(kiemtoannn.gov.vn) - Trong ngày 27-28/8/2014, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2014. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa tham dự phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp tháng 8/2014
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014, dự báo tình hình 9 tháng, cả năm 2014; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015. Chính phủ cũng đã nghe, thảo luận vào nhiều Đề án, nội dung quan trọng khác như: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Phương án phát hành Trái phiếu quốc tế của Chính phủ; Cơ chế ưu đãi đối với cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ đặc biệt; Cơ chế thí điểm giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập; Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp cho thấy, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp, giá cả, thị trường khá ổn định. So với tháng 12/2013, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 có mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 10 năm qua. Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, tiếp tục có xuất siêu, góp phần tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia. Giải ngân vốn FDI, vốn ODA và vay ưu đãi đạt khá; thu hút vốn FDI bước đầu có chuyển biến tích cực.
Tiến độ thu đạt cao hơn cùng kỳ các năm trước, bảo đảm các nhu cầu chi của ngân sách Nhà nước (NSNN). Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp duy trì phát triển tốt; năng suất và sản lượng lúa hè thu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá; khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao hơn so với cùng kỳ. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ, bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm an toàn giao thông đạt nhiều kết quả tích cực.
Về mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô:
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số CPI tháng 8/2014 tăg 0,22% so với tháng 7/2014 (tăng 0,23%). So với tháng 12/2013, CPI tháng 8 tăng 1,84%. So với cùng kỳ, CPI tháng 8/2014 tăng 4,31%, bình quân 8 tháng tăng 4,73%.
Trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 96,98 tỷ USD, tăng 12%; xuất siêu gần 1,7 tỷ USD, bằng 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về thu - chi NSNN, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2014, tổng thu NSNN ước đạt gần 538.83 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% dự toán năm; tổng chi NSNN ước đạt gần 627,88 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán năm.
Về vốn FDI, vốn ODA và vay ưu đãi trong 8 tháng đầu năm, vốn vay đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký ước đạt trên 10,23 tỷ USD, bằng 81% so với cùng kỳ năm 2013.
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế:
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng đầu năm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,3%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1% (cùng kỳ tăng 6,5%).
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tính đến ngày 15/8/2014, cả nước đã gieo cấy được 1.446,5 nghìn ha lúa mùa, bằng 98,6% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch được 1.116,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 94,9% năm trước. Ước tính chung cả nước, năng suất lúa hè thu năm 2014 đạt 53,3 tạ/ha, tăng so với năm trước 1,2 tạ/ha; sản lượng lúa hè thu ước đạt 11,3 triệu tấn, tăng hơn 90 nghìn tấn.
Về khu vực dịch vụ: Trong 8 tháng đầu năm 2014, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 11.4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 6,4% (cùng kỳ tăng 5,1%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 5,5 triệu lượt, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt khoảng 4,9 triệu lượt, tăng 7,9%).
Về lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và an sinh xã hội:
Tạo việc làm: trong 8 tháng đầu năm 2014, ước giải quyết việc làm cho khoảng 1.031,3 nghìn lao động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 64,5% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 961 nghìn người, tăng 2,5%, đạt 63,5% kế hoạch năm; xuất khẩu lao động đạt khoảng 70,3 nghìn người, tăng 28,3%, đạt 80,9% kế hoạch cả năm.
Tình hình an ninh trật tự và an toàn giao thông tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Trong 8 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông đã giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí, số vụ tai nạn giao thông giảm 14,26%, số người chết giảm 4,23% và số người bị thương giảm 18,58%.
Tại phiên họp, Chính phủ đã thống nhất đánh giá trong 8 tháng đầu năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp của nhân dân cả nước, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định vững chắc. Dựa trên tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng và dự báo thực hiện cả năm, trong 14 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2014, dự kiến có 12 chỉ tiêu đạt và vượt; trong đó tăng trưởng GDP đạt 5,8%; chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5%.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những kết quả đạt được trong 8 tháng qua cho thấy có cơ sở để tin tưởng việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 đã đề ra; đồng thời yêu cầu trong 4 tháng còn lại của năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. “Nếu nỗ lực, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 5,8% là khả thi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, tạo đà phát triển cho năm 2015.
Với tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2014, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế chính sách; các nhóm giải pháp trong lĩnh vực xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh; tăng cường công tác đối ngoại… Tạo đà phát triển ở mức cao hơn, bền vững hơn trong năm 2015.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, đại phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện các giải pháp tăng tổng cầu cho nền kinh tế, trước hết là tăng dư nợ tín dụng cho vay và tăng giải ngân đầu tư.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả Luật đầu tư công, phân bổ vốn theo kế hoạch đầu tư trung hạn, khắc phục tình trạng sử dụng vốn dàn trải, kém hiệu quả chống thất thoát, lãng phí. Khẩn trương, quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành gắn với nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ cấu ngân hàng thương mại gắn với giải quyết nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém..
Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách theo hướng tạo sự thông thoáng, thuận lợi theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó đột phá vào cải cách thủ tục hành chính. “Cải cách thể chế không chỉ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn giúp phòng chống tiêu cực, tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước”. Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính của từng lĩnh vực, địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nghiên cứu, rà soát, khẩn trương thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi, loại bỏ các văn bản, quy định bất hợp lý, tạo vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất loại bỏ các quy hoạch không còn phù hợp, gây tốn kém xã hội, phát sinh tiêu cực, cản trở thị trường, cản trở phát triển. “Tôi đồng ý quản lý nhà nước là phải bằng pháp luật, bằng chiến lược, quy hoạch nhưng thực tế chúng ta có quá nhiều quy hoạch không phù hợp và không cần thiết. Trong điều kiện kinh tế thị trường, chúng ta hoặc phải hạn chế và giảm bớt quy hoạch, hoặc cần phải có quy hoạch thì phải theo thị trường”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, môi trường...Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; triển khai có hiệu quả các chương trình tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là giải nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thủ tướng yêu cầu sớm xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ về chính sách cho người dân bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân tham gia giữ rừng.
Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, chủ động hơn trong công tác đối ngoại, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia và nâng cao vị thế đất nước.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Thủ tướng định hướng mục tiêu tổng quát là tiếp tục bảo đảm ổn định vĩ mô; tăng trưởng phải cao hơn gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện các đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Theo đó, năm 2015 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%; lạm phát tương đương năm 2014 (khoảng 5%); tăng thu ngân sách khoảng 11%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%...
Tại Phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về một số Đề án, Báo cáo quan trọng.
Về Dự thảo Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ nhất trí ban hành Nghị quyết về Đề án này, theo đó, ngoài chức năng, nhiệm vụ và các quyền tự chủ của nhà trường theo quy định của pháp luật hiện hành, nhà trường được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về 3 lĩnh vực (thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính). Các trường khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường Đại học đã được thể hiện trong các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, trong Luật Giáo dục Đại học. Việc thực hiện thí điểm tự chủ với 4 trường Đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại Thương và Đại học Hà Nội) thu được kết quả tốt, làm cơ sở để tăng thêm quyền tự chủ cho các trường.
Theo Thủ tướng, “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có nghĩa là không có quản lý nhà nước. Để được tự chủ thì phải có đề án trình cơ quan chức năng phê duyệt với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát, thanh tra. Đây chính là khung quản lý đối với các trường”. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho các đối tượng sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, cận nghèo. Thủ tướng cũng lưu ý việc tổ chức hội đồng trường để tăng cường hiệu quả quản lý, chất lượng hoạt động các trường được giao tự chủ.
Về Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, Chính phủ nhất trí thông qua, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện Đề án, thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý đề án phải làm rõ những điểm then chốt, nhất là những điểm mang tính nguyên tắc, những nội dung đổi mới, nhiệm vụ giải pháp, kinh phí.
Theo dự thảo đề án, hệ thống giáo dục phổ thông trước mắt vẫn giữ nguyên 12 năm đã nêu trong Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dự thảo đưa ra 2 phương án về xây dựng sách giáo khoa, theo đó, phương án 1 là Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp biên soạn bộ sách giáo khoa mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thẩm định chất lượng các bộ sách giáo khoa được tổ chức, cá nhân biên soạn. Ý kiến các các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1.
Về Báo cáo tóm tắt kết quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin năm 2013 của các cơ quan Nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông trình, Thủ tướng nhấn mạnh, công nghệ thông tin là phương tiện vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, vừa phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. “Mục đích báo cáo để các bộ, ngành, địa phương biết mình đang đứng ở đâu để cố gắng hơn”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương, theo đó, có 11 Bộ, ngành xếp mức khá, 8 trung bình; 3 địa phương xếp mức tốt, 8 địa phương khá và 51 địa phương xếp mức trung bình.
Về báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ chế, chính sách đặc biệt đối với Viện Khoa học công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST), Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Khoa học và Công nghệ trình duyệt theo thẩm quyền, theo các quy định của pháp luật.
Về đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ lùi hiệu lực Thông tư 20/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực từ ngày 1/9/2014 có nhiều quy định không khả thi, Thủ tướng Chính phủ nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư 20 để nghiên cứu, tiếp thu thêm các ý kiến. “Phải đặt mình vào vị trí người dân, doanh nghiệp, quy định phải phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi”, Thủ tướng lưu ý.
Trước ý kiến của một số thành viên Chính phủ về quy định việc mua, bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá không quá 2 triệu đồng/người/ngày (theo Quyết định 254/2006/QĐ-TTg) là tạo ra kẽ hở cho buôn lậu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét hủy bỏ quy định này. “Không để lợi dụng chính sách tiếp tay cho buôn lậu, gây hại cho sản xuất trong nước”, Thủ tướng nêu rõ.
Về ý kiến của Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế, cả trong các cơ quan hành chính cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, từ nay đến năm 2016, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, nhất là ở khu vực sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp lập thêm tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt./.