(kiemtoannn.gov.vn) - Công tác tổ chức bộ máy và xây dựng phát triển đội ngũ được xác định là một trong những hoạt động quan trọng trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 và được nhấn mạnh trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017. Nhằm hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của KTNN theo mô hình quản lý tập trung, trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 - Mục đích chiến lược 2 đã nêu rõ: KTNN sẽ tập trung vào hoạt động phát triển hệ thống tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ kiểm toán viên về số lượng, cơ cấu, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp hóa của đội ngũ.
Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp đội ngũ công chức, kiểm toán viên thông qua đào tạo, bồi dưỡng là một trong những nội dung quan trọng của Mục đích chiến lược 2. (Trong ảnh: Lễ bế giảng lớp Bồi dưỡng ngạch kiểm toán viên dự bị tháng 6/2014)
Là đơn vị được giao chủ trì triển khai, kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện các hoạt động liên quan đến Mục đích chiến lược 2, sau khi tiến hành đánh giá thực trạng hệ thống tổ chức bộ máy, thực trạng đội ngũ nguồn nhân lực của KTNN, bám sát vào định hướng chiến lược phát triển đối với mọi lĩnh vực hoạt động của KTNN đến năm 2020, Vụ Tổ chức cán bộ của KTNN đã đề ra các mục tiêu cũng như các dự án/hoạt động thực hiện Mục đích chiến lược 2. Theo đó, Mục đích chiến lược 2 đề ra 5 mục tiêu và 17 dự án/hoạt động, cụ thể: Hoàn thiện và phát triển hệ thống tổ chức bộ máy từng bước tiến tới đồng bộ; Xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp; Sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác cán bộ một cách đồng bộ; Xây dựng đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và chất lượng cao và Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp đội ngũ công chức, kiểm toán viên thông qua đào tạo, bồi dưỡng.
Xây dựng và triển khai nhiều đề án nhằm hoàn thiện và phát triển hệ thống tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực của KTNN
Theo Ths Nguyễn Bá Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ KTNN, đến nay KTNN đã xây dựng và triển khai nhiều đề án trong từng mục tiêu cụ thể nhằm hoàn thiện và phát triển hệ thống tổ chức bộ máy từng bước tiến tới đồng bộ. Đầu năm 2014 KTNN đã thành lập Phòng Kiểm toán hoạt động thuộc Vụ Tổng hợp để có thể từng bước nghiên cứu, hoạt động thử nghiệm và triển khai trong toàn ngành. Khi đủ điều kiện, năng lực sẽ tiếp tục đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thành lập KTNN chuyên ngành VIII. Đồng thời, Vụ Tổ chức cán bộ đã và đang phối hợp với Trung tâm Khoa học và bồi dưỡng cán bộ xây dựng Đề án thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và Viện Nghiên cứu khoa học kiểm toán trên cơ sở Trung tâm Khoa học và bồi dưỡng cán bộ. Để chuẩn bị cho bước thành lập, vừa qua Tổng KTNN đã ban hành Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Trung tâm Khoa học và bồi dưỡng cán bộ.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Dũng, mục tiêu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc được xác định là nhiệm vụ thường xuyên của Vụ Tổ chức cán bộ. Chính vì vậy, đầu năm 2014, Vụ đã phối hợp với Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế đề xuất với Ban cán sự và Tổng Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của 3 Vụ này theo hướng: một nhiệm vụ chỉ giao cho một đơn vị chủ trì, các đơn vị có liên quan mang tính chất phối hợp; công tác kiểm soát chất lượng cũng được tăng cường ở mỗi cấp lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, vừa qua, Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã tham mưu cho lãnh đạo đánh giá lại mô hình các phòng nghiệp vụ ở các KTNN chuyên ngành và khu vực. Hiện nay, Vụ đang tham mưu sắp xếp, bố trí lại các phòng nghiệp vụ theo hướng chuyên môn hóa là nền tảng xây dựng tính chuyên nghiệp hóa mà KTNN đang hướng tới.
