Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng: Cơ bản tuân thủ thời gian, mục tiêu đã đề ra

03/09/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Sóc Trăng là một tỉnh nghèo, có 2.408 DN, trong đó có 2.389 DN nhỏ và vừa (NVV). Trong tổng số DNNVV có 25,28% DN do phụ nữ làm chủ và có 3,05% DN do người dân tộc thiểu số Khmer làm chủ. Trong kết quả kiểm toán Dự án sau năm đầu tiên triển khai, KTNN khẳng định: “Việc đầu tư Dự án phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng là hết sức cần thiết. Với nguồn kinh phí được giao, Sở KH&ĐT tỉnh Sóc Trăng và Ban Quản lý Dự án Phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng đã chủ động triển khai các nhiệm vụ theo đúng kế hoạch khởi động được UBND tỉnh Sóc Trăng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) phê duyệt”.

Tập trung phát triển về chất của DNNVV
Dự án phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch 5 năm phát triển DNNVV của tỉnh, trong đó có chú trọng đến các cộng đồng cư dân nông thôn, bao gồm cả dân tộc thiểu số; đồng thời thực hiện các ưu tiên chính trong Kế hoạch phát triển của tỉnh, bao gồm cả kết cấu cơ sở hạ tầng nhỏ và tăng cường năng lực hành chính công để hỗ trợ phát triển DNNVV. Nguồn vốn đầu tư của Dự án là từ sự đóng góp của CIDA - khoản tiền không vượt quá 9,2 triệu đô la Canada (CAD), và nguồn đối ứng của Việt Nam thông qua tỉnh Sóc Trăng là 1 triệu CAD, trong đó có 500 ngàn CAD tiền mặt và 500 ngàn CAD là hiện vật.

Dự án được triển khai trên phạm vi 18 xã thuộc 5 huyện Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Xuyên và Trần Đề và tại Sở KH&ĐT, Sở Tài chính Sóc Trăng. Nội dung của Đề án gồm 3 hợp phần có liên quan với nhau. Cụ thể, Hợp phần 1 là xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV (nguồn vốn đầu tư 5,2 triệu CAD); Hợp phần 2 là xây dựng các kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển DNNVV (nguồn vốn đầu tư 2,9 triệu CAD); Hợp phần 3 là xây dựng năng lực cho quản lý công để hỗ trợ DNNVV phát triển (nguồn vốn đầu tư 1,1 triệu CAD).

Trong 6 năm triển khai Dự án (2011-2016) thì tại năm đầu tiên (2011), nguồn vốn được bố trí gồm CIDA cấp 10,644 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 103,2 triệu đồng, được sử dụng nhằm xác định các lĩnh vực mục tiêu thông qua phân tích và tham vấn về kinh tế, cùng với việc hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cơ quan của tỉnh trong các lĩnh vực lập kế hoạch, lập ngân sách và quản lý tài chính. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kế hoạch khởi động của Dự án đã sớm được triển khai từ tháng 6 đến tháng 12/2011. KTNN xác định, nguồn kinh phí được sử dụng trong năm đầu tiên này là 10,747 tỷ đồng, nhưng kinh phí đề nghị quyết toán chỉ là 5,174 tỷ đồng, số phải chuyển nguồn sang năm sau là 5,544 tỷ đồng.

Đảm bảo nhiều mục tiêu của nhà tài trợ
Trong giai đoạn khởi động, Hợp phần 1 và Hợp phần 3 của Dự án đã được triển khai và cơ bản đã thực hiện được mục tiêu, nội dung đề ra. Qua đó, bộ máy tổ chức thực hiện Dự án đã được kiện toàn: Ban chỉ đạo Dự án tỉnh đã được thành lập và do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban, còn lại 15 thành viên khác là đại diện của các Sở, ban, ngành liên quan, 5 huyện có Dự án và Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng; Ban Quản lý Dự án (QLDA) tỉnh cũng được thành lập với 4 cán bộ hoạt động kiêm nhiệm; hình thành Nhóm cán bộ hành động hỗ trợ Ban QLDA gồm 16 cán bộ đại diện cho các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh; thành lập các Ban Chỉ đạo dự án cấp huyện của 5 huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Trần Đề, Cù Lao Dung và huyện Kế Sách; thành lập Ban QLDA tại các xã có dự án; tuyển dụng các cán bộ hỗ trợ kỹ thuật.
Cũng ngay trong năm đầu tiên, 5 khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ của Ban QLDA, cán bộ tham gia thực hiện Dự ánđã được thực hiện, đảm bảo đúng kế hoạch, đúng đối tượng, giúp cho các cán bộ tham gia quản lý dự án nâng cao kỹ năng, trách nhiệm và hiệu quả công việc giúp triển khai và quản lý Dự án một cách tốt nhất.

Trong quá trình triển khai Dự án, Ban QLDA đã hết sức quan tâm đến việc lồng ghép giới, ưu tiên người dân tộc thiểu số tham gia vào công tác tổ chức, triển khai Dự án.Ngoài ra, nhiều phụ nữ, người dân tộc cũng được bố trí tham gia các lớp học tập kinh nghiệm, lập kế hoạch truyền thông, tài chính, quản lý tài chính công.

Theo đánh giá của KTNN, năm 2011, Ban QLDA tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tương đối tốt tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP thông qua việc tiết kiệm được một số kinh phí nhưng vẫn đảm bảo thực hiện hết các nội dung, mục tiêu của Dự án. Cụ thể, tiết kiệm 777,8 triệu đồng tiền mua sắm xe ô tô, các lớp tập huấn thực chi 276 triệu đồng/dự toán 427 triệu đồng - tiết kiệm 151 triệu đồng, chi phí văn phòng tiết kiệm 525 triệu đồng...

Các nội dung được kiểm toán về cơ bản đều tuân thủ về thời gian, mục tiêu đã đề ra; chấp hành Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, quy chế quản lý đầu tư xây dựng, thực thi theo các điều khoản đã ký kết trong Thỏa thuận đóng góp giữa Canada và Chính phủ Việt Nam, giữa các bên liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án. Tuy nhiên, còn có một số hạn chế trong việc xây dựng các cuốn cẩm nang quản lý Dự án, công tác hạch toán, quyết toán tài chính còn sơ suất do chưa trình Sở Tài chính thẩm định, phê duyệt kinh phí năm 2011...

Cùng với những hạn chế này, KTNN cũng chỉ rõ một số bất cập cần khắc phục thông qua các kiến nghị kiểm toán với UBND tỉnh, Sở KH&ĐT tỉnh Sóc Trăng, Ban QLDA phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng. Qua đó nhằm hướng tới mục đích quan trọng nhất là Dự án được triển khai sẽ góp phần nâng cao năng lực các DNNVV tạo điều kiện cho nền kinh tế của tỉnh phát triển, tăng kim ngạch xuất khẩu, tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm cho nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và người nghèo dân tộc thiểu số./.

Theo Báo Kiểm toán số 35/2014

Xem thêm »