Bế mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

10/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 9/10/2014, tại Hà Nội, trong buổi làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và dự toán NSNN 2014; kế hoạch phát triển KT – XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTWW 2015. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa tham dự phiên họp.

Toàn cảnh phiên bế mạc


Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2014 đạt 5,62%

Báo cáo trước UBTVQH về tình hình KT – XH trong 9 tháng 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội nước ta có nhiều chuyển biến tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, cơ bản thực hiện đạt mục tiêu tổng quát năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2014 đạt 5,62%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 với mức 5,14%. 

Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, ông Bùi Quang Vinh dự báo, chỉ tiêu phát triển ước thực hiện năm 2014 có thể đạt mức trên 5,8% GDP. Lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng ước đạt năm 2014 ở mức 4,5-4,6% (chỉ tiêu của Quốc hội là 7%). Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra theo Kế hoạch năm 2014, dự báo có 13 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, đạt và vượt kế hoạch, chiếm 93% tổng số chỉ tiêu kế hoạch, 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin, tuyên truyền, văn hóa, thể dục thể thao, bình đẳng giới, tín ngưỡng,… được triển khai thực hiện tốt, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2015, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,2%.

Trên cơ sở các thành tựu của năm 2014, mục tiêu đặt ra cho kinh tế - xã hội năm 2015 là phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ dự kiến đề xuất Quốc hội 20 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong năm 2015. Các chỉ tiêu này xây dựng theo một số định hướng lớn phát triển kinh tế là tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Cụ thể: Phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP khoảng 5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%...; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,7% - 2%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) 23,5 giường...; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý 86%; Tỷ lệ che phủ rừng 42%...

Trong công tác quốc phòng, an ninh, tiếp tục thực hiện quyết liệt, bằng sức mạnh tổng hợp và các giải pháp đồng bộ, tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông…

Để đạt những chỉ tiêu KT-XH này, báo cáo cũng chỉ rõ những định hướng lớn được đặt ra là: Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; Bảo đảm an sinh xã hội; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhất là tại các địa bàn trọng điểm...

Ổn định kinh tế vĩ mô luôn phải chú trọng đến chất lượng

Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH nhận định, không chỉ năm 2014 mà cả năm 2015 ngân sách sẽ còn khó khăn, chi trả nợ tăng cao, chưa bố trí được nguồn để điều chỉnh tiền lương cơ sở... Các ý kiến của UBTVQH cho rằng năm 2015 là thời điểm quan trọng để nước ta đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh thuận lợi là những kết quả đạt được về hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong các năm qua thì những khó khăn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, những hạn chế cố hữu của nền kinh tế cùng với tình hình thời tiết diễn biến bất thường, thiên tai, nguy cơ dịch bệnh bùng phát là những yếu tố tác động bất lợi tới tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm tới.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các Báo cáo cần căn cứ, bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2011-2015) để đánh giá tình hình, kết quả từng năm và 4 năm qua bảo đảm đầy đủ, chính xác; phân tích sâu hơn những hạn chế, khó khăn trong thực hiện từng mục tiêu, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; có giải pháp cụ thể, sát thực đối với từng lĩnh vực kinh tế - xã hội trong năm 2015 và các năm tiếp theo nhằm bảo đảm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Chính phủ, các Bộ đã làm rất nghiêm túc hình thức và nội dung các báo cáo. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ các báo cáo ra QH cần viết ngắn, gọn hơn, không kê khai tỷ mỷ số lượng mà phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu chính của Trung ương, của Quốc hội để phân tích. “Tôi thấy cần phải đánh giá làm rõ những thành tựu, kết quả đáng mừng đạt được, tạo bầu không khí phấn khởi để bước vào năm sau dự báo còn khó khăn. Tuy nhiên, trong các báo cáo cũng cần chỉ ra những tồn tại, yếu kém: những chỉ tiêu yếu kém, những cân đối yếu kém. Ví dụ, về kinh tế cũng còn nhiều điểm yếu kém như cơ cấu kinh tế chưa thật tốt; năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp; sức cạnh tranh còn yếu... Nợ công là một mối đe dọa, cân đối ngân sách chưa tích cực. Năng suất lao động xã hội rất thấp. Sản phẩm chủ lực và cái ta gọi là mô hình kinh tế để có những sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh làm còn chậm và yếu... Năm 2014, tôi đề nghị phải đánh giá thêm những mặt được để nhân dân phấn khởi. Mặt hạn chế, nhất là các lĩnh vực xã hội, phải đánh giá rõ, đi thẳng vào đời sống vật chất, tinh thần của dân có lên không? Người dân cuộc sống có yên bình không, hay vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Từ đấy mới suy nghĩ đến năm 2015 sẽ giải quyết thế nào.” -  Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, hơn lúc nào hết việc ổn định kinh tế vĩ mô luôn phải chú trọng đến chất lượng. Trong đó, cần phân tích sâu hơn và có biện pháp chỉ đạo khắc phục, tháo gỡ một số lĩnh vực còn yếu kém của nền kinh tế như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa thật tốt; năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động chưa cao; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng chưa thực sự bền vững; nợ công vẫn là mối đe dọa lớn; nguy cơ quốc phòng, an ninh vẫn hiện hữu… Cần phải tiếp tục duy trì các chương trình mục tiêu kinh tế nhưng cụ thể hơn, tránh giàn trải, đồng thời tiết kiệm chi thường xuyên, tăng giải quyết nợ và xóa đói giảm nghèo…

Được biết, sau phiên họp này, Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 sẽ tiếp tục được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện và trình vào đầu kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII./.

Thành Vinh

Xem thêm »