Về xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp thông qua xây dựng vị trí việc làm đối với công chức và viên chức:
Kế hoạch chiến lược đề ra cần phải có hai đề án: Đề án vị trí việc làm đối với công chức hành chính và Đề án vị trí việc làm đối với viên chức sự nghiệp. Theo Kế hoạch, hai đề án này phải hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào Quý II/2014. Hiện nay, KTNN đã xây dựng cơ bản hoàn thành Đề án đối với viên chức sự nghiệp. Riêng với Đề án đối với công chức hành chính, do tính chất phức tạp của công việc, đặc biệt là các loại vị trí công việc của công chức là KTV ở các KTNN chuyên ngành và khu vực, do vậy, thời hạn hoàn thành được Lãnh đạo KTNN cho lùi vào năm 2015 để có thời gian nghiên cứu và học hỏi thêm kinh nghiệm ở một số bộ, ngành.
Về sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định về công tác tổ chức cán bộ:
Thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch chiến lược, thời gian qua, Vụ Tổ chức cán bộ đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản về công tác tổ chức cán bộ và trình Tổng KTNN ban hành. Nhìn chung, các văn bản về công tác tổ chức cán bộ được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường phân cấp mạnh hơn, phù hợp với hoạt động của ngành.
Tiến hành xây dựng các phần mềm ứng dụng CNTT vào công tác tổ chức cán bộ và đào tạo:
KTNN đã tiến hành xây dựng và đã hoàn thành 02 phần mềm: Phần mềm quản lý cán bộ và phần mềm quản lý đào tạo chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Xây dựng đội ngũ đảm bảo đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và chất lượng cao:
Vụ Tổ chức cán bộ được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao xây dựng đề án tuyển dụng công chức, viên chức giai đoạn 2014 – 2015 và 2016 - 2017. Lường trước khó khăn về việc thực hiện chủ trương của Đảng là không tăng biên chế đối với các cơ quan, đơn vị cho đến năm 2016, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Tổng KTNN giai đoạn 2014 - 2015 không đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung biên chế trong năm 2014, việc đề xuất bổ sung sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp.
Bên cạnh đó, Vụ Tổ chức cán bộ đang tiếp tục tham mưu cho Tổng KTNN thực hiện thành công Đề án tuyển dụng công chức năm 2013, trong đó chú trọng vào chất lượng. Đồng thời xây dựng Đề án điều động, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2014 – 2017 với các nhiệm vụ trọng tâm: Điều động cán bộ giữ chức vụ có hơn một nhiệm kỳ ở cùng vị trí công tác để vừa tạo cơ cấu công chức lãnh đạo giữa các đơn vị có sự tương đồng, tăng cường cán bộ cho các đơn vị có khó khăn về công tác cán bộ và tránh sức ỳ của cán bộ; Luân chuyển cán bộ thuộc diện quy hoạch để rèn luyện, thử thách, tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận; Từng bước điều chỉnh số lượng biên chế, cơ cấu chuyên môn giữa các đơn vị đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
Cần thực hiện đảm bảo hiệu quả đối với việc triển khai thực hiện Mục đích chiến lược 2
Nhìn vào những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Mục đích chiến lược 2 về phát triển tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực của KTNN, ông Nguyễn Bá Dũng đề xuất một số những giải pháp tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả đối với việc triển khai thực hiện.
Giải pháp về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mục đích của Kế hoạch chiến lược
Theo ông Nguyễn Bá Dũng, cùng với các giải pháp tổ chức thực hiện của Vụ Tổ chức cán bộ, KTNN cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của KTNN để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch chiến lược; Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khi xây dựng kế hoạch năm đưa các hoạt động của Kế hoạch chiến lược vào kế hoạch của đơn vị và của ngành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc về tiến độ, chất lượng thực hiện Kế hoạch chiến lược của các đơn vị, nhất là các đơn vị được giao chủ trì từng mục đích chiến lược; tạo cơ chế liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong việc triển khai thực hiện từng mục đích chiến lược thông qua các hội nghị giao ban, hội nghị trao đổi chuyên môn, phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp rõ ràng; yêu cầu các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý; tiến hành sơ kết định kỳ 6 tháng và hàng năm, sơ kết 2 năm và tổng kết vào năm cuối của kỳ Kế hoạch; Chỉ đạo các đơn vị chủ trì từng mục đích tiến hành đánh giá, dự báo, quản trị rủi ro từng dự án/hoạt động; trường hợp cần thiết có thể xem xét điều chỉnh dự án/hoạt động hoặc tiến độ thực hiện, xác định mức độ ưu tiên phù hợp với năng lực của ngành; Tìm kiếm và khai thác thêm sự hỗ trợ kỹ thuật từ các SAIs hoặc sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế cho các dự án/hoạt động, nhất là các dự án/hoạt động có độ phức tạp, các dự án về lĩnh vực chuyên môn để có thể học hỏi kinh nghiệm cần thiết.
