Tại hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách (NS) từ khai khác khoáng sản (KTKS): Giải pháp nào cho Việt Nam?” vừa tổ chức tại Hà Nội, một vấn đề "nóng" đã được các đại biểu đưa ra thảo luận đó là tình trạng thất thu NS từ KTKS.
Thu ít mất nhiều...
Trong những năm qua, ngành KTKS của Việt Nam tăng trưởng nhanh và đóng góp đáng kể cho NSNN. Tuy nhiên, những đóng góp này được đánh giá là chưa tương xứng với mức độ khai thác, chi phí đầu tư và tổn thất gây ra đối với môi trường, xã hội. Hệ thống quản lý tài chính vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, tạo kẽ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu cho NSNN.
Theo TS Lê Quang Thuận - Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính so với một số nước thì mức thuế suất tài nguyên ở Việt Nam ở mức cao, tuy nhiên tỉ trọng thu NSNN còn thấp, dẫn đến việc thu chưa tương xứng với giá phải trả khi hậu quả do ô nhiễm môi trường là rất lớn. Ông Thuận chỉ rõ: “Nguyên nhân chính là do giá tính thuế chưa hợp lý, quản lý sản lượng khai thác còn chưa chặt chẽ”.
Bà Hoàng Thị Hà Giang - Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế chỉ rõ các bất cập trong thu thuế Tài nguyên KTKS hiện nay: Nhiều tài nguyên có giá trị cao chưa có quy định thu thuế tài nguyên, các loại đá granite cao cấp vẫn có mức thuế suất như đá thông thường. Chính sách thuế cũng chưa quy định rõ việc thu thuế tài nguyên với hộ gia đình, cá nhân khai thác tài nguyên, vật liệu xây dựng thông thường. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ chế để giám sát sản lượng khai thác thực tế của DN. Điều này dấn đến những rủi ro thất thu do DN khai báo số liệu thấp hơn thực tế hoặc không thực hiện các nghĩa vụ đóng góp như cam kết ban đầu. Ngoài ra, nhiều trường hợp DN chỉ xuất hóa đơn khi người mua yêu cầu để trốn sản lượng và giá tính thuế. Mặt khác, việc quản lý KTKS ở nhiều nơi còn lỏng lẻo, nên vẫn còn hiện tượng khai thác trái phép gây thất thu sản lượng.
Đồng quan điểm, Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho hay hiện nhiều mỏ KS được khai thác, đào bới bừa bãi, nhưng cơ quan Nhà nước không thể kiểm đếm khai thác được bao nhiêu nên thu thuế theo DN tự kê khai. Theo ông Thuấn, chính kẽ hở này đã khiến cho nguồn thu không đảm bảo. “Có tỉnh cấp hơn 200 giấy phép, nhưng thuế thu được 4 tỉ đồng. Như thế là gần như không thu được, bởi cán bộ thanh tra kiểm tra rất lớn, không đủ tiền nuôi bộ máy cán bộ khi thu không đủ chi”.
TS Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra một lý do nữa gây thất thu NSNN đó là tình trạng xuất khẩu lậu KS diễn ra khá công khai và nhức nhối. Với sản lượng xuất khẩu lậu, chúng ta không thu được thuế dẫn đến thất thoát. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn 4,5 tỷ USD so với số liệu thống kê của Việt Nam, trong đó phần lớn là KS.
EITI là giải pháp tối ưu
Tại hội thảo nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tăng hiệu quả thu NS từ KTKS. Ông Nguyễn Văn Thuấn cho rằng, cần có quy định tổ chức cá nhân phải có đủ điều kiện vốn, công nghệ, kinh nghiệm theo quy định mới được tham gia đấu giá quyền KTKS. Điều này sẽ giúp loại trừ các DN yếu kém về năng lực tài chính, kinh nghiệm trong KTKS.
Bên cạnh đó, việc tính tiền cấp phép căn cứ theo trữ lượng trong lòng đất được phê duyệt là điểm nổi bật trong chính sách về KS. Tiền cấp quyền KTKS có giá trị khá lớn, nhiều mỏ tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền này được xác định căn cứ vào trữ lượng khoáng sản còn nằm trong lòng đất sẽ thúc đẩy DN phải khai thác triệt để tài nguyên, không thể “dễ làm khó bỏ” hay buôn bán giấy phép KTKS. Điều này cũng loại trừ tình trạng “ôm mỏ” rất phổ biến trước đây, DN phải tính toán để đề nghị cấp phép phần trữ lượng phù hợp với công suất và thời gian khai thác.
Ở góc độ cơ quan quản lý tài chính, ông Lê Quang Thuận cho biết quản lý thu liên quan đến tài nguyên còn ở cơ chế tự khai, tự nộp, thiếu cơ chế quản lý đảm bảo công khai, minh bạch nên việc thất thoát tài nguyên, nguồn thu là vấn đề rất đáng lo ngại. Chính vì vậy, ông Thuận đề xuất trong thời gian tới cần tăng cường công khai minh bạch các số liệu như: trữ lượng, tổng sản lượng khai thác, tổng lượng xuất khẩu và cần phải dành một tỷ lệ nhất định cho các thế hệ tương lai.
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp tối ưu nhất để vừa hạn chế thất thu trong khai thác tài nguyên và giảm tham nhũng, phiền nhiễu cho DN là thực thi Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI).
Với nguyên tắc Chính phủ và DN cùng công khai một số thông tin liên quan công nghiệp khai thác dưới sự tham gia của cơ quan giám sát độc lập, EITI được coi như bộ tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Tính đến tháng 7/2014, có 45 quốc gia cam kết thực hiện EITI. Ở khu vực ASEAN, các quốc gia đã thực thi EITI gồm Indonesia, Đông Timor, Philippines và Myanmar. EITI đã giúp cho nhiều quốc gia quản lý tốt nguồn thu từ KTKS. Thông qua báo cáo EITI năm 2005, Chính phủ Nigeria xác định được 560 triệu USD cần truy thu từ lĩnh vực dầu khí đồng thời tiết kiệm được 1 tỷ USD. Sau 4 năm thực hiện EITI, có hơn 2 tỷ USD đã được phát hiện và thu hồi cho NS quốc gia này.
Việt Nam tiếp cận EITI từ năm 2009 thông qua việc tham dự hội nghị toàn cầu EITI tại Doha. Bộ Công Thương sau đó được chỉ định là cơ quan đầu mối xem xét thực thi EITI ở Việt Nam. Tuy nhiên, 5 năm nay, Việt Nam vẫn chưa chính thức cam kết thực thi EITI. Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: lợi ích của việc thực thi EITI đã được khẳng định, điều quan trọng là chúng ta phải nhanh chóng thúc đẩy việc thực thi EITI./.
Theo Báo Kiểm toán số 43/2014