Ths. Đào Thị Thu Vĩnh
Phó Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT
Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước- ưu điểm và hạn chế
Ngày 09/11/2010, Quyết định số 06/2010/QĐ-KTNN của Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước (KTNN) mới thay thế cho Hệ thống Chuẩn mực KTNN năm 1999. Hệ thống Chuẩn mực KTNN hiện nay gồm có 3 chương và 21 chuẩn mực.
Nhìn chung, Hệ thống Chuẩn mực KTNN mới đã phù hợp với Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI đã được sắp xếp lại và thông qua Đại hội INTOSAI lần thứ XVII năm 2001 tại Seoul, Hàn Quốc.
Nếu chỉ đánh giá Hệ thống Chuẩn mực KTNN riêng biệt khi so sánh với Hệ thống các chuẩn mực Quốc tế của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (ISSAIs) là chưa đầy đủ, vì ISSAIs gồm có 4 cấp độ: Cấp độ 1: Các nguyên tắc nền tảng (ISSAI 1); Cấp độ 2: Các điều kiện tiên quyết để thực hiện chức năng của SAI (ISSAI 10-99); Cấp độ 3: Các nguyên tắc kiểm toán cơ bản (ISSAI 100-999); Cấp độ 4: Các hướng dẫn kiểm toán (ISSAI 1000-5999). Vì vậy, để đánh giá được một cách đầy đủ và phù hợp, chúng ta phải nghiên cứu và đánh giá toàn bộ hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn hoạt động KTNN (văn bản chế độ kiểm toán), bao gồm: Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước, các quy trình kiểm toán, đề cương, hướng dẫn kiểm toán và các văn bản khác điều chỉnh hoạt động kiểm toán của KTNN.
Thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước và Hệ thống chuẩn mực KTNN, hiện nay KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán của KTNN và các quy trình kiểm toán chuyên ngành, như: Quy trình kiểm toán Ngân sách nhà nước; Dự án đầu tư xây dựng công trình; Chương trình mục tiêu Quốc gia; Doanh nghiệp; Các tổ chức tài chính ngân hàng; Báo cáo quyết toán Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề và thực hiện kiểm toán lồng ghép nhiều chuyên đề vào các cuộc kiểm toán ngân sách tỉnh, thành phố, bộ, ngành; đã ban hành các đề cương, hướng dẫn kiểm toán chi tiết cách thức thực hiện đối với từng cuộc kiểm toán chuyên đề.
Chi tiết hóa quy trình kiểm toán, KTNN còn ban hành Quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, Quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; Quy trình kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN.
Để thực thi một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, KTNN đã ban hành Quy định niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán và cá nhân có liên quan trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Quy chế về sử dụng cộng tác viên kiểm toán; Quy chế thuê hoặc ủy thác doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán...
Để thống nhất việc lập và lưu trữ hồ sơ kiểm toán, KTNN ban hành Hệ mẫu biểu hồ sơ kiểm toán và Quy định danh mục hồ sơ kiểm toán; chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và huỷ hồ sơ kiểm toán.
Để quản lý, điều hành, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động kiểm toán, KTNN đã ban hành: Quy định về quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước; Quy chế làm việc của KTNN; Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra; Quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán; Quy định tạm thời về tiêu chí và thang điểm đánh giá chất lượng cuộc kiểm toán.
Nhìn chung cho đến thời điểm này, Hệ thống chuẩn mực và các văn bản chế độ kiểm toán của KTNN có các ưu điểm sau:
- Hệ thống chuẩn mực và các văn bản chế độ kiểm toán là tương đối đầy đủ để thực thi chức năng và nhiệm vụ của KTNN theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước;
- Phù hợp với trình độ phát triển của KTNN và trình độ phát triển của nền tài chính, kế toán và hệ thống các văn bản pháp quy của Việt Nam hiện hành;
- Đã phát huy và đúc rút kinh nghiệm thực tiễn kiểm toán qua 20 năm hoạt động của KTNN;
- Các văn bản chế độ kiểm toán đã thường xuyên được bổ sung, sửa đổi hàng năm cho phù hợp với các văn bản pháp quy của các ngành, đơn vị được kiểm toán và phù hợp với thực tiễn kiểm toán;
- Đã từng bước nghiên cứu và hướng dẫn kiểm toán chuyên sâu theo từng lĩnh vực, từng chuyên đề.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cũng cho thấy Hệ thống chuẩn mực và các văn bản chế độ kiểm toán của KTNN còn có các hạn chế sau:
- Chưa hình thành một hệ thống văn bản chế độ đồng bộ và xác lập về cấp độ và theo loại hình kiểm toán như hướng dẫn của INTOSAI (hệ thống ISSAIs);
- Việc ban hành văn bản chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phải tiến hành thực hiện kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán hàng năm, như kiểm toán các chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, các vấn đề nổi cộm xuất phát từ dư luận xã hội, báo chí...(vấn đề quản lý đất, tài nguyên khoáng sản, nhà ở đô thị, ...);
- Việc ban hành văn bản còn mang tính chất bị động, thời gian gấp rút, nên chất lượng văn bản ban hành chưa cao, chưa được nghiên cứu một cách khoa học;
- Kết cấu của cùng một loại văn bản ban hành còn có trường hợp còn chưa đồng nhất;
- Chưa xây dựng được chiến lược và kế hoạch hành động để xây dựng hệ thống văn bản chế độ kiểm toán phù hợp với hệ thống ISSAIs.