Giải pháp chuyên môn đối với việc thực hiện các dự án/hoạt động của Mục đích chiến lược 2 về hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực của KTNN
Đối với mục tiêu phát triển hệ thống tổ chức bộ máy, ông Bá Dũng đề xuất, trước hết cần tập trung xây dựng và vận hành Phòng Kiểm toán hoạt động (thuộc Vụ Tổng hợp) theo hướng: tăng cường đội ngũ công chức có chất lượng cho đơn vị và nghiên cứu xây dựng các chuẩn mực, quy trình chuyên môn, kỹ thuật kiểm toán, thực hiện thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm và đào tạo cho ngành để từng bước triển khai ở các chuyên ngành và khu vực... Đồng thời cần thực hiện thành công Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động Trung tâm Khoa học và bồi dưỡng cán bộ; Nghiên cứu mô hình tổ chức các trường, các viện nghiên cứu ở các bộ, ngành khác và các điều kiện cần và đủ theo quy định của pháp luật; đánh giá tác động (cả về mặt tích cực và hạn chế, khó khăn) đối với việc thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và Viện Nghiên cứu khoa học kiểm toán trên cơ sở Trung tâm Khoa học và bồi dưỡng cán bộ; xác định rõ nhu cầu và đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, đối tượng, lĩnh vực nghiên cứu, phạm vi ứng dụng để xây dựng chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Trường, Viện từ đó xác định quy mô tổ chức, phương thức vận hành...; Phối hợp với các đơn vị chuyên ngành và khu vực xác định rõ mô hình phòng nghiệp vụ theo từng lĩnh vực kiểm toán, phù hợp với đối tượng, phạm vi, quy mô tài chính, ngân sách, đầu tư thuộc lĩnh vực kiểm toán của đơn vị; Tiếp tục rà soát lại chức năng, nhiệm vụ các đơn vị, nhất là các vụ tham mưu và lĩnh vực, phạm vi kiểm toán của từng đơn vị để đảm bảo cho sự vận hành của bộ máy không chồng chéo, tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, kiểm soát, giảm bộ phận gián tiếp (các bộ phận tham mưu, giúp việc), ưu tiên phát triển đội ngũ KTV cho các bộ phận trực tiếp.
Đối với phát triển nguồn nhân lực, ông Bá Dũng cho rằng cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ Nội vụ về cách thức xây dựng vị trí việc làm, nhất là việc mô tả vị trí công tác, xác định khung tiêu chuẩn, xác định biên chế đối với từng vị trí công tác; học hỏi kinh nghiệm từ các bộ, ngành trong việc xác định vị trí việc làm để áp dụng phù hợp với đặc thù của KTNN, nhất là hoạt động kiểm toán; Đề xuất Tổng KTNN thuê chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn, hỗ trợ trong việc xây dựng xác định vị trí việc làm. Đối với chuyên gia ngoài nước nên là chuyên gia đến từ các SAIs có kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức nhân sự; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhất là các đơn vị chuyên ngành và khu vực để hướng dẫn trong quá trình cách thức xác định vị trí việc làm, xác định khung tiêu chuẩn, xác định biên chế.
