Nâng tầm kiểm toán hoạt động trong hoạt động của KTNN

29/08/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(kiemtoannn.gov.vn) - Xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý, kiểm tra và giám sát tài chính công, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã và đang đặt ưu tiên cao cho việc xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và phát triển các loại hình hoạt động của mình. Trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã đề ra mục tiêu “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. Nhằm cụ thể hóa Chiến lược này, KTNN đã ban hành Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN cho giai đoạn 2013-2017, trong đó có đề ra mục đích chiến lược "Tăng cường giá trị và lợi ích trong việc đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công."

Kiểm toán hoạt động công trình Trụ sở Bộ Ngoại giao tại Mỹ Đình


Ban cán sự đảng KTNN xác định việc đẩy mạnh kiểm toán hoạt động là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay của KTNN, vì vậy cần phải nhất quán thực hiện. Trên cơ sở đó, đầu năm 2014, KTNN đã thành lập Phòng Kiểm toán hoạt động thuộc Vụ Tổng hợp để có thể từng bước nghiên cứu, hoạt động thử nghiệm và triển khai trong toàn ngành. 

Theo ông Đào Văn Dũng - Vụ Trưởng Vụ Tổng hợp KTNN, nhận thức được vai trò của kiểm toán hoạt động về đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đã chủ động lồng ghép loại hình kiểm toán hoạt động trong các cuộc kiểm toán việc quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý sử dụng vốn của các dự án đầu tư; kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp và các cuộc kiểm toán chuyên đề. "Việc lựa chọn các vấn đề có tính thời sự được Quốc hội, Chính phủ, xã hội quan tâm để tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập hoặc lồng ghép đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, bước đầu đã tạo lòng tin trong dư luận và công chúng, rút ra được một số kinh nghiệm nhất định" - ông Đào Văn Dũng khẳng định.

Nâng tầm kiểm toán hoạt động trong hoạt động của KTNN

Thực tế kiểm toán đã chỉ ra yêu cầu cấp thiết phải nâng tầm kiểm toán hoạt động trong hoạt động của KTNN nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả của loại hình kiểm toán này. 

Xuất phát từ nhu cầu trên, Phòng Kiểm toán hoạt động - Vụ Tổng hợp đảm nhiệm nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về kiểm toán hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ trước mắt của Lãnh đạo KTNN: Làm đầu mối xây dựng chính sách, phát triển hệ thống cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn về kiểm toán hoạt động; xây dựng kế hoạch triển khai kiểm toán hoạt động; giám sát, kiểm soát quy trình thực hiện và hướng dẫn nghiệp vụ toàn ngành; chuyển giao và đào tạo về kiểm toán hoạt động.  "Trong năm 2014, Phòng Kiểm toán hoạt động được giao tổ chức triển khai thực hiện 02 cuộc kiểm toán hoạt động thí điểm, với sự tư vấn và trợ giúp về kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Quỹ Kiểm toán toàn diện Canada, giúp các kiểm toán viên của Phòng học hỏi kinh nghiệm về kiểm toán hoạt động." - ông Đào Văn Dũng cho biết.

Theo ông Nguyễn Bá Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ KTNN, để có nguồn kiểm toán viên đáp ứng được yêu cầu của kiểm toán hoạt động, KTNN đã cử 57 lượt công chức tham gia các khóa đòa tạo, tập huấn,; tham gia một số đoàn kiểm toán hoạt động tại các nước phát triển về loại hình kiểm toán hoạt động. Đồng thời, KTNN đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức kiểm toán phát triển trên thế giới, từ đó bước đầu đã hình thành được lực lượng kiểm toán viên có kiến thức cơ bản về kiểm toán hoạt động.