Định hướng hoàn thiện
Với xu hướng phát triển chung của thế giới, việc thực hiện các ISSAI là rất cần thiết. Để thực hiện điều này, KTNN cần phải thực hiện đánh giá việc thực hiện các yêu cầu của ISSAI thông qua việc sử dụng bộ Công cụ đánh giá việc tuân thủ ISSAI (iCAT) để thấy được những yêu cầu nào của ISSAIs còn chưa thực hiện được hoặc chưa thực hiện đầy đủ, qua đó phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp thực hiện, nghiên cứu xây dựng Chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện ISSAI để phát triển toàn diện, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Biện pháp thực hiện:
1/ Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước, các Luật khác có liên quan để khẳng định địa vị pháp lý và tính độc lập của KTNN Việt Nam.
2/ Tiếp tục triển khai thực hiện Bản cam kết thực hiện Chương trình sáng kiến thực hiện ISSAI (3i) với IDI – ASOSAI đã ký tại Phnom Pênh, Campuchia ngày 1/3/2013. Tiếp tục thực hiện các hoạt động sau: Cử cán bộ tham gia vào chương trình của INTOSAI đào tạo giảng viên trực tuyến về công cụ đánh giá ISSAI (iCAT); Đào tạo về Sổ tay thực hiện ISSAI trên trực tuyến của INTOSAI; Đào tạo về cách xây dựng Chiến lược và kế hoạch hành động theo hướng dẫn của IDI; Duy trì tập trung nguồn nhân lực, thời gian làm việc và tăng cường năng lực cho Nhóm đánh giá việc tuân thủ ISSAI; Thực hiện đánh giá việc tuân thủ ISSAI trong hoạt động của KTNN và tổ chức hội thảo, trao đổi lấy kiến rộng rãi trong toàn ngành, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước; Tổ chức xây dựng chiến lược thực hiện ISSAI và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược thực hiện ISSAI của KTNN; Theo dõi, đánh giá thực hiện ISSAI của KTNN.
3/ Thành lập các nhóm soạn thảo văn bản theo từng loại văn bản còn thiếu hoặc đã có cần phải hoàn thiện. Đặc biệt cần tập trung soạn thảo các văn bản ở cấp độ 4 như: Hướng dẫn kiểm toán tài chính, kiểm toán hoạt động, kiểm toán tuân thủ và các hướng dẫn kiểm toán chuyên đề theo chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện ISSAI.
4/ Tiếp tục khẩn trương tiến hành dịch và phổ biến các ISSAI của INTOSAI đã ban hành để nghiên cứu và dùng làm tài liệu đào tạo. Có thể thuê chuyên gia của INTOSAI để phổ biến các ISSAI và cho ý kiến về các đánh giá tuân thủ ISSAI (iCAT).
5/ Tăng cường tuyên truyền để thống nhất về nhận thức, thấy được sự cần thiết phải thực hiện các ISSAI. Đây là lần đầu tiên thực hiện một vấn lớn về văn bản chế độ KTNN, có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Vấn đề hội nhập trong lĩnh vực kiểm toán khu vực công nên có sự ủng hộ và đồng thuận của Quốc hội, Chính phủ và các đơn vị có liên quan trong và ngoài ngành và của các cán bộ công chức KTNN là rất cần thiết để tạo sự nhất trí và ủng hộ trong thực thi.
6/ Tham gia phát triển hệ thống kế toán – kiểm toán nói chung của Việt Nam vì các hướng dẫn của ISSAI về kiểm toán tài chính chủ yếu dựa trên hệ thống các chuẩn mực quốc tế về kiểm toán (International Standards on Auditing -ISAs) của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (International Federation of Accountants - IFAC) và chỉ ban hành thêm các chú giải thực hành đối với khu vực công. Ngày 18/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là một Chiến lược quan trọng góp phần đẩy nhanh việc phát triển hệ thống kế toán - kiểm toán độc lập.
7/ Tổ chức các cuộc khảo sát và học tập kinh nghiệm của các nước đã thực hiện tốt các Chuẩn mực kiểm toán của INTOSAI.
8/ Vận động các nhà tài trợ quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) hay các nước phát triển hỗ trợ phát triển (ODA) để hình thành các dự án tài trợ, trợ giúp thực hiện đồng hoá các chuẩn mực Quốc tế của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao đối với các nước đang phát triển.
9/ Đề xuất với ASOSAI, INTOSAI tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các nước trong khu vực hay giữa các khu vực để phổ biến kinh nghiệm việc đồng hoá các chuẩn mực Quốc tế của các cơ quan Kiểm toán Tối cao ở nước mình để rút ra các bài học kinh nghiệm; Tổng kết kinh nghiệm của các nước trong việc đồng hoá các chuẩn mực Quốc tế của các cơ quan Kiểm toán Tối cao trong khu vực để từ đó có những bài học kinh nghiệm và đề xuất với INTOSAI những vấn đề bất cập cần bổ sung sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hoặc những thách thức trong quá trình thực hiện ISSAIs trong cộng đồng INTOSAI./.
Theo Báo kiểm toán số 35/2014