Về sửa đổi, bổ sung quy định về công tác cán bộ một cách đồng bộ, cần chủ động nghiên cứu, dự báo trước các quy định liên quan đến tổ chức cán bộ trong Luật KTNN để có hướng tham mưu và xây dựng phù hợp với yêu cầu hoạt động của KTNN trong giai đoạn mới, nhất là các quy định đối với KTV NN; tranh thủ sự ủng hộ, từ các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ban công tác đại biểu của Quốc hội để có thể trình ngay sau khi Luật KTNN sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó tiếp tục rà soát đề xuất Tổng KTNN sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định về tổ chức cán bộ phù hợp đặc thù của ngành; chú trọng tăng cường phân cấp trong công tác tổ chức cán bộ, từ quản lý, bố trí, sử dụng đến quy hoạch, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ.
Về xây dựng Đề án tuyển dụng công chức giai đoạn 2014 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2017, theo ông Bá Dũng nên gộp 2 đề án này và chỉ nên xây dựng Đề án cho giai đoạn 2016 – 2017 sau khi đề án vị trí việc làm đối với công chức hành chính và công chức sự nghiệp được phê duyệt để có cơ sở xây dựng và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong năm 2014 và 2015 cần triển khai thực hiện thành công Đề án tuyển dụng năm 2013. Để xây dựng Đề án, trong năm 2014 và 2015 Vụ cần phải triển khai xây dựng 2 đề án vị trí việc làm và đánh giá, phân loại cơ cấu đội ngũ toàn ngành, nhất là cơ cấu đội ngũ KTV; tiến hành sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cho phù hợp, gắn với điều động, luân chuyển và chuyển đổi vị trí công tác.
Đối với mục đích xây dựng Đề án và thực hiện điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giai đoạn 2014 – 2017, ông Dũng cho rằng, Đề án cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ việc lựa chọn công chức, đến theo dõi, kiểm tra, đánh giá, phương án điều động về sau khi hết thời hạn, chế độ, chính sách kèm theo. Sau khi Đề án được ban hành, hàng năm Vụ TCCB phải xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Đồng thời tiếp tục quán triệt Nghị quyết 34 của Ban cán sự tới toàn thể công chức trong toàn ngành để công chức nắm rõ chủ trương và yên tâm công tác.
Đối với mục đích nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp đội ngũ công chức, kiểm toán viên thông qua đào tạo, bồi dưỡng, theo ông Phan Duy Minh – Phó Tổng giám đốc TTKH&BDCB, trước mắt, cần tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng một đội ngũ GVCH cần thiết, đủ mạnh. Các giảng viên sẽ được đào tạo, bồi dưỡng thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về dạy học, đồng thời gắn kết với các đơn vị kiểm toán chuyên ngành cũng như khu vực và được tham gia trực tiếp vào các cuộc kiểm toán. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu đào tạo KTV nhà nước và các chương trình bồi dưỡng khác theo hướng trước hết, ưu tiên tập trung xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu đào tạo KTV nhà nước. Dựa trên cơ sở chương trình chuẩn để xây dựng biên soạn các chương trình bồi dưỡng khác và sớm xây dựng chương trình hướng dẫn về Kiểm toán nội bộ. “Theo chúng tôi đây là vấn đề khá mới và không dễ ở Việt Nam. Vì thế, KTNN nên cho thành lập Ban nghiên cứu soạn thảo chương trình Kiểm toán nội bộ để có thể nghiên cứu sâu, lấy ý kiến của nhiều bộ ngành và đặc biệt có thể học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, việc hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nội bộ nếu được giao chủ yếu cho các Kiểm toán chuyên ngành và Kiểm toán khu vực thì sẽ có nhiều thuận lợi và mang lại kết quả tốt hơn.” – Ông Phan Duy Minh nói.
Ông Duy Minh cũng đề xuất cần sớm thành lập Trường Đào tạo kiểm toán nhà nước để có thể thích ứng với nhiệm vụ mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Bởi chỉ trên cơ sở một trường đào tạo, với chức năng nhiệm vụ cụ thể là tập trung vào hoạt động đào tạo, có cơ cấu tổ chức bộ máy hợp lý, một cơ chế hoạt động phù hợp, đội ngũ giảng viên được chọn lọc tuyển dụng và đào tạo bài bản… thì mới có thể khắc phục được nhiều bất cập từ trước đến nay./.