Để tạo bước đột phá, phát triển nhanh và toàn diện kiểm toán hoạt động, theo ông Đào Văn Dũng, KTNN cần kiện toàn bộ máy thực hiện kiểm toán hoạt động, đẩy mạnh công tác xây dựng chuẩn mực, quy trình, sổ tay hướng dẫn kiểm toán hoạt động, hệ thống hồ sơ mẫu biểu phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của KTNN Việt Nam, theo lộ trình:

Trong vòng từ 2-5 năm tới, thành lập KTNN Chuyên ngành về kiểm toán hoạt động trên cơ sở nâng cấp Phòng Kiểm toán hoạt động thuộc Vụ Tổng hợp. Ngoài ra, tuỳ thuộc vào tình hình phát triển, yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của KTNN, mỗi KTNN Chuyên ngành, Khu vực thành lập 01 Phòng Kiểm toán hoạt động để triển khai rộng rãi loại hình kiểm toán hoạt động trong toàn ngành.

Hoàn thành cơ bản hệ thống chuẩn mực và các văn bản hướng dẫn về kiểm toán hoạt động trong quý IV/2015. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chuẩn mực, quy trình và tài liệu hướng dẫn về kiểm toán hoạt động đến toàn thể lực lượng kiểm toán viên trong ngành, các đơn vị được kiểm toán và công chúng.
 
Tăng cường lực lượng KTV tham gia trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động theo lộ trình: Năm 2014 là 20 người; năm 2015 là 30 người; năm 2016 là 50 người và năm 2017 là 70 người. Đồng thời, đảm bảo cơ cấu hợp lý về chuyên ngành đào tạo của đội ngũ KTV, trong đó KTV về tài chính - kế toán - kiểm toán - ngân hàng chiếm 40%; KTN về xây dựng, giao thông, thủy lợi, kiến trúc 30%; KTV về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, luật, công nghệ thông tin 20% và các chuyên ngành khác 10%.

Đảm bảo 100% KTV tham gia trong lĩnh vực kiểm toán hoạt động được đào tạo, tập huấn về kiến thức và kỹ năng kiểm toán hoạt động hàng năm; trong đó 10-20% KTV được đi đào tạo, học tập ở nước ngoài.

Tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động theo lộ trình: Năm 2014 hoàn thành 02 cuộc kiểm toán hoạt động thí điểm; số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động từ năm 2015-2017 chiếm từ 5-10% tổng số cuộc kiểm toán hàng năm của KTNN; từng bước nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các kiến nghị kiểm toán hoạt động. 

Giải pháp thực hiện lộ trình phát triển kiểm toán hoạt động của KTNN

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong lộ trình phát triển kiểm toán hoạt động của KTNN, theo ông Đào Văn Dũng, KTNN cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1. Xây dựng và ban hành các chuẩn mực, quy trình, sổ tay hướng dẫn và hệ thống hồ sơ mẫu biểu về kiểm toán hoạt động đáp ứng được các yêu cầu về lý thuyết và thực tiễn áp dụng, tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và các hướng dẫn về kiểm toán hoạt động của INTOSAI. Chọn lọc các hướng dẫn của các cơ quan kiểm toán tối cao có bề dày kinh nghiệm về kiểm toán hoạt động để nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn hoạt động để ban hành các hướng dẫn về kiểm toán hoạt động phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Đảm bảo tiến độ xây dựng 02 chuẩn mực, 01 quy trình; 01 sổ tay hướng dẫn và 01 hệ thống hồ sơ mẫu biểu về kiểm toán hoạt động trong quý IV/2015.

2. KTNN cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về kiểm toán hoạt động phù hợp với năng lực đội ngũ kiểm toán viên và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm đào tạo của INTOSAI, ASOSAI, các SAIs và hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài nhằm xây dựng đội ngũ kiểm toán viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông về nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với yêu cầu của kiểm toán hoạt động và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Trước mắt, tập trung đào tạo cả về lý thuyết và thực tiễn, kết hợp trang bị kiến thức nghiệp vụ với kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội, kiến thức đa ngành và kỹ năng thực hành cho đội ngũ kiểm toán viên của Phòng Kiểm toán hoạt động thành lực lượng nòng cốt, có năng lực chuyên sâu về kiểm toán hoạt động. Tăng cường hợp tác, giao lưu học tập nghiệp vụ và trao đổi kinh nghiệm kiểm toán hoạt động trong và ngoài nước.

