(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng ngày 10/12/2014, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có buổi họp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).
Tham dự buổi họp, về phía Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội có ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS, ông Đinh Trịnh Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS cùng đại diện Vụ Tài chính – Ngân sách. Về phía KTNN có ông Nguyễn Hữu Vạn – Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng - Trưởng Ban Soạn thảo Luật KTNN (sửa đổi), ông Lê Huy Trọng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và đại diện thường trực Tổ Biên tập.
Tại buổi họp, trên cơ sở các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ XIII, KTNN và Ủy ban TC-NS của Quốc hội đã tiếp tục rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật KTNN (sửa đổi). Thường trực Ủy ban TC-NS cơ bản đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo Luật như: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; mục đích kiểm toán; giải thích từ ngữ và đối tượng kiểm toán; quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ của KTNN; quy định về Hội đồng kiểm toán... Những nội dung trước đây còn có nhiều ý kiến khác nhau như quy định về tiêu chuẩn kiểm toán viên nhà nước, đơn vị được kiểm toán, báo cáo kiểm toán, tổ kiểm toán…, KTNN và Thường trực Ủy ban TC-NS của Quốc hội đã cơ bản có ý kiến thống nhất.
Cụ thể, đối với quy định về tiêu chuẩn kiểm toán viên, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, rà soát theo hướng, kiểm toán viên nhà nước trước hết phải đảm bảo tiêu chuẩn của một công chức nhà nước bên cạnh những quy định mang tính đặc thù chuyên môn kiểm toán; đồng thời tán thành quy định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm kiểm toán viên nhà nước nên giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đối với quy định về báo cáo kiểm toán, các đại biểu thống nhất đề xuất theo hướng: Tách riêng giá trị của kết luận kiểm toán và giá trị của kiến nghị kiểm toán. Trong đó, kết luận kiểm toán trong báo cáo kiểm toán có giá trị bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán; kiến nghị kiểm toán trong báo cáo kiểm toán có tính chất tư vấn cho đơn vị được kiểm toán và các cơ quan quản lý.
Về Khoản 13 – Điều 62: DN có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, một số đại biểu cho rằng, ở đâu có tiền và tài sản nhà nước thì phải kiểm toán, trong đó kiểm toán các đơn vị có vốn nhà nước từ 50% trở xuống. Các ý kiến khác lại đề nghị chỉ tập trung kiểm toán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Sau khi thảo luận, các đại biểu đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo theo hướng tuân thủ đúng Hiến pháp: KTNN sẽ thực hiện kiểm toán toàn diện đối với các doanh nghiệp nhà nước và kiểm toán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Cho ý kiến xung quanh nội dung quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần được thiết kế theo hướng quy định cụ thể việc giải quyết khiếu nại đối với kết luận của KTNN. Theo đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước là người có quyết định cuối cùng đối với việc giải quyết khiếu nại.
Về nhiệm kỳ của Tổng KTNN, một số đại biểu cho rằng nếu nhiệm kỳ của Tổng KTNN theo nhiệm kỳ của Quốc hội thì sẽ thuận lợi cho Quốc hội trong việc bầu và phê chuẩn các chức danh thuộc thẩm quyền của mình, đồng thời đảm bảo sự thống nhất với các chức danh khác trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên một số ý kiến đồng tình với phương án nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 7 năm theo Luật KTNN hiện hành.
Thảo luận về thời hạn của cuộc kiểm toán, có hai luồng ý kiến tranh luận. Một số ý kiến đề nghị cần quy định về thời hạn tối đa cho một cuộc kiểm toán để đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán, tránh kéo dài thời gian kiểm toán. Trường hợp cần thiết, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ gia hạn thời hạn kiểm toán trong một thời gian nhất định. KTNN cho rằng, thực tế hoạt động KTNN cho thấy quy mô của các cuộc kiểm toán rất khác nhau. Do vậy, việc quy định cứng thời hạn tối đa cho một cuộc kiểm toán là không phù hợp với thực tế, nhất là đối với các cuộc kiểm toán hoạt động; chỉ nên qui định thời gian tối đa phải phát hành báo cáo kiểm toán sau khi cuộc kiểm toán kết thúc như luật hiện hành. Việc quy định thời hạn kiểm toán trong Luật sẽ gây khó khăn cho thực tiễn hoạt động kiểm toán.
Kết thúc buổi họp, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra thống nhất: hai nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp là quy định về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước và thời hạn của cuộc kiểm toán sẽ trình bày 2 phương án để báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Thành Vinh