(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 22/12/2014, trong buổi làm việc đầu tiên của Phiên họp thứ 33, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi).
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và trao đổi hoàn thiện dự thảo Luật. Về những nội dung thống nhất tiếp thu, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách và Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích kiểm toán, giải thích từ ngữ và đối tượng kiểm toán, bởi các quy định này đã được thể hiện khá đầy đủ và chi tiết. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị giữ nguyên như dự thảo Luật các quy định về nhiệm vụ của KTNN, tiêu chuẩn kiểm toán viên nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Tổ trưởng Tổ kiểm toán; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động KTNN; việc kiểm tra, giám sát hoạt động của KTNN.
Cơ bản tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu của cơ quan soạn thảo, tại Phiên họp, các đại biểu tiếp tục thảo luận cho ý kiến về những nội dung còn ý kiến khác nhau, chủ yếu là quy định có liên quan đến báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán, thời hạn kiểm toán và nhiệm kỳ của Tổng KTNN.
Cho ý kiến về Khoản 1, Điều 13 - Nhiệm vụ của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu quan điểm: Hiến pháp 2013 quy định “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, do đó việc quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN không nên xin ý kiến Chính phủ hay các cơ quan thuộc Chính phủ. Theo ông Lý, quy định “KTNN quyết định kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo Quốc hội” như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng việc quy định quyền độc lập quyết định kế hoạch kiểm toán của KTNN như dự thảo Luật sẽ góp phần nâng cao quyền hạn và trách nhiệm của KTNN, thể hiện được tính độc lập trong hoạt động của KTNN.
Đối với Khoản 1, Điều 4 - Giải thích từ ngữ, một số đại biểu nhận xét việc sử dụng từ “kiểm tra” trong khái niệm hoạt động kiểm toán là chưa phù hợp bởi “kiểm tra” là phạm trù thuộc công tác quản lý, lãnh đạo của một cơ quan hay tổ chức cấp trên mà không thuộc phạm trù hoạt động của KTNN. Từ lý do này, đại biểu đề nghị thay thế từ “kiểm tra” bằng từ “kiểm toán” để phản ánh rõ nét hơn đặc thù, tính chất riêng của hoạt động kiểm toán, phân biệt rõ hơn chức năng của KTNN với các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhà nước và phù hợp với Hiến pháp. Đồng tình với quan điểm nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban soạn thảo biên tập lại nội dung khoản 1 theo hướng: “Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là việc kiểm toán nhằm đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính; việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.”
Cũng tại Phiên họp, nhiều đại biểu đề nghị bỏ Điều 3. Mục đích kiểm toán và Điều 11. Địa vị pháp lý của KTNN bởi những nội dung này đã được thể hiện đầy đủ trong quy định về chức năng, nhiệm vụ của KTNN. Một số đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát hai khái niệm “tài chính công”, “tài sản công” và cân nhắc việc có cần thiết đề cập hay không hai khái niệm trên trong Luật KTNN (sửa đổi).
Về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, đa số ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất về tính bắt buộc thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với đơn vị đuợc kiểm toán, đồng thời KTNN phải chịu trách nhiệm về chất lượng của báo cáo kiểm toán. Một số ý kiến yêu cầu ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc việc thẩm quyền giải quyết khiếu nại kiểm toán trách nhiệm cao nhất là Tổng KTNN hay đơn vị được kiểm toán có thể kiện ra tòa án để giải quyết cuối cùng. Theo ý kiến của Ban soạn thảo, báo cáo kiểm toán có phần kết luận và kiến nghị trong đó kết luận có giá trị bắt buộc đối với các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện và là căn cứ để khiếu nại và giải quyết khiếu nại; kiến nghị có giá trị tư vấn giúp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong quản lý điều hành theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Một số các đại biểu tán thành với việc nên quy định thời hạn kiểm toán tùy theo tính chất, quy mô cuộc kiểm toán. Trong trường hợp đặc biệt, Tổng KTNN gia hạn kiểm toán cuộc kiểm toán.
Liên quan đến đối tượng kiểm toán là doanh nghiệp có vốn nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều đại biểu khẳng định: Ở đâu có tài chính, tài sản công là phải được kiểm toán, không phân biệt đối tượng quản lý, sử dụng. Điều này cũng phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 118 của Hiến pháp. Mặt khác, một số doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước không lớn nhưng số tuyệt đối lại rất lớn. Do đó, cần tập trung kiểm toán các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống thì chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. KTNN cần phải tổ chức kiểm toán phù hợp với từng đối tượng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Về nhiệm kỳ của Tổng KTNN, đa số ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại buổi làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp cùng với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại Phiên họp lần sau.
Dự kiến, Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII./.