3. Về tổ chức thực hiện kiểm toán hoạt động:

Tổ chức tổng kết và đúc rút kinh nghiệm thực tế từ kết quả 02 cuộc kiểm toán hoạt động thí điểm thực hiện trong năm 2014 để nhân rộng, triển khai loại hình kiểm toán hoạt động trong các năm tiếp theo, phù hợp với năng lực và điều kiện thực tiễn của KTNN.

Từng bước nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động, trong đó chú trọng công tác lựa chọn chủ đề kiểm toán; khảo sát thu thập thông tin và lập kế hoạch của cuộc kiểm toán; áp dụng các phương pháp kiểm toán hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; nâng cao hiệu lực pháp lý và giá trị gia tăng của báo cáo kiểm toán; công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán hoạt động.

Nghiên cứu để làm rõ mục tiêu, nội dung và phạm vi lồng ghép đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công trong các cuộc kiểm toán tài chính. Từng bước hướng kiểm toán tài chính đến việc xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp pháp của báo cáo tài chính; kiểm toán hoạt động tập trung đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Tăng cường sử dụng chuyên gia trong kiểm toán hoạt động để tư vấn xây dựng tiêu chí, củng cố bằng chứng kiểm toán, phân tích đánh giá, đưa ra kiến nghị phù hợp…; hoàn thiện quy định về việc sử dụng chuyên gia (trên cơ sở Quy chế sử dụng cộng tác viên được ban hành tại Quyết định số 161/QĐ-KTNN ngày 07/3/2012 của Tổng KTNN) nhằm lựa chọn chuyên gia có đầy đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, tính độc lập, khách quan và tăng cường giám sát chất lượng, hiệu quả công việc của chuyên gia.

Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị được kiểm toán để tạo môi trường thông tin phục vụ kiểm toán hoạt động; đồng thời tăng cường việc trao đổi thông tin với các bên có liên quan đến chủ đề kiểm toán hoạt động để nhận được các ý kiến phản hồi, đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán.

Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia Quỹ Kiểm toán toàn diện Canada và các nước khác đối với lĩnh vực kiểm toán hoạt động nhằm đào tạo các kiểm toán viên nòng cốt, vừa triển khai kiểm toán, vừa nghiên cứu xây dựng chính sách chế độ về kiểm toán hoạt động phù hợp với thực tế Việt Nam. Triển khai sâu rộng việc nghiên cứu kinh nghiệm kiểm toán hoạt động của các nước phát triển để áp dụng vào thực tiễn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán hoạt động của KTNN một cách toàn diện.

Xây dựng phần mềm lưu trữ thông tin về các cuộc kiểm toán hoạt động nhằm chia sẻ thông tin trong nội bộ KTNN được đầy đủ và nhanh chóng vừa nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng, vừa tiết kiệm thời gian và nhân lực kiểm toán; đào tạo kiểm toán viên hoạt động có kỹ năng về công nghệ thông tin, có khả năng kiểm toán hoạt động trong môi trường công nghệ thông tin và sử dụng tin học trong công tác kiểm toán.

4. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về kiểm toán hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về tổ chức, thực tiễn hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức, tham gia hội thảo trong và ngoài nước.

5. Về thành lập đơn vị chuyên kiểm toán hoạt động

Trước hết, tập trung xây dựng và vận hành Phòng Kiểm toán hoạt động (thuộc Vụ Tổng hợp) theo hướng: tăng cường đội ngũ công chức có chất lượng cho đơn vị và nghiên cứu xây dựng các chuẩn mực, quy trình chuyên môn, kỹ thuật kiểm toán, thực hiện thử nghiệm, đúc rút kinh nghiệm và đào tạo cho ngành để từng bước triển khai ở các chuyên ngành và khu vực;

Tổng kết, rút kinh nghiệm, cả về mô hình tổ chức, sự vận hành tổ chức, xây dựng đội ngũ làm kiểm toán hoạt động và cả về chuyên môn, nghiệp vụ. Khi xây dựng đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần làm rõ mối quan hệ giữa đơn vị chuyên về kiểm toán hoạt động với các đơn vị chuyên ngành và khu vực trong việc thực hiện kiểm toán hoạt động./.





Xem thêm »