đúng phạm vi kiểm toán? có trong kế hoạch chi tiết? Thời gian thực hiện đối chiếu có phù hợp? Vì qua kiểm soát một số đoàn trong năm 2014 cho thấy, các tổ kiểm toán tổng hợp dành nhiều thời gian để thực hiện công việc kiểm tra, đối chiếu quyết toán của một số đơn vị không kiểm toán, mà chưa dành nhiều thời gian để kiểm toán tổng hợp.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng Phòng Đầu tư – Dự án trao đổi, khi kiểm toán các dự án đầu tư dở dang có hiện tượng một số KTNN khu vực chỉ thực hiện việc kiểm toán và giảm trừ giá trị hợp đồng mà không xác định giá trị đã nghiệm thu thanh toán, không xác định trong tổng giá trị giảm hợp đồng thì giá trị đã được nghiệm thu thanh toán là bao nhiêu để kiến nghị xử lý tài chính phù hợp. Vì vậy, Tổ kiểm soát đã yêu cầu đoàn kiểm toán xác định giá trị vốn đầu tư đã được nghiệm thu thanh toán theo đúng quy định.

Ông Ngô Minh Kiểm, Phó Vụ Trưởng Vụ CĐ&KSCLKT cho biết, mặc dù năm 2014 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán (theo Quyết định số 395/QĐ-KTNN ngày 12/3/2014 của Tổng KTNN), nhưng điều đáng mừng là đến nay các đơn vị, nhất là Lãnh đạo các KTNN chuyên ngành/khu vực đều rất ủng hộ và phối hợp triển khai ngày càng hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Ông Kiểm cho rằng, để hoạt động này hiệu quả, trong quá trình triển khai, các tổ kiểm soát nên tập trung vào những vấn đề lớn, trọng tâm; tham mưu về cơ chế, chính sách; Tập trung vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau… Để tránh trùng lắp trong công tác kiểm soát, các tổ kiểm soát của Vụ nên phối hợp chặt chẽ với các tổ kiểm soát của chuyên ngành, khu vực.

Ông Hoàng Phú Thọ, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT đánh giá cao các tham luận, chia sẻ của các cán bộ công chức, người lao động trong chương trình. “Các nội dung trao đổi của các phòng là những bài học kinh nghiệm quý giá, giúp cho các cán bộ nói riêng và Vụ CĐ&KSCLKT nói chung nâng cao hiệu quả hoạt động” ông Thọ phát biểu.

Ông Hoàng Phú Thọ cũng yêu cầu, các cán bộ, công chức của Vụ CĐ&KSCLKT cần phải thường xuyên nghiên cứu cơ chế, chính sách, cập nhật các kiến thức chuyên môn, tích cực học tập các kinh nghiệm của các đồng nghiệp nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán của Ngành./.

Ngọc Bích


Xem thêm »